Tọa đàm: Hiện thực hóa khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc“

VOV.VN tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến “Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng “Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc” vào chiều 28/8 tại Hà Nội.

70 năm trước, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến, trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền.

Trải qua 70 năm, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn về mọi mặt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng một đất nước “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” - đúng như tiêu ngữ ghi dưới quốc hiệu, đúng như khát vọng của tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chiều 28/8, tại Hà Nội, Báo điện tử VOV (VOV.VN) tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến "Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" để cùng phân tích về những vấn đề vừa nêu. Ba vị khách mời tham gia chương trình là: PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch Sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội); ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Invest Consult Group (chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh) và ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước thuộc Trung Đông.

PV: Thưa PGS.TS Phạm Xanh, 70 năm trước, Cách mạng Tháng 8 thắng lợi là nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông có thể phân tích về điều này?

PGS.TS Phạm Xanh: Nhận định đó rất đúng. Đó là một trong những bài học lớn mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang lại cho chúng ta. Để hiểu được vấn đề này, chúng ta nên trở lại giai đoạn năm 1941, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; trở lại Pắc Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8. 

Ở Hội nghị đó, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng của chúng ta đã giải quyết trọn vẹn, chu đáo mối quan hệ giữa dân tộc, dân chủ hay giai cấp. Có thể nói, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vấn đề dân tộc được đẩy lên hàng đầu, cao hơn và trước hết.

Vì vậy, trên thực tiễn, chúng ta mới thành lập được Mặt trận Việt Minh (gọi tắt của Việt Nam Độc lập đồng minh hội) mà chúng ta đã biết, rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Nó nổi tiếng đến nỗi, sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người Pháp gọi những người đối lập với họ là cán bộ Việt Minh.

PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)

Nói đến Mặt trận Việt Minh là nói đến khối đoàn kết dân tộc của chúng ta. Trong mặt trận Việt Minh là sự cố kết của các giai cấp, các giới, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt nam nữ.

Có thể nói, từ khi Đảng ra đời năm 1930, cho đến 1941, lần đầu tiên chúng ta xây dựng được một mặt trận dân tộc Việt Nam thống nhất, rộng rãi nhất trong đất nước chúng ta. Điều đó dẫn đến thắng lợi Cách mạng Tháng 8 năm 1945. 

Có một câu thể hiện chúng ta đã giải quyết tốt nhất, trọn vẹn nhất mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp: “Trong lúc này (1941), quyền lợi của bộ phận giai cấp chỉ có thể giải quyết được khi giải quyết được vấn đề dân tộc. Nếu quyền lợi giai cấp và dân tộc chưa giải quyết được thì vạn năm, quyền lợi của bộ phận giai cấp không thể giải quyết được”.

Do đó, chúng ta thấy rất rõ, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Đảng, vấn đề dân tộc được đặt lên hàng đầu; vấn đề giai cấp, vấn đề bộ phận hay nói một cách khác là vấn đề dân chủ được hạ thấp xuống một bước. Chính vì vậy, chúng ta có một khối đoàn kết dân tộc rộng rãi, dẫn đến sự thắng lợi vào Tháng 8 năm 1945...

PV: Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Từ năm 1946, khi trả lời các nhà báo, Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Các vị khách mời suy nghĩ như thế nào về khát vọng về “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

PGS.TS Phạm Xanh: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc là một hằng số, giá trị của nó là vĩnh hằng, nên chúng ta hay gọi đó là một hằng số trong lịch sử.

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của Việt Nam cũng tựa như Tự do - Bình đẳng – Bác ái trong Cách mạng Tư sản Pháp, cũng giống như chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên: Dộc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Nó là một hằng số không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn phổ biến trong lịch sử tư tưởng của các nước trên thế giới. 

PGS.TS Phạm Xanh
Độc lập là khát vọng của dân tộc Việt Nam, khát vọng ấy đi theo dân tộc ta từ cuộc kháng chiến chống Tống bên bờ sông Như Nguyệt, chúng ta gọi bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, chúng ta có "Bình Ngô đại cáo". 

Đến giữa thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên đọc trước đồng bào và nhân dân thế giới tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh nước Việt Nam mới. 

Nói như vậy để khẳng định, độc lập, tự do và hạnh phúc của Việt Nam hội đủ 2 giá trị hết sức lớn: giá trị của thế giới và giá trị của Việt Nam. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thể hiện khát vọng Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của dân tộc chúng ta...

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi muốn nói thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên Cách mạng Tháng 8. 

Không phải nhà Chính trị nào cũng ý thức được việc xây dựng lực lượng vũ trang trước khi tiến hành cách mạng như Hồ Chủ tịch. Người ý thức được chiều sâu, sự dữ dội, các tình huống của cuộc cách mạng…và chuẩn bị vô cùng cẩn thận, đặc biệt là chuẩn bị hình ảnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Invest Consult Group (phải)

Đấy là một nỗi lo toan của một người quán xuyến tất cả các quá trình của cuộc cách mạng. Rất ít các nhà chính trị có năng lực quán xuyến như vậy. Tất nhiên, nhân dịp này, chúng ta không nói đến những trường hợp khác để có thể so sánh cái này cái kia với nước khác, nhưng nếu chúng ta thử im lặng so sánh, chúng ta thấy Bác Hồ rất xuất sắc trong cộng đồng những nhà chính trị vào thời kỳ ấy để tạo ra một cuộc cách mạng thành công và sâu sắc. 

Không chỉ cầm nắm được chính quyền mà còn xây dựng các tiền đề để có thể làm sâu sắc hơn toàn bộ cả tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam. Nếu nghĩ kỹ thêm thì chúng ta thấy rằng rất ít lãnh tụ ở khu vực châu Á này có được tuyên ngôn về các phổ quát của đời sống chính trị. 

Liên tưởng đến vấn đề nhân quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ châu Á đầu tiên nói về nhân quyền. Sau 70 năm chúng ta rất vất vả để có thể nói to được khái niệm nhân quyền. Các nhà lãnh đạo của chúng ta nói về khái niệm nhân quyền một cách khá vất vả. Để nói to ra được, nói rõ lời ra được, nói một cách công khai ví dụ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ở Hoa Kỳ là cả một quá trình. 

Tôi nghĩ rằng chúng ta mất rất nhiều thời giờ để có thể nói được như vậy, nhưng 70 năm trước đầy Hồ Chí Minh đã nói về nhân quyền. Sự linh cảm vĩ đại về các đặc thù của nền chính trị của chúng ta cho thấy Hồ Chí Minh vô cùng tài giỏi. Đối với tôi, tôi nghĩ rằng Người là tiền đề của tất cả những gì mà chúng ta có thể có, đấy là cận trên của những cái chúng ta phấn đấu để có.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Trên thế giới có rất nhiều lãnh đạo, lãnh tụ nổi tiếng và tài giỏi, nhưng tôi thấy chưa ai có khát vọng Độc lập - Tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đó chính là khát vọng Độc lập - Tự do của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của nguyện vọng đó. 

Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước thuộc Trung Đông

Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhận được sự kính trọng của tất cả dân tộc yêu chuộng Độc lập - Tự do trên thế giới? 

Một nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ đã đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế này: “Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân kiệt xuất nhất của mọi thời đại, điều kỳ diệu nhất là vị lãnh tụ ấy có khả năng cảm hóa và làm rung động trái tim của bất cứ người dân nào ở mọi nơi mà ông tới. Hồ Chí Minh là sứ giả của hòa bình độc lập, hạnh phúc và tự do. Năm 1969,  khi Hồ Chí Minh mất thì hàng triệu người không chỉ ở Việt Nam mà ở trên thế giới đã khóc thương vị lãnh tụ này của nhân dân Việt Nam”. 

PV: Theo các vị khách mời, kinh nghiệm giữ gìn nền độc lập của quốc gia, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào đối với hoàn cảnh mới hôm nay?

PGS.TS Phạm Xanh: Năm 1945, khi chúng ta giành được chính quyền, lúc bấy giờ các thế lực thù địch bao vây nước ta. Lúc bấy giờ trong vòng vây đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được những giá trị của Hoa Kỳ - là nước trong những thư từ gửi cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của Hoa Kỳ trong trật tự thế giới sau năm 1945, tức là sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thành quả của Cách mạng tháng Tám đã diễn ra dưới cơ hội “nghìn năm có một”, đó là Nhật đầu hàng Đồng minh. Mà Nhật đầu hàng Đồng minh là nói đến vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Cho nên hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn đến vai trò của Hoa Kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

PGS.TS Phạm Xanh (áo trắng) trao đổi cùng các khách mời tại buổi tọa đàm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi rất nhiều thư đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của nước Việt Nam non trẻ. Với vai trò người đi đầu trong phe dân chủ đó, đi đầu trong nhân loại, thì nhờ Hoa Kỳ làm thế nào ngăn cản được Thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam. Trong những lá thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại.

Lần đầu tiên một người cộng sản Việt Nam nhìn thấy vai trò to lớn của Hoa Kỳ, nhờ vào vai trò đó để làm cho Việt Nam không lâm vào cuộc chiến tranh thứ hai với Thực dân Pháp. Đó là sự cố gắng hết sức to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, các thế lực thù địch lúc bấy giờ cố bao vây Việt Nam để tiêu diệt Chính phủ ta. Những cố gắng đó là cố gắng một phía của chúng ta mà không có sự đáp lại. Đó là điều rất tiếc. 

