Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với bạn bè truyền thống

Chuyến thăm chính thức 3 nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước này đi vào chiều sâu và hiệu quả, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam  

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ các nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Kazakhstan từ 14 - 15/9/2009, Đan Mạch từ 16 - 17/9/2009 và Hungary từ 18 - 19/9/2009.

Chuyến thăm chính thức ba nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức cao (trung bình 7 – 8%/năm), vị thế quốc tế ngày càng được tăng cường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh chung của khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội, bước đầu đạt kết quả khả quan: GDP năm 2008 tăng 6,23% và phấn đấu đạt khoảng 5% năm 2009.

Cả ba nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary là những nước có quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và đang thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng, tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Về kinh tế, với những thế mạnh riêng của mình, các nước này có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong tương lai.

Về quan hệ Việt Nam – Kazakhstan: Quan hệ chính trị giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Kazakhstan năm 1994. Kazakhstan ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và hai nước công nhận nhau là nền kinh tế thị trường.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn nhưng gần đây có tiến triển, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 96 triệu USD (tăng 40% so với năm 2007). Kazakhstan có thế mạnh về công nghiệp dầu khí và khai thác mỏ. Hiện nay, hai nước đang thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực này.

Về quan hệ Việt Nam – Đan Mạch: Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tích cực. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao (Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm Đan Mạch tháng 6/2008; dự kiến thành viên Hoàng Gia Đan Mạch thăm Việt Nam cuối năm 2009).

Về quan hệ kinh tế - thương mại: kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều 10 – 15%/năm, đạt 318 triệu USD năm 2008; đầu tư trực tiếp của Đan Mạch vào Việt Nam khoảng 400 triệu USD (đứng thứ 22 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam). Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam với tổng viện trợ không hoàn lại tính đến nay vào khoảng 1 tỷ USD. Năm 2008, Đan Mạch đã quyết định cấp cho Việt Nam khoản viện trợ mới 40 triệu USD dành riêng cho lĩnh vực hợp tác về biến đổi khí hậu.

Về quan hệ Việt Nam – Hungary: Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary không ngừng được củng cố thông qua trao đổi các đoàn cấp cao (năm 2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thăm Hungary và Tổng thống Hungary Laszlo Solyom thăm Việt Nam). Trên các diễn đàn quốc tế, hai nước luôn dành cho nhau sự  ủng hộ tích cực (Hungary ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2008 – 2009).

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 100 triệu USD (tăng 25% so với năm 2007). Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Hungary. Năm 2007, Hungary cam kết viện trợ cho Việt Nam 49,5 triệu USD.

Chuyến thăm tới ba nước lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là nhằm triển khai tích cực chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với bạn bè truyền thống; tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của ta ở châu Âu và trên thế giới; đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước này đi vào chiều sâu và có hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp các nước này quan tâm hơn nữa vào đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam; vận động các nước tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước sở tại, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên