“Tiền lương mới đáp ứng 60% mức sống tối thiểu“

VOV.VN - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận các giải pháp về nâng lương thời gian qua chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về triển khai chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh đây là một nội dung rất lớn, một vấn đề quan trọng.

Kinh tế muốn phát triển, ngoài cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết bị, vấn đề nguồn lực là then chốt. Chính vì vậy, tháng 4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đồng thời đến tháng 7 cùng năm phê duyệt Quy hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Trong quy hoạch của Thủ tướng có nêu rõ đến 2015, 55% lao động được đào tạo; 70% lao động được đào tạo đến 2020. Trong chiến lược này, Chính phủ phân công các bộ, ngành triển khai những công việc cụ thể. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm được một số việc: tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược về dạy nghề; xây dựng chế độ chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề gắn với sửa đổi Luật Dạy nghề; quy hoạch các trường chất lượng cao, 40 trường chất lượng cao đã được phê duyệt, trong đó 10 trường đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đó, Chính phủ đã đồng ý về Đề án đổi mới công tác dạy nghề, sẽ mua thiết bị, giáo trình và đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu về công nghệ trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) - Ảnh: Quang Trung
Về chất vấn đối chính sách tiền lương cũng như việc nâng lương chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, là thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ được phân công chuẩn bị 2 Đề án về tiền lương: Tiền lương đối với BHXH và tiền lương với người có công. Hai đề án này đã được chuẩn bị xong gửi Bộ Nội vụ. Hàng năm, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, Bộ cũng là một trong những thành viên tham gia kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội xem xét điều chỉnh nâng lương.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đồng ý với ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%. Lần nâng lương này, mặc dù Nhà nước dành 11.000 tỷ đồng nhưng cũng chưa thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề tiền lương. Trong phương án có lộ trình tiến đến 2015, 2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách khi trình với Bộ Chính trị thấy rằng chúng ta phải từng bước tính theo khả năng ngân sách. Vì vậy, qua 2 lần trình, Trung ương đã thảo luận và thấy rằng trước mắt phải dãn lộ trình, và chưa đạt tới lộ trình tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Năm nay cũng do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương quôc gia cũng đã nêu ra, nhưng nếu tăng khả năng không có nguồn. Tuy nhiên khi đã quyết định lương tối thiểu của doanh nghiệp khu vực I là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, trong khi lương của CBCNVC vẫn chỉ có 1.150.000 đồng, vì vậy dù rất khó khăn nhưng qua thảo luận về ngân sách, Quốc hội đã quyết định dành khoản 11.000 tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho những CBCNVC có mức lương thấp và đối tượng người có công, người nghỉ hưu. Đây là quyết định nhân văn, nhưng thực chất mới chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền

VOV.VN -Tình trạng thất nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, lộ trình tăng lương... sẽ là những nội dung được các đại biểu quan tâm.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền

VOV.VN -Tình trạng thất nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, lộ trình tăng lương... sẽ là những nội dung được các đại biểu quan tâm.