Tầm nhìn mới của ASEAN

VOV.VN - Việt Nam gia nhập ASEAN đến nay đã tròn 20 năm. Đây là một thách thức và là một cơ hội lớn dành cho Việt Nam. 

Kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967 đến nay, ASEAN đã trải qua những thử thách về ý nghĩa và sự tồn tại của tổ chức ở tầm khu vực này.

Trải qua gần 50 năm từ mô hình HIỆP HỘI các quốc gia Đông Nam Á với 5 nước thành viên ban đầu, ngày nay ASEAN đã mở rộng toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á. Và ngày 21 tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Malaysia, lãnh đạo 10 nước thành viên đã chính thức thành lập “CỘNG ĐỒNG ASEAN” (AC). 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các thành viên ASEAN ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 (Ảnh: Nhật Bắc)

Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng của các nước Đông Nam Á; đây cũng sẽ là một thị trường có độ mở lớn, tiếp tục xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trao đổi mậu dịch và đầu tư. ASEAN hiện là một khu vực với hơn 620 triệu dân và trên 2.600 tỉ USD GDP.

ASEAN đang cần cho mình một khu vực phát triển ổn định, năng động, có tính cạnh tranh cao và hội nhập toàn cầu; đồng thời xây dựng một cộng đồng xã hội đùm bọc lẫn nhau, gắn kết giữa các quốc gia ASEAN. 

Ở đấy, ASEAN có thể chia sẻ về những vấn đề chung của các nước thành viên, về an ninh, phát triển kinh tế và các thách thức địa chính trị đe dọa vị trí của các quốc gia trong khu vực. 

Ở đấy, Lãnh đạo của 10 nước thành viên đã nhấn mạnh tới “tầm quan trọng của sự gắn kết ở mức độ cao hơn bằng những nỗ lực để hoàn thành được những mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020”. 

Và cũng ở đấy thỏa thuận thành lập Cộng đồng ASEAN được dựa trên ba trụ cột chính là: Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2020. Các trụ cột chính này đảm bảo cho Cộng đồng ASEAN được xây dựng, duy trì và phát triển.

Với Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), có mục tiêu đưa hợp tác chính trị và an ninh ASEAN lên một bình diện cao hơn và đảm bảo rằng các thành viên ASEAN được sống trong hòa bình với nhau và với thế giới trong một môi trường chính nghĩa, dân chủ, hài hòa. Nguyên tắc của ASC là an ninh toàn diện, ASC không phải là một khối phòng thủ, một liên minh quân sự hoặc một chính sách đối ngoại chung.

Lãnh đạo 10 nước ASEAN thể hiện quyết tâm phát triển Cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng (Ảnh: Nhật Bắc)

Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), mục đích là tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên và đạt được sự hội nhập kinh tế sâu hơn trong khu vực. AEC sẽ được đặc trưng bằng một thị trường duy nhất, một cơ sở sản xuất chung với sự tự do di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư, cũng như sự di chuyển tự do của các doanh nhân và lực lượng lao động, nhất là lao động có kỹ năng.

Với Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC), mục tiêu là xây dựng ASEAN thành “cộng đồng xã hội đùm bọc lẫn nhau”. ASCC hy vọng sẽ đẩy nhanh sự hợp tác của khu vực về các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống của cư dân nông thôn, thúc đẩy sự tham gia tích cực của tất cả các tầng lớp xã hội. ASCC còn hy vọng sẽ góp phần tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới mức tăng trưởng dân số, phát triển giáo dục, thất nghiệp, ngăn ngừa dịch bệnh và suy thoái môi trường.

Có thể thấy rằng, tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia về việc thành lập “CỘNG ĐỒNG ASEAN” với ba trụ cột nêu trên sẽ là tiếp tục theo đuổi các mục tiêu và định hướng lớn đã có của ASEAN, tuy nhiên nội hàm của tuyên bố lần này được đặt ở một tầm nhìn mới, đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, thực sự hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm và hoạt động theo luật lệ.

Việt Nam gia nhập ASEAN đến nay đã tròn 20 năm. Đây là một thách thức và là một cơ hội lớn dành cho Việt Nam. Vai trò của Việt Nam tại ASEAN đã từng bước được cải thiện, chuyển từ vị thế của thành viên mới được kết nạp sang vị thế của một thành viên tích cực của khối. Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN đã có sự đồng thuận mạnh mẽ và quan trọng từ phía Việt Nam. Người Việt Nam có câu: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. 

Với tư cách là một thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã và đang nỗ lực tham gia cùng các nước để đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của ASEAN sau năm 2015 nhằm cùng liên kết các nước trong ASEAN sâu rộng hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trên con đường xây dựng các quốc gia trong CỘNG ĐỒNG ASEAN ngày càng dân chủ, hòa bình và thịnh vượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên