Thủ tướng: Lấy hiệu quả giảm nghèo đánh giá trách nhiệm

VOV.VN - Chính phủ đã xác định, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, phải coi việc thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Chiều 5/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, muốn đất nước phát triển bền vững, cần coi trọng và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho biết, năm qua, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30.800 tỷ đồng, còn lại 3.800 tỷ đồng là vốn huy động.

Kết quả, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 7,8% xuống còn 6%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 38,2% xuống còn 33,2%.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Chính sách giảm nghèo còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao và chưa phát huy được nội lực của chính người nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo trong cả nước còn cao, xấp xỉ số hộ nghèo, thậm chí có nơi số hộ cận nghèo cao hơn hộ nghèo. Bình quân, cứ 3 hộ thoát được nghèo thì có 1 hộ tái nghèo hoặc nghèo mới. Đặc biệt, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Tại tỉnh Cao Bằng, địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ  hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số, có tới 99,6% số hộ nghèo trong toàn tỉnh là hộ dân tộc thiểu số. Tiếp đến là Lai Châu và Lạng Sơn, với tỷ lệ trên 98%.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững nhấn mạnh: “Tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, có địa phương tỷ lệ này trên 50%, cá biệt có nơi 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. So với tỷ lệ chung của cả nước thì đây là con số cho thấy, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa. Sắp tới phải giảm nghèo nhanh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu”.  

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, kết quả giảm nghèo năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong điều kiện khó khăn như thời gian qua mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm là một cố gắng rất lớn.

Để khắc phục tình trạng tái nghèo cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng rà soát cơ chế chính sách để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách giảm nghèo, tạo sự đồng tình trong xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó khắc phục tồn tại về việc huy động các nguồn lực để giảm nghèo chưa cân đối, chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao, có nơi dành ưu tiên cho nguồn lực giảm nghèo chưa phù hợp, còn ỷ lại vào ngân sách Nhà nước; ngân sách trung ương, lồng ghép với địa phương chưa phù hợp. Các cấp, các ngành cần quan tâm kiểm tra đôn đốc bố trí nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước vẫn quan tâm đến những người nghèo. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

“Cả thế giới bây giờ xem mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ công bằng xã hội là một giá trị cốt lõi của nhân loại trong thời đại ngày nay. Đối với Đảng và Nhà nước ta coi giảm nghèo là mục tiêu phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước ta xét cho cùng không có mục tiêu nào khác là lo cho dân, phục vụ nhân dân, đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, khó khăn. Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo. Chính phủ đã xác định, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, phải coi việc thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải lấy hiệu quả của công tác giảm nghèo, coi đây là tiêu chí để đánh giá, hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, của chính quyền, nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt lãnh đạo” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Trên tinh thần đó, năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.

Để góp phần đạt được mục tiêu trên, nhiều Bộ, ngành, địa phương kiến nghị Trung ương xóa bỏ cơ chế bao cấp theo kiểu cho không đối với nhóm hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và chuyển dần sang cơ chế hỗ trợ có điều kiện, gắn với điều kiện được thụ hưởng như cho mượn, cho vay với số tiền nhiều hơn, trả góp với lãi suất ưu đãi và thời gian cho vay dài hơn, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại Nhà nước; đồng thời hàng năm tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và có chính sách động viên những hộ mới thoát nghèo nhằm thoát nghèo bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên