Serbia coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Từ ngày 16-19/4, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Serbia Vuk Jeremic, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã thăm chính thức Serbia. Trong thời gian thăm Serbia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm đã chào Tổng thống Boris Tadic, hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vuk Jeremic…

Lãnh đạo Serbia nhấn mạnh, đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam kể từ chuyến thăm Nam Tư năm 1989 của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và khu vực; bày tỏ quan tâm đến kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam với sự kết hợp kinh tế thị trường và định hướng Xã hội Chủ nghĩa, duy trì mức tăng trưởng cao, những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân Serbia đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Serbia.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, trong đó có đoàn cấp cao. Tổng thống Boris Tadic bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất; Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Serbia khẳng định sẽ sớm thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Serbia - Việt Nam tại Quốc hội Serbia.

Hai bên nhất trí cần sớm tiến hành đàm phán, ký kết các hiệp định khung về hợp tác kinh tế, cũng như các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng; khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm tăng cường trao đổi thương mại song phương. Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu sang Serbia những mặt hàng thế mạnh như nông sản, thực phẩm, hàng may mặc, giày dép…, đồng thời nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh của Serbia như dây điện, đồng, an-ti-moan, nhôm, thép... Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch, thể thao, quốc phòng...

Hai bên đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết. Lãnh đạo Serbia đánh giá cao lập trường của Việt Nam liên quan đến vấn đề Kosovo, khẳng định sẽ xem xét tích cực việc ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2013-2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021

Serbia là nước Cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư cũ, đã tuyên bố độc lập vào năm 1992, sau khi Liên bang Nam Tư tan rã. Ngày 10/3/1957, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Serbia tuyên bố kế thừa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư nên ngày này cũng là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Serbia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên