Thảo luận đổi tên Viện kiểm sát

Sáng 22/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương họp phiên thứ 3. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban chỉ đạo Cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Phiên họp lần thứ 3, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương lần này tập trung thảo luận cho ý kiến về hai đề án đó là: Đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố” và đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” do Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao xây dựng.

Đây là hai đề án công đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, tập hợp trí tuệ và ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị các đại biểu cho ý kiến bước đầu về những nội dung quan trọng của 2 đề án, nhất là những vấn đề mới so với mô hình tố tụng hiện hành; những đề xuất của Ban cán sự Đảng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao về quan điểm và phương hướng đổi mới, hoàn thiện viện kiểm soát, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị để có cơ sở chỉ đạo việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện đề án.

Tại phiên họp, ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi trao đổi về đề án chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố cho rằng việc chuyển đổi mô hình là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta, do đó cần giữ nguyên mô hình Viện Kiểm sát hiện nay nhưng phân định rõ nhiệm, vụ quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng; đồng thời tăng cường thêm chức năng của Viện Kiểm sát đặc biệt là kiểm sát tuân theo pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ trình bày quan điểm của Đảng ủy Công an Trung ương cho rằng, đây là đề án đặc biệt quan trọng để xây dựng đề án cần có sự tổng kết thực tiễn về hoạt động của các cơ quan tư pháp và kinh nghiệm của các nước mới đánh giá đúng, việc mở rộng thẩm quyền của Viện Kiểm sát là không phù hợp cần chú ý đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp và xây dựng Luật Tổ chức các cơ quan điều tra.

Đồng quan điểm với một phần đề án chuyển đổi mô hình Viện Kiểm sát, ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng nên thực hiện mô hình Viện kiểm sát hỗn hợp đó là thực hiện quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Về mô hình tố tụng hình sự cần nâng cao vai trò của luật sư, hội thẩm nhân dân để tăng tính tranh tụng tại các phiên tòa.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho rằng cần nghiên cứu thay đổi mô hình tố tụng, bởi theo Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề tranh tụng để đảm bảo tính dân chủ trong mỗi phiên tòa và phải coi tòa án là vai trò trung tâm của quá trình tố tụng.

Ông Lê Thúc Anh nhấn mạnh: “Mọi phát quyết của tòa là phải dựa trên cơ sở tranh tụng dù cơ quan điều tra, kiểm sát truy tố như thế nào thì cuối cùng phán quyết phải do tòa án quyết định. Tòa quyết định phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Hiện chúng ta hiểu tranh tụng là phần cuối cùng, hiểu tranh tụng là chỉ có tranh luận, trong khi đó phần quan trọng nhất là phần xét hỏi chiếm 70% chính qua xét hỏi mới xác định có tội hay không có tội, sự thật vụ án là ở chỗ đó. Do đó cần sửa đổi là phải hoàn toàn tranh tụng ngay sau khi khai mạc phiên tòa đến khi nghị án”.

Với tầm quan trọng của 2 đề án này, sáng nay các thành viên của Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến bên cạnh những ý kiến đồng thuận với đề án cũng có nhiều ý khác nhau về mô hình chuyển đổi Viện kiểm sát cũng như mô hình tố tụng hình sự Việt Nam.

Đặc biệt, các ý kiến cho rằng cần xác định tầm nhìn của đề án này trong tương lai để có bước nghiên cứu xây dựng cho phù hợp đáp ứng được chiến lược cải cải tư pháp và việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chiều nay, các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về 2 đề án quan trọng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên