Thủ tướng chỉ đạo kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mặc dù giá dầu giảm nhưng kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%, không để đảo lộn ngân sách.
 
 
 

Ngày 30/1 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1- phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2015 nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 1 và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành một số vấn đề đang nổi lên, nhất là liên quan đến giá dầu thế giới giảm mạnh, an toàn thông tin, an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng như chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên Đán, vui Xuân mới vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mặc dù giá dầu giảm nhưng Chính phủ kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%, không để đảo lộn ngân sách và kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm thấp nhấp trong nhiều năm

Báo cáo và các thảo luận tại phiên họp khẳng định: trong tháng 1, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tập trung giao, thông báo và triển khai kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước cũng như kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, gắn với tích cực triển khai các biện pháp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán.

Đến hết tháng 1, các chỉ số kinh tế vĩ mô như: giá tiêu dùng giảm 0,2% so với tháng trước (thấp nhất trong nhiều năm qua), thu ngân sách, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu…đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1 cũng đã có gần 7.000 doanh nghiệp thành lập mới và gần 3.000 doanh nghiệp trước đây khó khăn phải ngừng hoạt động thì nay đã quay trở lại sản xuất kinh doanh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có rất nhiều thuận lợi đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm…

Giá dầu thế giới giảm ảnh hưởng thu ngân sách

Một vấn đề mới nổi lên trong tháng 1 là giá dầu thế giới giảm mạnh, thấp hơn một nửa so với dự báo bình quân giá dầu cả năm để Chính phủ tính toán thu ngân sách và mức tăng trưởng. Liên bộ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô cũng đã xây dựng các kịch bản cụ thể cùng các biện pháp ứng phó với giá dầu giảm mạnh theo phương châm hài hòa lợi ích giữa nhà nước-doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường chống thất thu, nợ đọng, gian lận thuế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: giá dầu diễn biến hết sức khó lường vì giá dầu không chỉ theo kinh tế thị trường, không chỉ đơn thuần về cung-cầu mà còn là vấn đề về chính trị và nhiều vấn đề khác nên rất khó dự báo. Giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, tác động đến thu ngân sách nên các bộ liên quan đã có các phương án khai thác dầu thô theo kịch bản giá dầu thế giới trên nguyên tắc hoạch toán từng mỏ, không để khai thác bán lỗ. Nếu giá dầu chỉ ở mức 40 USD/thùng thì sẽ hụt thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng Bộ Tài chính cũng tính toán để đảm bảo được cân đối thu chi…

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1
Trên cơ sở tính toán tổng hợp, căn cơ của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm: “Mặc dù giá dầu như thế nhưng kiên quyết giữ mục tiêu: tăng trưởng kinh tế 6,2%, không để đảo lộn ngân sách, ngân hàng nhà nước chịu trách nhiệm phối hợp kiểm soát lạm phát khoảng 5%, thấp hơn cũng không có lợi mà cao hơn cũng không có lợi. Trước đây phải kiềm chế lạm phát còn bây giờ phải kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Rồi tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Tôi đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục nộp thuế, hải quan, đất đai, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện, xây dựng… Tất cả các Bộ trưởng đều nắm được hết rồi và năm nay phải là năm có tiến bộ vượt bậc trong cải cách thủ tục hành chính và nâng cao sức cạnh tranh, môi trường cạnh tranh của đất nước…”.

Không để giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước xung quanh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Chính phủ kiên định điều hành giá theo thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than. Bên cạnh tiếp tục công khai minh bạch giá xăng dầu lên xuống để toàn dân biết, Thủ tướng lưu ý trong điều hành không để giá xăng dầu thấp hơn quá nhiều so với các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng, đồng thời điều hành chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức hợp lý như hiện nay.

Đối với giá điện cũng kiên định thị trường, không bán lỗ nhưng phải hợp lý, rõ ràng và minh bạch. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Giá điện chúng ta cũng kiên định theo thị trường. Tôi có yêu cầu giá thị trường trước hết không bán thấp dưới giá thành, không bán lỗ, nhưng giá thành phải hợp lý. Cơ cấu giá thành phải rõ ràng, minh bạch và tôi cũng yêu cầu các đồng chí không chỉ lấy giá thành của mình không, mà phải coi giá thành của khu vực. Bây giờ giá thành ở khu vực thấp thế tại sao mình lại cao? Ngành điện phải công khai cái này và có giảm chi phí, đưa năng suất lao động lên, giảm giá thành xuống. Rõ ràng cái này thì mới giá thị trường được…”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trong năm nay, gắn với giữ ổn định tỷ giá; đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới để đạt các mục tiêu đề ra, nhất là đến hết năm nay cả nước có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thủ tướng giao Bộ Tài chính tính toán, đề xuất bổ sung thêm nguồn lực đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng các bệnh viện nhằm giảm quá tải, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao phục vụ nhân dân. Thủ tướng cũng lưu ý việc triển khai đổi mới kỳ thi THPT quốc gia phải đảm bảo yêu cầu: chất lượng tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, các bộ ngành liên quan và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí
Có biện pháp ngăn chặn tối đa thông tin sai sự thật

Liên quan đến một số vấn đề về an toàn thông tin, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn giao thông đang nổi lên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhất quán tiếp tục chủ động cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí nhằm định hướng đúng dư luận và tạo đồng thuận xã hội; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cả về pháp luật, kỹ thuật và nghiệp vụ, không thể cấm Internet nhưng phải có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tối đa tình trạng thông tin sai sự thật, thông tin xấu… đồng thời xử lý đúng theo pháp luật các trường hợp vi phạm.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất hình thức chế tài chặt chẽ, thận trọng và phù hợp để xử lý tình trạng xe hết niên hạn, xe chở quá tải, xe tự chế… Cùng với tăng cường kiểm soát giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, các bộ ngành liên quan và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh và phòng chống buôn lậu; quan tâm chăm lo Tết cho người dân vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, nhất là đối với người nghèo, gia đình chính sách và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, các thành viên Chính phủ đã thảo luận cho ý kiến về chính sách miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội; đề án thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp suất sắc, cán bộ khoa học trẻ giai đoạn 2014-2020; Đề án thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận (huyện), tuyến phường (xã) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…và một số vấn đề quan trọng khác./.


 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015 được quán triệt nghiêm túc
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015 được quán triệt nghiêm túc

VOV.VN -Tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng và triển khai chương trình hành động cụ thể, rõ ràng.

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015 được quán triệt nghiêm túc

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015 được quán triệt nghiêm túc

VOV.VN -Tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng và triển khai chương trình hành động cụ thể, rõ ràng.