Có nhiều học giả của Mỹ cũng đã nói như vậy. Như một nhà tình báo của Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam thời bấy giờ đã nói, ông cũng rất tiếc mối quan hệ mà Bác Hồ rất muốn bắt tay với Hoa Kỳ, sự công nhận của Hoa Kỳ đối với nước ta nhưng không được. 

Bởi vì Hoa Kỳ không tin Hồ Chí Minh, không tin Chính phủ Hồ Chí Minh. Bởi vì người đứng đầu Chính phủ Hồ Chí Minh không ai khác mà chính là một người cộng sản. 

Cho nên người Việt Nam tiếp tục cầm súng chiến đấu ròng rã suốt 30 năm cho đến khi Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris, mới công nhận nền độc lập của dân tộc ta, công nhận chủ quyền của chúng ta mà cả hai bên đã đánh đổi bằng sự mất mát hết sức to lớn...

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Đúng là đã bỏ lỡ một cơ hội thiết lập mối quan hệ hữu hảo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lúc bấy giờ và lỗi này tôi cho rằng là từ phía Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Quang Khai (trái) trao đổi tại buổi tọa đàm

Hoa Kỳ đã không hiểu được nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã không hiểu được ý nguyện của nhân dân Việt Nam muốn bắt tay với Hoa Kỳ trong lúc đó cho nên đã tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu mà thiệt hại cho cả hai nước. Tôi cho rằng đó là cuộc chiến tranh vô nghĩa...

PGS.TS Phạm Xanh: Về bình diện ngoại giao, sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám, ngoại giao nhân dân của chúng ta phát triển rất mạnh. Tôi muốn nhấn mạnh Hội hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ lập ra là Hội hữu nghị sớm nhất trong lịch sử Việt Nam, hội được thành lập ngày 17/10/1945.

Nhân danh Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng thống Truman một lá thư muốn gửi 50 học sinh, sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học, để tiếp nhận những văn minh, công nghệ mới nhất của Hoa Kỳ.

Điều đó thấy rằng ngoại giao nhân dân của chúng ta lúc bấy giờ phát triển mạnh, đặc biệt hướng với Hoa Kỳ.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Đặc biệt là cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua khiến tôi rất tâm đắc, bởi đây là một thông điệp mới nữa mà Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam gửi cho Chính phủ và nhân dân Mỹ.

Tổng Bí thư đã nói: Quá khứ không thể thay đổi nhưng nhưng tương lai thì có thể. Chúng ta cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiện với Mỹ trong thời gian tới đây để người Mỹ có thể sửa chữa được những sai lầm họ đã gây ra trong quá khứ đối với người Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Bạt: Về kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giữ gìn nền độc lập của quốc gia, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, có thể khẳng định Hồ Chí Minh là người vô cùng thao lược. Nếu không có một vị lãnh tụ thao lược như Bác Hồ, cuộc kháng chiến của chúng ta, cách mạng của chúng ta sẽ vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Trần Bạt

Làm thế nào để phân biệt được sự khác nhau giữa người Trung Hoa Tưởng Giới Thạch với Trung Hoa Mao Trạch Đông vào thời điểm ấy? Làm thế nào để hiểu được sự rắc rối mà chúng ta phải va chạm với người Pháp thay vì phải va chạm với người Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch? Làm thế nào để chúng ta tránh tất cả những sự va chạm để đạt được những hiệp định?

Đó là những cố gắng khủng khiếp, nó phức tạp đến mức phải cân nhắc từng tí một. Ngay cả khi kháng chiến xảy ra rồi thì những sự cân nhắc thao lược như vậy vẫn tiếp tục diễn ra, kể cả trong việc ứng xử nội bộ với nhau. 

Trong cách đặt vấn đề Bác Hồ sử dụng tất cả các cán bộ của chế độ cũ, ví dụ như cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Khắc Hòe. Cái gì tạo ra độ nhạy cảm sử dụng con người như vậy của Bác Hồ? Tôi nghĩ rằng đó là do ông hiểu rất rõ các giá trị của các phổ quát mà nhân loại tuân thủ đó là độc lập – tự do - hạnh phúc, đấy là các phổ quát căn bản mà loài người phải đi theo. 

Không thể thiếu độc lập mà thành con người được. Một dân tộc mà không thành con người xét về mặt tổng thể thì mỗi một người rất khó cảm thấy con người của mình thật. Không thể có nhân quyền nếu không độc lập, độc lập là tiền đề để có thể nói đến nhân quyền. Tự do chính là bản chất của nhân quyền. Hạnh phúc là một phổ quát mà tất cả mọi nơi, tất cả mọi người, tất cả mọi thời đại đều đòi hỏi tương đối giống nhau.

