Đánh giá ai cũng tốt cả, làm sao tinh giản biên chế?

VOV.VN - Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, đánh giá cán bộ không phải “suy tôn” nhau mà cần minh bạch, cạnh tranh để loại người yếu kém mới tinh giảm biên chế.

Trả lời VOV.VN, Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, áp lực tinh giản biên chế đã quá lớn, gây bức xúc. Không tinh giản được thì bộ máy cồng kềnh, cân đối ngân sách và cải cách tiền lương cực kỳ khó khăn. Chúng ta không thể đi vay tiền để trả lương cho cán bộ công chức.

PV: Yêu cầu tăng lương là cần thiết, nhưng vấn đề chi ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh khiến cử tri bức xúc, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Tăng lương là vấn đề rất cần thiết, thậm chí cấp bách. Tôi cho rằng phần đông cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thu nhập bằng lương là chủ yếu thì với tình hình giá thị trường biến động, rồi sắp tới tăng giá viện phí, y tế và việc điều chỉnh tiền lương khối Nhà nước chậm đến hơn 3 năm rồi, khiến đời sống khó khăn.

Tuy nhiên, đây là khoản chi thường xuyên trong cân đối ngân sách Nhà nước nên việc điều chỉnh tiền lương cơ sở không được làm mất ổn định thêm về an ninh tài chính quốc gia, tăng nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước.

Để làm được điều đó, đòi hỏi xử lý một cách quyết liệt cả về chính sách thu, chính sách chi. Yếu tố lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý việc chi ngân sách vẫn còn.

Để có nguồn cải cách tiền lương thì phải giảm chi, trong có chi hành chính. Muốn thế phải giảm biên chế. Trước mắt không cho tăng biên chế trong những năm tới. Với đội ngũ biên chế hiện hành phải giảm theo từng năm bằng chính sách cho nghỉ trước tuổi, trước thời hạn hoặc bố trí sang lĩnh vực khác.

Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

PV: Bộ máy rõ ràng đang rất cồng kềnh, nhưng phải chăng cách đánh giá hàng năm cán bộ đều tốt cả khiến việc tinh giản biến chế không đạt?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Tôi cho rằng đúng là việc đánh giá cán bộ hiện tại có nhiều điểm chưa sát. Có những khi bình bầu cuối năm, tôi qua xem xét ở các bộ ngành, địa phương thấy đều hoàn thành nhiệm vụ tốt cả, ít ra cũng là hoàn thành, còn tỷ trọng cán bộ không hoàn thành rất ít, xử lý kỷ luật cũng rất nhỏ.

Bài toán giảm biên chế có thể giải được. Căn cứ vào Luật công chức, Luật viên chức thì Chính phủ cần xác định rõ vị trí việc làm trong từng tổ chức, cơ quan. Trên tinh thần đó giao khoán chỉ tiêu đối với từng đơn vị, cơ quan, tổ chức, địa phương, ngành để đội ngũ cán bộ công chức, viên chức buộc phải tính toán với nhau xem ai tiếp tục làm, ai phải ra đi.

Tôi cho rằng nếu làm như vậy một cách công khai thì vừa phát huy dân chủ, đánh giá cán bộ một cách chính xác, chứ không phải tự suy tôn lẫn nhau, cũng không phải cấp trên đánh giá chất lượng cấp dưới mà phải biến việc giảm biên chế thành một nhiệm vụ của chính từng người trong bộ máy nhà nước, cạnh tranh hợp lý để chỉ rõ anh nào kém hơn để từng bước đưa ra khỏi bộ máy.

PV: Giải pháp mà ông đề cập hoàn toàn có thể thực hiện được lâu nay. Vậy tại sao “lời giải” đó chưa được áp dụng một cách mạnh mẽ và thực tế bộ máy vẫn phình ra?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Nguyên nhân ở hai điểm. Thứ nhất là mặc dù ta vẫn giao chỉ tiêu giảm biên chế, nhưng trong khi đó vẫn giao tăng biên chế đối với một số bộ ngành, địa phương do chia tách địa giới hành chính và thành lập cơ quan, đơn vị mới. Chính vì vậy trong những năm vừa qua chủ trương tinh giản biên chế luôn được giao nhưng thực hiện ngược lại liên tục tăng.

