Thủ tướng: Không để tạo nên thói “làm ăn chụp giật” trong doanh nghiệp

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: phương châm hành động của ngành Công Thương phải theo hướng đổi mới, quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả hơn nữa.

“Khi làm chính sách, Bộ Công Thương phải có tầm nhìn dài hạn, có tính nhất quán, không phải “đẽo cày giữa đường”; “không ăn xổi, ở thì”, đặc biệt không để tạo nên thói “làm ăn chụp giật” trong doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công thương, diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công Thương
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017 là một năm nhiều thử thách nhưng cũng là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên chức mà tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt so với yêu cầu.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4% (năm 2016 chỉ tăng 7,4%) vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đưa ra. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD, tăng trưởng trên 21%. Ngoài ra, năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển biến tích cực, đi đầu của ngành Công thương khi đã tiên phong cắt giảm và đơn giản hoá hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh; tinh giản thu gọn bộ máy và cơ cấu lại nhân sự cho phù hợp và hiệu quả hơn...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những kết quả khá toàn diện của toàn ngành Công Thương đã đạt được trong năm qua, đồng thời ghi nhận Bộ đã biết gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, vươn lên dẫn đầu trong việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ: “Ngành Công thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ vượt lên chính mình, đồng thời cũng là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ những thủ tục hành chính góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay trong sáng nay tại hội nghị, sau khi có đề nghị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tôi đã ký Nghị định 08 ngày 15/01/2018 về cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc Bộ quản lý.”

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong ngành như, quản lý thị trường trong nước và biên mậu vẫn còn nhiều bất cập, buôn lậu, gian lận thương mại chưa được ngăn chặn quyết liệt và hiệu quả, nhất là vật tư nông nghiệp giá cao, chất lượng kém, vấn đề sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Trên tinh thần này, Thủ tướng nêu rõ, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa cần “có chiều sâu hơn nữa trong phát triển”, trong đó có việc thúc đẩy tái cơ cấu, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Ngành Công thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường, và triển khai thực hiện các giải pháp để khuyến khích lực lượng sản xuất công nghiệp, thương mại không phải chỉ là doanh nghiệp Nhà nước mà cả khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia.

“Sản xuất công nghiệp xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có chiều sâu hơn nữa trong đó có việc thúc đẩy tái cơ cấu lại khu vực công nghiệp đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo công nghiệp hỗ trợ gắn với các Tập đoàn đa quốc gia. Vấn đề đổi mới công nghệ ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất lao động là những vấn đề cần được quan tâm, phải ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao thúc đẩy xuất khẩu giữ vững thị trường trong nước đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa”, Thủ tướng đề nghị.

Nhắc lại những chỉ tiêu mà Nghị quyết 01 của Chính phủ đã giao Bộ Công thương trong năm 2018, Thủ tướng đề nghị, Bộ chú trọng đến bài học lớn từ thành công của 2017 là sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Bộ Công thương cũng cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; cụ thể hóa thể chế, chính sách, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch cơ cấu trong toàn ngành.

Thủ tướng nói: “Chính phủ đã thảo luận kỹ đưa ra phương châm hành động Kỷ cương liêm chính hành động sáng tạo hiệu quả, vậy phương châm hành động của ngành Công thương cũng phải theo hướng này, phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa, quyết liệt, quyết liệt hơn nữa, sáng tạo, sáng tạo hơn nữa, hiệu quả, hiệu quả hơn nữa. Mặc dù chúng ta có chuyện này chuyện khác từ những năm trước nhưng không vì thế nhụt chí không hành động. Chính vì vậy Bộ phải đổi mới tư duy xác định tầm nhìn dài hạn vượt qua chình mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội, biến khó khăn thành cơ hội, để đạt mục tiêu cao hơn”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành, bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể hóa các thể chế, chính sách, cần nhìn tấm gương đi trước của các nước công nghiệp phát triển để rút ra những bài học chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn tới.

“Trong năm nay các đồng chí phải tổ chức chương trình đối thoại với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước, lắng nghe các doanh nghiệp. Một chính quyền đối thoại tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh không để chính sách trong phòng lạnh xa rời thực tiễn. Thủ tướng và Chính phủ sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp của các Bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do đó công tác cán bộ vô cùng quan trọng và phải không vì lợi ích nhóm và quyền lợi của Bộ mình”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Công thương phải có một tầm nhìn mới, quyết tâm mới, đặc biệt là một chương trình hành động quyết liệt sát với thực tiễn, để hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu năm 2018, đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho quá trình hội nhập phát triển đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Ngành Công thương cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các DN
Thủ tướng: Ngành Công thương cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các DN

VOV.VN - Thủ tướng: Toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tạo điền kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển 

Thủ tướng: Ngành Công thương cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các DN

Thủ tướng: Ngành Công thương cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các DN

VOV.VN - Thủ tướng: Toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tạo điền kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển