Chánh án Nguyễn Hoà Bình: “Bồi thường oan sai kiểu gì cũng bị nói!”

VOV.VN - Nếu bồi thường đúng quy định phải có chứng từ thì tiền không được bao nhiêu. Bồi thường cao lại liên quan câu chuyện lấy tiền thuế của dân.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chia sẻ điều này khi thảo luận tại tổ về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội ngày hôm nay (27/10). Ông Nguyễn Hoà Bình đánh giá, dự thảo luật quy định rộng hơn, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, khi gây ra thiệt hại cho dân thì phải bồi thường. Tuy nhiên, đi vào thực thi thì rất khó.

Hình sự đã khó, thêm hành chính không biết thế nào!

Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, các quyết định hành chính gây ra thiệt hại thì phải bồi thường, nhưng từ trước tới nay chủ yếu bồi thường trong tư pháp hình sự, oan sai, còn dân sự hành chính là chưa có.

“Giờ mở ra thêm các quyết định hành chính nữa thì phạm vi này thực sự chúng ta chưa có kinh nghiệm. Ví dụ như Chủ tịch xã, huyện ra quyết định sai, chứng minh thu hồi đất gây thiệt hại cho người ta rồi bồi hường thì quả thực chưa có kinh nghiệm. Dù đưa vào luật này nhưng hướng dẫn để đi vào cuộc sống là khó khăn” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại buổi họp chiều 27/10

Riêng lĩnh vực hình sự, Chánh án TANDTC nhấn mạnh chúng ta đã làm nhiều năm nay, cũng có kinh nghiệm mà vẫn khó khăn.

“Tôi cũng theo dõi mấy vụ án oan sai, thực sự mà nói bồi thường kiểu gì cũng bị lên án. Nếu bồi thường đúng quy định của luật, theo hướng dẫn Bộ Tài chính là phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu...thì bồi thường không được bao nhiêu cả. Vậy lại lên tiếng tại sao bồi thường thấp” – ông Nguyễn Hoà Bình chia sẻ.

Nêu ví dụ như vụ Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận), nếu “kẻ” theo đúng quy định số tiền không được bao nhiêu, ông Bình nói: “Dư luận sẽ đặt câu hỏi sao mười mấy năm mà chỉ có bấy nhiêu? Còn nếu vận dụng số tiền quá nhiều thì cũng sẽ có một luồng dư luận khác lên án, tại sao tiền Nhà nước mất nhiều thế”.

Chánh án TANDTC cũng cho rằng, trên thực tế khi vận dụng luật, có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có những khoản không thể nào chứng cứ hoá được như danh dự, sức khoẻ, tinh thần... Đây là những thứ không có định lượng nên tuỳ theo sự vận dụng. Điều đó khiến cơ quan thi hành gặp khó khăn.

“Tôi nói riêng trong lĩnh vực hình sự đã khó thế rồi, giờ lại hành chính nữa thì không biết thước đo mênh mông thế nào. Đó là áp lực. Chúng tôi đang phải giải quyết câu chuyện của ông Huỳnh Văn Nén, ông Trần Văn Thêm, các căn cứ hết sức khó khăn” – ông Nguyễn Hoà Bình chia sẻ và nhấn mạnh, kể cả khi thương lượng không được, đưa nhau ra toà thì toà căn cứ xác định cũng rất khó.

“Chúng ta đã cố gắng làm dự án luật này tương đối nhiều điều, nhưng để giải quyết được toàn bộ bài toán thực tiễn đặt ra thì chưa làm được. Tôi cũng thấy phải có nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn” – Chánh án TANDTC nói.

Xác định ai sai phải công bằng

Đề cập quy định thu hồi tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường từ người gây thiệt hại, Chánh án TANDTC đặt vấn đề: “Ở đây mới nói anh phải thu hồi và phải có một định lượng 30-50 tháng lương nhưng thu hồi của ai thì chưa nói”.

Ví dụ vụ án oan của ông Nguyên Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) là lỗi tổng hợp, có lỗi của điều tra viên, kiểm sát viên, toà án. Giờ thu hồi, không thể nói mình "ông toà" được. Luật trước đây nói nếu ở giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải đền, xử lý kỷ luật điều tra viên; nếu ở giai đoạn truy tố thì VKS phải đền, xử lý kỷ luật kiểm sát viên; còn nếu ở giai đoạn xét xử thì toà án phải đền, thẩm phán phải bị kỷ luật.

“Được hiểu, anh bị kỷ luật có nghĩa anh phải hoàn trả tiền này. Nhưng giai đoạn sau là chịu ảnh hưởng của cả giai đoạn trước, nên khi tham gia việc này, chúng tôi đã đề nghị khi ở giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải đền, xin lỗi, ông điều tra viên bị xử lý và phải hoàn tiền; ở giai đoạn truy tố thì VKS phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật phải cả điều tra viên và kiểm sát viên, 2 người này chung trách nhiệm bồi hoàn. Đến xét xử, toà án phải xin lỗi, bồi thường và phải xử lý kỷ luật cả 3 ông này và đều có trách nhiệm bồi hoàn” – ông Nguyễn Hoà Bình nêu quan điểm.