Nếu không đưa ra được các phổ quát như vậy trong các tiêu đề để xây dựng nhà nước của chúng ta thì Hồ Chí Minh không thể tìm kiếm được sự cảm thông và thừa nhận nền độc lập của chúng ta trên thế giới. Để có được sự thừa nhận quốc tế về nền độc lập của mình, Hồ Chí Minh đã đi những bước vô cùng thao lược. Đầu tiên phải có những người đồng chí cùng hệ thống tư tưởng, nếu không tìm kiếm được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa thì chúng ta chưa có ai công nhận

Trên thực tế, các quốc gia thừa nhận nền độc lập của Việt Nam tuân theo  một trật tự chính trị nhất định hay tuân theo những đặc điểm chính trị nhất định. Cho nên tôi nghĩ rằng Hồ Chủ Tịch đã làm được việc là sắp xếp một trật tự chính trị thuận lợi cho việc dần dần thế giới thừa nhận nền độc lập của mình. Có những thứ trả bằng khôn khéo, có những thứ trả bằng dũng cảm, nền độc lập mà chúng ta được thừa nhận là cả một hệ thống các giá trị của chúng ta. 

Tôi nghĩ nói về chuyện này PGS.TS Phạm Xanh chắc chắn sẽ nói thú vị, mời anh tiếp chuyện này, vì chính độc giả cần phải ôn lại trật tự logic tâm lý là chúng ta có nền độc lập như thế nào và chúng ta yêu mến nó như thế nào? 

PGS.TS Phạm Xanh: Lúc bấy giờ, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh Pháp, sau đó tiếp tục chống Mỹ trong 30 năm. 

Hãy đặt cuộc kháng chiến của chúng ta trong bối cảnh chúng ta biết là trước khi được các nước trong phe Dân chủ, XHCN công nhận năm 1950, thì 5 năm sau Cách mạng Tháng Tám là chúng ta trong một vòng vây rất chặt. Lúc đó chúng ta chỉ có một lối thoát ra ngoài đó là qua cửa mở Bangkok (Thái Lan). Không có cửa ngõ Thái Lan và sau đó là Yangon, Myanmar thì Việt Nam không thể đến với thế giới từ 40-50 năm. Mở con đường đó không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Nguyễn Cơ Thạch, Trần Văn Giàu đi làm. 

Tôi muốn khẳng định rằng chúng ta đã đặt cuộc kháng chiến của mình trong thời điểm phe XHCN bắt đầu khủng hoảng, chia rẽ, giữa Trung Quốc và Liên Xô, ta đi theo nước nào đây? Chúng ta biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta một tấm gương, một ví dụ điển hình trong việc tranh thủ hai nước lớn đó, không làm mất lòng ai.

Báo Nhân Dân lúc bấy giờ khi đưa tin bao giờ đưa 2 nước đó ngang bằng nhau. Tito của Nam Tư tách khỏi XHCN để cùng các nước khác thành lập khối Không liên kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã tranh thủ hết mực khối đó.

Ở Hội nghị Bandung (Indonesia), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự, toàn bộ phe đó đã đứng về phía chúng ta, ủng hộ chúng ta trong cuộc chiến đấu giữ nền độc lập, giữ toàn vẹn lãnh thổ.

Điểm thứ 3 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tập trung vào phân biệt nhân dân Pháp và những người Pháp hiếu chiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, phân biệt giữa người Mỹ yêu nước, người Mỹ cách mạng, người Mỹ yêu hòa bình với những người Mỹ hiếu chiến.

Có thể nói chúng ta đã mở được một mặt trận, tranh thủ những người đứng về phía chúng ta trong lòng nước Pháp, nước Mỹ. Vì thế, việc chúng ta giữ được nền độc lập và hơn nữa giành được dải đất miền Nam của chúng ta một cách trọn vẹn, nói một cách khác là thu giang sơn về một mối chính là đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là động viên sức người, sức của cùng với tranh thủ sức mạnh của toàn thế giới đứng về phía chúng ta.

Đó là bài học kinh nghiệm trường tồn với dân tộc bởi chúng ta là một nước nhỏ, phải tranh thủ lực lượng những người ủng hộ để đưa dân tộc đi lên.../.

(Còn nữa...)

>> Phần 2: 70 năm, Việt Nam đã vượt chặng đường không giống bất kỳ quốc gia nào.

>> Phần 3: Chỉ có Đổi mới, không có con đường nào khác!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên