Tự hào và trách nhiệm

Một câu nói tự hào. Một câu nói khẳng định trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đài trên những cương vị khác nhau: Làm sao để Đài Phát thanh Quốc gia luôn tạo được đồng thuận dân tộc, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân

Một sự trùng hợp thú vị: Ngày 7/9/1945, ngày Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng chào đời với lời xướng bất hủ: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...” cũng chính là ngày Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (*).

Sự trùng hợp ngẫu nhiên? Có thể. Song sự ngẫu nhiên này là tích hợp của một quá trình tất yếu, biểu hiện tầm nhìn kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
Toà nhà Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 – Quán Sứ, Hà Nội)

1. Mọi người đều biết, tháng 9/1945, Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam đã long trọng Tuyên ngôn Độc lập, song vận mệnh đất nước hết sức mong manh. Đê sông Hồng vỡ gây ngập lụt rộng. Sức dân kiệt quệ sau mấy năm chiến tranh, dưới ba tầng áp bức. Nạn đói vừa cướp đi sinh mạng hai triệu đồng bào, nỗi đau chưa kịp lắng đã hiển hiện trước mắt bóng ma một nạn đói mới có thể gay gắt hơn. Ngân quỹ quốc gia còn vẻn vẹn hai triệu đồng bạc. Trong khi đó, tướng De Gaulle - người tự coi là vị anh hùng có công giải phóng nước Pháp khỏi ách phát xít Đức - ôm ấp mưu đồ tái lập “sự vĩ đại huy hoàng” của thực dân Pháp tại Viễn Đông. Ông cử người trợ thủ lỗi lạc nhất của mình là tướng Leclerc, một trong bốn vị tướng sẽ được phong hàm Thống chế, đích thân chỉ huy một đạo quân viễn chinh hùng hậu, đáp tàu sang Việt Nam. Mấy chục vạn quân Tưởng Giới Thạch nhân danh sự ủy nhiệm của Đồng Minh, kéo vào làm mưa làm gió ở miền Bắc. Tại phần Nam đất nước, quân đội Anh sẵn sàng tiếp tay cho người bạn chí cốt là Pháp đặt lại ách đô hộ ở bán đảo Đông Dương...

Tình thế cực kỳ khó khăn. Vận mệnh đất nước lúc này không có cách hình dung nào chính xác hơn câu nói của người xưa: “ngàn cân treo sợi tóc”.

2. Bác Hồ và Đảng nhận định: Trước thế cuộc này, giải pháp duy nhất là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân đứng lên giữ nước. Toàn thể đồng bào từ Bắc chí Nam nhất tề tiến vào ba mặt trận: Chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, chống giặc dốt, chung sức giữ gìn độc lập, tự do. Muốn vậy, phải tạo cho được sự đồng thuận dân tộc. Đài phát thanh quốc gia là công cụ đắc lực góp phần tạo nên sự đồng thuận ấy. Đó là tiếng nói của Tổ quốc, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với toàn dân. Đó là công cụ động viên sức người, sức của, trí tuệ của toàn dân vào sự nghiệp lớn. Trong tình thế bị bao vây cô lập, phát thanh là phương tiện hữu hiệu nhất làm sáng tỏ chính nghĩa Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế...

Vậy là chỉ năm hôm sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp nhận sự ủy thác cao quý và nặng nề. Gần 65 năm qua, Đài luôn hoàn thành nhiệm vụ. Công lao đó trước hết thuộc về Đảng, về Bác Hồ kính yêu.

3. Bác Hồ khẳng định: Nước Việt Nam non trẻ thế nào cũng phải đối đầu với nạn ngoại xâm. Thực dân Pháp tạm thời được sự ủng hộ của giới cầm quyền các nước phương Tây thế nào rồi cũng sẽ dùng vũ khí hòng đè bẹp ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, và dọa dẫm phong trào dân tộc các nước khác.


Nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN Phan Quang
Để chiến thắng vũ lực ngoại xâm, chúng ta giương cao ngọn cờ hòa bình, làm rõ thiện chí, song sớm muộn thế tất cũng phải dùng tới vũ lực cách mạng. Đó là sức mạnh của nhân dân, dựa trên thế trận lòng dân và nền quốc phòng toàn dân. Làm nòng cốt cho nền quốc phòng ấy thế tất là một quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, có bộ tham mưu tài giỏi.

