Khoản 3, điều 19, dự thảo sửa đổi BLHS 2015:

Rào cản cho chiến lược phát triển luật sư?

VOV.VN -Theo ý kiến của luật sư, quy định theo khoản 3, điều 19, Dự thảo sửa đổi BLHS 2015 như rào cản cho chiến lược phát triển của luật sư.

“Quy định kiểu gì cũng phải phát huy quyền con người”

Tại khoản 3, điều 19 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 (Dự thảo sửa đổi BLHS 2015) quy định: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Luật sư Hoàng Huy Được trao đổi với phóng viên VOV

Vấn đề này, Luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội – Đại biểu HĐND TP. Hà Nội cho rằng: “Quy định theo khoản 3, điều 19, Dự thảo sửa đổi BLHS 2015 rất có vấn đề”.

Nhìn từ góc độ Hiến pháp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, quyền con người là cốt lõi được quy định cụ thể trong chương II của Hiến pháp năm 2013. Do vậy, BLHS cũng phải phù hợp với Hiến pháp.

“Dự thảo BLHS muốn quy định gì thì quy định nhưng phải phát huy tối đa quyền con người, quyền dân chủ quy định trong Hiến pháp”.

Về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 quy định người bị tạm giam, tạm giữ có quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa, nhờ luật sư bào chữa. “Đấy là sự tiến bộ trong Hiến pháp năm 2013”, Luật sư Hoàng Huy Được phân tích.

Theo đại biểu HĐND TP.Hà Nội, quyền bào chữa của luật sư không phải tự nhiên mà có, nó phát sinh từ quyền của thân chủ, những người bị tạm giam, tạm giữ. Đấy là quyền con người, đó là quyền được hiến định.

“Nếu thân chủ không nhờ thì luật sư có tài giỏi đến mấy cũng không thể biện hộ”, luật sư Được nêu quan điểm.

Thực tế hàng chục năm làm nghề luật sư, ông Được cho biết, luật sư rất khó khăn trong việc tham gia bào chữa. “Khi thì cơ quan điều tra lấy cớ phải là bị can, bị cáo nhờ bào chữa. Có trường hợp thân nhân của bị can, bị cáo viết giấy mời, thậm chí viết sẵn rồi, nhưng vào trong trại, phải chăng dưới sự giải thích khéo léo của cơ quan điều tra thì họ từ chối sự tham gia của luật sư trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bản thân mình”, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nêu vấn đề.

Dẫn chứng lại câu chuyện về vụ sập cầu Chu Va, ông Hoàng Huy Được cho biết, đấy là một trường hợp mà đến bây giờ ông vẫn cảm thấy nhức nhối.

“Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Hoa Kỳ mới chỉ trình độ lớp 3, viết một giấy yêu cầu luật sư từ trong trại ra khi mới bị bắt. Nhưng khi chuyển cơ quan điều tra khác thì ngay lập tức người này từ chối ngay luật sư. Người này viết: “Tôi có đủ khả năng bào chữa tất cả các giai đoạn từ điều tra đến truy tố, xét xử”. Làm sao một người học lớp 3, viết trong một tờ giấy học trò, có hơn 40 lỗi chính tả mà hiểu hết được tất cả quy trình tố tụng. Điều đấy để nói là luật sư có giỏi đến mấy người ta không nhờ, hay bằng cách này, cách khác để không nhờ thì cũng thế thôi”, Luật sư Hoàng Huy Được nhấn mạnh.

Cho nên, ông Được cho rằng, vai trò của luật sư thực chất cũng chỉ là thực hiện việc bảo vệ, phát huy quyền cơ bản của một con người. Mọi cái đi ngược với nó đều ảnh hưởng đến quyền con người, quyền dân chủ được Hiến pháp quy định.

Về quan điểm “luật sư tố giác thân chủ”, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, luật sư phải “tố giác thân chủ” với cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng ngặt nỗi, việc tố giác đó phải có căn cứ, hợp pháp và luật sư buộc phải có nghĩa vụ chứng minh lời tố giác đó là đúng sự thật khách quan. “Nếu như vậy hóa ra ông luật sư là cơ quan điều tra à?”, ông Được đặt vấn đề.

Trong việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, luật sư ký hợp đồng dịch vụ có thể ít, có thể nhiều, có luật sư trong sự nghiệp chỉ trợ giúp pháp lý, họ không quan trọng thù lao bao nhiêu, hay không được thù lao. “Nhưng khi ký hợp đồng pháp lý, dù nhận một đồng thôi cũng là danh dự của luật sư. Khi nhận tiền của thân chủ lại đi tố người ta. Đây là sự phản bội. Phản bội là mất tất cả, không chỉ của một cá nhân mà qua đó người ta không tin vào giới luật sư”, đại biểu HĐND TP.Hà Nội phân tích.

Khoản 3, điều 19 như… “cắm chông dưới thảm”

Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đến năm 2020 và sau đó là Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó có phần bổ trợ tư pháp đến năm 2020.

Theo đó sẽ định hướng phát triển đến năm 2020 có khoảng 18.000-20.000 luật sư. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về vai trò của luật sư trong cải cách tư pháp.

Tiếp đến, Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020 với định hướng đội ngũ luật sư đạt từ 18.000-20.000 người, trong đó ít nhất có 150 luật sư có đủ trình độ tham gia tranh tụng trên các lĩnh vực quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, công dân…

Riêng Hà Nội cũng có Quyết định 5332-QĐ/UBND về chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 5.000 luật sư được cấp thẻ.

Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, đội ngũ luật sư đó sẽ giúp rất nhiều trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của tổ chức, công dân. Nhưng việc Dự thảo sửa đổi BLHS năm 2015 với quy định tại Khoản 3, điều 19 lại đang đặt các luật sư vào tình huống vô cùng khó.

“Nói một cách hình ảnh, chúng ta đang rải thảm đỏ cho nghề luật sư phát triển. Nhưng phía dưới thảm đó lại có quy định điều 19, khoản 3 thì không khác gì cắm chông dưới thảm. Cái này rất khó khăn cho chiến lược phát triển luật sư”, đại biểu HĐND TP.Hà Nội trình bày.

Luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội – Đại biểu HĐND TP. Hà Nội cho rằng, cần gỡ bỏ khoản 3, điều 19 trong Dự thảo sửa đổi BLHS năm 2015, nếu không nó là bước đường chông gai và những người phải thực sự dũng cảm mới đi vào con đường luật sư và như thế sẽ không phù hợp với chiến lược phát triển luật sư, không phù hợp với nhiệm vụ, công tác cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Không đủ cơ sở pháp lý để tồn tại Khoản 3 điều 34 Luật bồi thường”
“Không đủ cơ sở pháp lý để tồn tại Khoản 3 điều 34 Luật bồi thường”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu quan điểm trên liên quan quy định trách nhiệm bồi thường.

“Không đủ cơ sở pháp lý để tồn tại Khoản 3 điều 34 Luật bồi thường”

“Không đủ cơ sở pháp lý để tồn tại Khoản 3 điều 34 Luật bồi thường”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu quan điểm trên liên quan quy định trách nhiệm bồi thường.

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015
Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

VOV.VN -Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, chúng ta cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không ‘buông’ hẳn khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS năm 2015.

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

VOV.VN -Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, chúng ta cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không ‘buông’ hẳn khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS năm 2015.