Ta mới yêu cầu giao giảm đối với công chức, nhưng với viên chức nhà nước lại không quyết liệt. Theo quy định của luật hiện hành thì chỉ tiêu viên chức của từng địa phương giao HĐND xem xét quyết định. Vì vậy, Trung ương siết vào nhưng địa phương lại muốn mở ra để tạo thêm điều kiện việc làm cho cán bộ công nhân viên trên địa bàn. Điều đó dẫn đến bịt chỗ này có giảm lại phình chỗ kia quá to.

Tôi xin lưu ý rằng số lượng tăng quy mô viên chức - là đối tượng ngân sách cũng trả lương, tăng nhiều hơn công chức.

Thứ hai là chỉ tiêu giảm biên chế có giao nhưng cơ chế không đồng bộ dẫn đến giao nhưng không xử lý được. Cần chính sách hỗ trợ chuyển nghề hoặc nghỉ trước thời hạn cho đối tượng bị tinh giản nhưng chưa bố trí ngân sách thoả đáng.

PV: Dư luận cũng băn khoăn cho rằng khó giảm biên chế một phần do mối quan hệ thân quen, nể nang, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Tinh giản biên chế vừa qua làm chưa quyết liệt nên chưa bộc lộ nhiều mối quan hệ “con ông cháu cha” hay thân quen.

Tôi cho rằng tới đây nếu áp dụng khoán biên chế theo chỉ tiêu ngày càng giảm dần và quán triệt chủ trương đến từng cơ sở, từng người lao động trong đơn vị để họ vì quyền lợi và vị trí việc làm của chính bản thân mình thì những tệ nạn can thiệp trái pháp luật đó chắc chắn sẽ được hạn chế.

PV: Ông kỳ vọng như thế nào về Đề án tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ xây dựng?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Vấn đề tôi quan tâm là làm rõ giải pháp trong tổ chức thực hiện. Vấn đề tinh giản biên chế ta nhìn rõ rồi, nơi nào thiếu, bất cập chỗ nào, cơ cấu đến đâu, lãng phí nguồn lao động và áp lực cân đối ngân sách ra sao được nhận diện hết rồi.

Đề án này phải triển khai phải có hiệu lực trên thực tiễn, kết quả của nó phải phản ảnh đúng khi những số biên chế thừa, yếu kém được chuyển, người có năng lực, phẩm chất được giữ lại trong bộ máy. Lấy chỉ tiêu giảm nhưng giữ lại chất lượng, tránh tình trạng giảm biên chế nhưng “chảy máu chất xám”.

PV: TPHCM vừa có đề án tinh giản gần 14.000 người, chiếm 10% tổng số biên chế hiện nay trong 6 năm. Ông nghĩ gì về quyết tâm của địa phương này?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Tôi đồng tình và đánh giá cao quyết tâm đó của TPHCM vì tinh giản biên chế là áp lực quá lớn, gây bức xúc.

Chúng ta không tinh giản được thì bộ máy cồng kềnh, cân đối ngân sách và cải cách tiền lương cực kỳ khó khăn. Không thể đi vay để trả lương cho cán bộ công chức được.

Vấn đề không chỉ đối với TPHCM mà đối với cả nước là những đề án, giải pháp đó cần được tổ chức thực hiện và có kết quả trên thực tiễn, phải đảm bảo được chỉ tiêu giảm hàng năm là bao nhiêu chứ không chỉ dừng trên văn bản nữa. Và chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước tăng là bao nhiêu.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng lương bằng tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công
Tăng lương bằng tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công

VOV.VN -Muốn tăng lương phải thực hiện rốt ráo việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng bộ máy, tiết giảm chi tiêu công.

Tăng lương bằng tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công

Tăng lương bằng tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công

VOV.VN -Muốn tăng lương phải thực hiện rốt ráo việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng bộ máy, tiết giảm chi tiêu công.

Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức
Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức

Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức

Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức

TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế
TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế

Loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu công việc, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ... từ nay đến năm 2021 TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế.

TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế

TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế

Loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu công việc, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ... từ nay đến năm 2021 TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế.