Việt Nam đã đóng góp hết sức thiết thực đối với tiến trình hợp tác APEC

VOV.VN - Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực.

Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 6-11/11/2017. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC Việt Nam 2017.

Trước thềm diễn ra sự kiện quan trọng này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn về những kết quả đã đạt được cũng như những kỳ vọng tại Tuần lễ cấp cao sắp tới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam Bùi Thanh Sơn.
PV: Xin ông có thể cho biết tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Mỗi một cơ chế hợp tác đều đem lại giá trị nhất định cho Việt Nam. APEC cũng vậy. Có thể nói, kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, Diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

Trước hết, tham gia APEC góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Các hội nghị APEC tổ chức hàng năm là dịp để các thành viên tiếp xúc, gặp gỡ song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC.

Hai là, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. APEC hiện chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 79% tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Là thành viên APEC, chúng ta có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu…. Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập của Việt Nam có điều kiện trưởng thành thêm thông qua triển khai các cam kết và dự án hợp tác của APEC.

Ba là, việc tham gia và giải quyết các vấn đề, quan tâm chung của APEC về tăng trưởng và liên kết kinh tế cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn đã khẳng định hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, gắn kết khu vực, góp phần tạo thêm thế và lực mới cho Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

PV: Ông có thể tóm lược những kết quả nổi bật đã đạt được từ cuối năm 2016 đến nay, nhất là việc thực hiện 4 ưu tiên mà Việt Nam đã đặt ra?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2017, chúng ta tiếp tục chứng kiến nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tích cực hơn song về dài hạn còn nhiều rủi ro, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.

Trong bối cảnh đó, kết quả đầu tiên phải kể đến là Việt Nam đã bước đầu thúc đẩy các thành viên đạt đồng thuận cao về chủ đề và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, giữ vững cam kết và quyết tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư mở, tạo thuận lợi cho kinh doanh… Với một diễn đàn có tầm vóc và ảnh hưởng quan trọng như APEC, thông điệp như vậy có tác dụng tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như với tăng trưởng khu vực và toàn cầu.

Kết quả thứ hai là, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tiếp tục dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên thông qua việc xây dựng và đồng thuận thông qua các sáng kiến cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với lợi ích của người dân và doanh nghiệp như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển du lịch bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, sáng tạo và bền vững, phát triển đô thị - nông thôn, an ninh lương thực, thúc đẩy khởi nghiệp, phụ nữ và kinh tế….

Bên cạnh đó, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, và triển khai các bước chuẩn bị cho xây dựng tương lai APEC sau năm 2020 cũng được các thành viên hưởng ứng tích cực và cùng đồng hành thúc đẩy.

Tất cả các kết quả này đều gắn với việc thực hiện bốn ưu tiên của Năm APEC 2017, và hướng tới mục tiêu tạo ra động lực mới cho tăng trưởng ở khu vực và đưa hợp tác APEC gần hơn tới người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, là tiền đề quan trọng, góp phần làm rõ hơn những nội dung mà các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC sẽ thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

PV: Một trong những kỳ vọng của Việt Nam trong Năm APEC 2017 là “có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn”. Ông có thể cho biết trong thời gian qua, chúng ta đã làm gì để cụ thể hóa kỳ vọng đó?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với những kết quả đạt được đến thời điểm này mà tôi đã đề cập ở trên, có thể khẳng định những đóng góp của Việt Nam đều có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với tiến trình hợp tác APEC. Tính thiết thực đó được thể hiện trên 4 khía cạnh:

Thứ nhất, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động có các kỹ năng mới để tìm được việc làm trong thị trường lao động thời kỳ công nghệ số; bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp của khu vực; hỗ trợ phụ nữ và những đối tượng yếu thế tham gia vào kinh tế và hưởng các thành quả của phát triển kinh tế; bảo đảm tính bao trùm trong phát triển…

Thứ hai, nhiều nội dung hợp tác năm nay mang tính kế thừa của hợp tác APEC những năm trước đó, song chúng ta đã gắn thêm với những yếu tố mang tính thời sự. Đây là một đóng góp thiết thực của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên...

Thứ ba, năm nay được đánh giá là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu, và APEC không phải là ngoại lệ. Trong tình hình đó, đến thời điểm này chúng ta đã phát huy tốt vai trò của chủ nhà, vận dụng hiệu quả các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc, bình đẳng và cùng có lợi để thúc đẩy các thành viên giữ đà hợp tác, liên kết, đi đến đồng thuận trên nhiều vấn đề hợp tác chuyên ngành. Những kết quả tôi vừa nêu trên là một số ví dụ tiêu biểu.

Thứ tư, các hoạt động chúng ta tổ chức đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị thế của APEC trong cục diện khu vực đang định hình. Đại diện và chuyên gia của nhiều tổ chức quốc tế đã đến tham dự và phát biểu tại các hoạt động APEC chúng ta tổ chức, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Cộng đồng doanh nghiệp và học giả cũng tham gia và đóng góp tích cực tại các hoạt động này. Qua đó, APEC đang từng bước khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng hợp tác, liên kết và khả năng “hội tụ” trí tuệ của cộng đồng khu vực và quốc tế.

PV: Thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 được coi là then chốt trong Năm APEC 2017. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực và tiến bộ của APEC từ cuối năm 2016 đến nay nhằm thúc đẩy việc hoàn tất các mục tiêu đó?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 là một mục tiêu xuyên suốt của hợp tác APEC kể từ năm 1994 đến nay. Qua các năm, nhiều chương trình hành động, kế hoạch cụ thể đã được các thành viên APEC đề ra nhằm triển khai mục tiêu này. Chương trình hành động Osaka, Lộ trình Busan, Chương trình hành động Hà Nội… là một số ví dụ.

Việc thực hiện các Mục tiêu Bogor được triển khai thông qua hai kênh: các kế hoạch hành động tập thể của APEC và các chương trình hành động của mỗi nền kinh tế thành viên APEC.  Qua 23 năm triển khai các Mục tiêu Bogor, các thành viên APEC đã gặt hái được những kết quả tích cực. Mức thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm hơn từ 17% xuống còn 5,6%. Thương mại nội khối APEC cũng đạt gần 70%, thuộc mức cao so với nhiều cơ chế hợp tác. Tuy nhiên, các thành viên cần nỗ lực hơn nữa trên một số lĩnh vực cụ thể, như thuận lợi hóa đầu tư, cắt giảm các rào cản phi thuế…

Trong năm 2017, các thành viên APEC tiếp tục đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến góp phần triển khai các Mục tiêu Bogor, thúc đẩy triển khai các cam kết trên những lĩnh vực còn tiến triển chậm. Đến thời điểm này, một số kết quả cụ thể đã được các thành viên nhất trí báo cáo lên các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC vào tháng 11 tới. Các kết quả này gắn với thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối cung ứng, nâng cao năng lực cho các thành viên trong tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, hài hòa chính sách…

Hợp tác APEC mang tính tiệm tiến, đòi hỏi các nền kinh tế chủ nhà phối hợp chặt chẽ với nhau và với các thành viên khác nhằm bảo đảm sự tiếp nối qua các năm. Có thể khẳng định, những kết quả trên là rất tích cực, góp phần từng bước hiện thực hóa các Mục tiêu Bogor mà APEC theo đuổi đến năm 2020.

PV: Ông có thể tiết lộ những nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC 2017?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao APEC là sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC, dự kiến các nhà Lãnh đạo Kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong suốt cả năm, và định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong những năm tiếp theo.

Với ý nghĩa đó, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, các nhà Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của Diễn đàn, góp phần thể hiện tầm vóc APEC đi đầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Trong Tuần lễ Cấp cao cũng diễn ra nhiều hoạt động với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. Đây là điểm đặc biệt của APEC so với hội nghị thượng đỉnh của các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế khác, thể hiện sự gắn bó mật thiết của APEC với cộng đồng doanh nghiệp./.

PVXin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại sứ Mỹ Ted Osius: APEC sẽ cho thấy sự năng động của Việt Nam
Đại sứ Mỹ Ted Osius: APEC sẽ cho thấy sự năng động của Việt Nam

VOV.VN - “Tuần tới, khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra, Việt Nam sẽ cho thế giới thấy sự năng động của mình và sẽ càng có thêm nhiều người yêu quý Việt Nam”.

Đại sứ Mỹ Ted Osius: APEC sẽ cho thấy sự năng động của Việt Nam

Đại sứ Mỹ Ted Osius: APEC sẽ cho thấy sự năng động của Việt Nam

VOV.VN - “Tuần tới, khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra, Việt Nam sẽ cho thế giới thấy sự năng động của mình và sẽ càng có thêm nhiều người yêu quý Việt Nam”.

Tổng thống Mỹ có thể gặp Tổng thống Nga tại Hội nghị APEC tại Việt Nam
Tổng thống Mỹ có thể gặp Tổng thống Nga tại Hội nghị APEC tại Việt Nam

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên và Syria.

Tổng thống Mỹ có thể gặp Tổng thống Nga tại Hội nghị APEC tại Việt Nam

Tổng thống Mỹ có thể gặp Tổng thống Nga tại Hội nghị APEC tại Việt Nam

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên và Syria.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung
Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

VOV.VN - Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 6-11/11/2017.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

VOV.VN - Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 6-11/11/2017.

Người dân Đà Nẵng chào đón APEC
Người dân Đà Nẵng chào đón APEC

VOV.VN - Những ngày này, cán bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng đang chung tay làm đẹp thành phố, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. 

Người dân Đà Nẵng chào đón APEC

Người dân Đà Nẵng chào đón APEC

VOV.VN - Những ngày này, cán bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng đang chung tay làm đẹp thành phố, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. 

Truyền thông Thái Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại APEC
Truyền thông Thái Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại APEC

VOV.VN - Những ngày qua, truyền thông Thái Lan liên tục đăng tải các thông tin về APEC 2017 trong đó nêu cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam.

Truyền thông Thái Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại APEC

Truyền thông Thái Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại APEC

VOV.VN - Những ngày qua, truyền thông Thái Lan liên tục đăng tải các thông tin về APEC 2017 trong đó nêu cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam.

Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC
Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC

VOV.VN - Việt Nam sẵn sàng đón các nhà lãnh đạo cùng hơn 10.000 đại biểu, doanh nghiệp và báo chí của 21 nền kinh tế thành viên APEC tới Đà Nẵng.

Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC

Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC

VOV.VN - Việt Nam sẵn sàng đón các nhà lãnh đạo cùng hơn 10.000 đại biểu, doanh nghiệp và báo chí của 21 nền kinh tế thành viên APEC tới Đà Nẵng.