“Tất cả đều phải có trách nhiệm, chứ không làm xong chuyển giai đoạn khác rồi thành vô can thì không công bằng. Chúng tôi đã đề nghị thế nhưng chưa thấy đề cập vì đây là vấn đề xuyên suốt cả quá trình”- ông Bình nói.

Dẫn số liệu thực tế cho thấy những vụ oan sai lớn nhiều năm mới phát hiện ra, những người làm sai thậm chí đã nghỉ hưu hoặc đã mất, ông Nguyễn Hoà Bình đặt vấn đề: Giờ đặt ra câu chuyện phải trừ tiền lương hưu của họ mấy tháng thì không rõ cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ chưa, bởi người ta trông vào đồng hưu ba cọc ba đồng mà lại trừ 30-50 tháng lương thì liệu làm việc này có sinh ra chuyện xã hội khác không? Tôi thấy cũng có vấn đề”.

Tiền đâu bồi thường nên lấy từ đâu?

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít quốc gia có bồi thường, thể hiện trách nhiệm trước dân, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, một số nước không cho phép điều tra, Viện Kiểm sát hay Toà làm bồi thường mà giao cho Bộ Tư pháp để không bị phình bộ máy vì có phải lúc nào cơ quan này cũng làm oan sai.

“Một năm chúng ta có 90.000 vụ án hình sự nhưng nhiều năm mới có vụ 1 vụ oan sai. Nhưng nếu sinh ra bộ máy để làm hoài việc này thì cân nhắc trong điều kiện chúng ta đang giảm biên chế. Nên có bộ máy chuyên nghiệp đi đàm phán đúng luật. Giờ mình ông ở Cà Mau, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh, mỗi ông đàm phán một kiểu theo nhận thức của mình, tính chuyên nghiệp không có nên tạo ra mặt bằng đền bù khập khiễng, ông nhiều, ông ít. Nên cần có cơ quan thống nhất do Bộ Tư pháp như các nước” – ông Nguyễn Hoà Bình đề nghị.

Đặt vấn đề lấy tiền đâu bồi thường, Chánh án TANDTC cho biết: Dư luận, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội đặt ra một câu chuyện rất nóng, rằng tiền nhân dân đóng, tiền thuế không phải chi trả cho chuyện gây oan sai. Đây là câu chuyện rất nhức nhối nhưng thế giới đã giải được bài toán này.

“Trong văn bản kiến nghị cho cơ quan soạn thảo, chúng tôi đã nêu nhưng không được tham khảo. Các nước họ lập ra 1 quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản tiền thu được do phạm tội mà có như hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền... Và lấy quỹ này để trả cho bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân. Ở các nước nguồn tiền này là đủ. Đây là câu chuyện nên tham khảo” – ông Bình cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chậm trễ bồi thường oan sai hàng trăm tỉ đồng
Chậm trễ bồi thường oan sai hàng trăm tỉ đồng

VOV.VN - Theo thống kê, 6 năm qua, mới có 22 trong tổng số hơn 200 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng trên tổng số hơn 111 tỉ đồng Nhà nước phải bồi thường. 

Chậm trễ bồi thường oan sai hàng trăm tỉ đồng

Chậm trễ bồi thường oan sai hàng trăm tỉ đồng

VOV.VN - Theo thống kê, 6 năm qua, mới có 22 trong tổng số hơn 200 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng trên tổng số hơn 111 tỉ đồng Nhà nước phải bồi thường. 

Xác định thiệt hại - điểm nghẽn trong bồi thường oan sai
Xác định thiệt hại - điểm nghẽn trong bồi thường oan sai

VOV.VN -Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải dự liệu và khái quát hóa được các loại thiệt hại để làm căn cứ áp dụng cho từng vụ việc, hoàn cảnh cụ thể

Xác định thiệt hại - điểm nghẽn trong bồi thường oan sai

Xác định thiệt hại - điểm nghẽn trong bồi thường oan sai

VOV.VN -Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải dự liệu và khái quát hóa được các loại thiệt hại để làm căn cứ áp dụng cho từng vụ việc, hoàn cảnh cụ thể

Tòa án tỉnh Bình Thuận thương lượng với ông Nén để bồi thường oan sai
Tòa án tỉnh Bình Thuận thương lượng với ông Nén để bồi thường oan sai

VOV.VN - Sáng 20/5, TAND tỉnh Bình Thuận có cuộc làm việc với ông Nén và các luật sư để thương lượng việc bồi thường án oan sai hơn 17 năm của ông này

Tòa án tỉnh Bình Thuận thương lượng với ông Nén để bồi thường oan sai

Tòa án tỉnh Bình Thuận thương lượng với ông Nén để bồi thường oan sai

VOV.VN - Sáng 20/5, TAND tỉnh Bình Thuận có cuộc làm việc với ông Nén và các luật sư để thương lượng việc bồi thường án oan sai hơn 17 năm của ông này