Về phần mình, Đài phát thanh quốc gia sớm ý thức rõ trách nhiệm ở sứ mệnh này. Qua làn sóng điện, bằng nhiều hình thức và thể loại, Đài góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Địch thấy rõ điều đó. Trong kháng chiến chống Pháp, Đài đã phải 14 lần di chuyển cơ quan để tránh sự oanh tạc của địch. Thời chống Mỹ, một số cơ sở của Đài bị địch ném bom hủy diệt...

Ngày 7/9/1945, cái mốc lịch sử của phát thanh quốc gia Việt Nam. Cái mốc lịch sử của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai sự kiện ấy cùng nói lên tầm nhìn Hồ Chí Minh.

4. Hơn sáu thập niên qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trên con đường gian nan giành độc lập, tự do. Đài là chứng nhân những sự kiện lớn nhất trong lịch sử đương đại. Các phần thưởng cao quý Đài lần lượt nhận được qua các mốc thời gian là những ghi nhận của Đảng, của dân. Và lần này thêm một danh hiệu cao quý nữa: Anh hùng các lực lượng vũ trang. Một sự tôn vinh chung nhiều thế hệ.

Đã có không ít cán bộ, nhân viên Đài ngã xuống ở chiến trường với tư cách quân nhân hoặc khi đang tác nghiệp. Một giọt máu đào đổ xuống vì đất nước bất kỳ của ai đều là vô giá. Tuy nhiên, sự cống hiến lớn nhất của Đài không riêng ở mặt ấy. Cái quan trọng hơn, cơ bản hơn, hiệu quả hơn là qua làn sóng điện suốt mấy cuộc kháng chiến dài lâu cũng như ngày nay, Đài đã góp phần giữ gìn biên cương, hải đảo và an ninh Tổ quốc.

Đơn cử một chiến công. Trong kháng chiến chống Mỹ, có bao đơn vị vũ trang hoạt động độc lập ở vùng sau lưng địch. Có bao đơn vị mắc kẹt giữa rừng sâu hay trên đảo vắng, mất liên lạc với đơn vị, chưa quan hệ được với dân. Có bao thôn xã nghẹt thở dưới ách cùm kẹp và bộ máy tâm lý chiến của đối phương. Có bao cán bộ hoạt động đơn tuyến tại những vùng khó khăn nhất. Có bao tù nhân lay lắt cô đơn trong tù ngục... Nguồn thông tin duy nhất nuôi dưỡng niềm tin và dũng khí của họ, bày cho họ biết hướng hành động, cách xử trí trong từng tình huống cụ thể, là làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Làn sóng mà nhiều đồng chí may mắn trở về từ gian nguy tự đáy lòng gọi là tiếng nói Tổ quốc, là lời mẹ hiền.

5. Tại cuộc giao lưu trực tuyến với các nhà báo trẻ nhân Ngày Báo chí Cách mạng 21/6/2009 vừa qua, GS.TS Vũ Văn Hiền, Tổng Giám đốc của Đài có nói: “Ngày nay, thế giới phát thanh có công nghệ, thiết bị gì, Đài Tiếng nói Việt Nam có cái ấy”. Một câu nói đầy tự hào không riêng cho nhà đài mà của cả báo giới. Cũng có thể nói tự hào chung của đất nước. Bao năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành, chia sẻ trách nhiệm để đất nước được như ngày nay. Và đất nước tuy chưa hẳn giàu, đã cố gắng trang bị cho đứa con thân yêu những phương tiện cần thiết để đứa con ấy tiếp tục làm tốt sứ mệnh được Bác Hồ giao phó.

Một câu nói tự hào. Một câu nói khẳng định trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đài trên những cương vị khác nhau: Làm sao để Đài Phát thanh Quốc gia luôn tạo được đồng thuận dân tộc, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân./.

(*) Dẫn theo Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân 1985, tr. 326.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên