Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác về Tư pháp

Việt Nam sẽ tích cực cử cán bộ, nhân viên sang Pháp để đào tạo và nâng cao nghiệp vụ công chứng, tư pháp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đang có chuyến thăm, làm việc tại Pháp và tham dự Phiên họp lần thứ 18 của Uỷ ban định hướng Nhà pháp luật Việt-Pháp tại Paris.

Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường xung quanh việc hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực tư pháp giữa Pháp và Việt Nam cũng như triển vọng mối quan hệ này.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong phiên họp lần này, nhiều nội dung đã được đưa ra thảo luận và hai nước đã thống nhất những chương trình hợp tác quan trọng trong tương lai?

Ký kết hoạt động của Nhà pháp luật Việt-Pháp tại Paris

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cuộc họp lần này được tổ chức theo định kỳ, song có những điểm khác so với những cuộc họp trước. Đó là hai nước sẽ đưa ra những định hướng chiến lược hoạt động trong 10 năm tới của Nhà pháp luật Việt-Pháp.

Việt Nam đã có một cơ sở rất quan trọng là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, với những ưu tiên chiến lược. Cuộc họp này là lần đầu tiên hai bên cùng trao đổi về định hướng chiến lược lớn cho hoạt động của Nhà pháp luật Việt-Pháp trong tương lai. Tuy nhiên thực tế, nguồn lực của cả hai bên đều có hạn.

Tôi rất mừng là những định hướng chiến lược của Việt Nam được Pháp rất đồng tình ủng hộ, cho nên không có những vướng mắc lớn trong xác định chiến lược đó. Xác định chiến lược là công tác đào tạo, hỗ trợ những vấn đề mới trong nền kinh tế thị trường để chúng ta có kinh nghiệm bổ sung vào thể chế và đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò của Nhà pháp luật Việt – Pháp không chỉ còn là thiết chế Việt – Pháp, mà còn là cầu nối để Việt Nam tiếp cận với kinh nghiệm của Liên minh châu Âu.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong chuyến đi lần này, Bộ trưởng còn có những cuộc tiếp xúc song phương với phía Pháp. Vậy triển vọng hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực tư pháp giữa Pháp với Việt Nam như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Phía Pháp rất coi trọng chuyến đi của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam. Ngoài việc tham dự phiên họp Uỷ ban định hướng Nhà pháp luật Việt – Pháp, phía Pháp còn bố trí 10 cuộc gặp, trong đó có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Pháp Michel Mercier. Tuy là Bộ trưởng mới, song ông có rất nhiều tình cảm với Việt Nam và cũng hiểu sâu sắc quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước, cũng như rất quan tâm tới hoạt động của Nhà pháp luật Việt-Pháp.

Hai bên đã trao đổi về kết quả hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực tư pháp và những định hướng cho tương lai. Phía Việt Nam đã nêu một số vấn đề, trong đó có việc làm sao thực hiện được những ưu tiên chiến lược của 10 năm tới trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp của đất nước, nhất là phục vụ quá trình hội nhập kinh tế của đất nước ta. Phía Pháp thấy rằng, hai nước có truyền thống văn hóa pháp luật tương đồng với nhau, đều cùng một hệ thống pháp luật thành văn. Phía Pháp cũng rất chia sẻ với những ưu tiên chiến lược của Việt Nam.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Phía Pháp cho rằng, trong giai đoạn tới, cần tăng cường hoạt động của Nhà pháp luật Việt-Pháp, với tính cách là diễn đàn chung của hai Chính phủ, đồng thời với tính cách là cầu nối giữa các nghề nghiệp pháp luật của hai nước với nhau. Đây cũng là nội dung quan trọng trong phiên họp lần này, trong đó có biên bản định hướng trong 10 năm tới cho hoạt động của Nhà pháp luật Việt-Pháp, hướng tới những ưu tiên mang tính chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời phù hợp với khả năng, thế mạnh của phía Pháp.

PV: Thưa Bộ trưởng, trên cơ sở những kết quả đạt được, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của Chính phủ Pháp, trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi về tư pháp giữa Pháp với Việt Nam?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trong định hướng sắp tới, Nhà pháp luật Việt-Pháp sẽ tăng cường hơn nữa việc trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia pháp luật tư pháp của hai nước để chúng ta có được những kinh nghiệm cần thiết. Nếu được, có thể có sự vận dụng nhất định vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam mà hiện nay đang đòi hỏi nhiều, theo định hướng mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra và làm sao để cho phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và phù hợp với chủ trương xây dựng và tăng cường Nhà nước pháp quyền của nước ta.

Ưu tiên thứ hai rất quan trọng là đào tạo cán bộ. Trong 18 năm qua, phía Pháp đã giúp chúng ta đào tạo một đội ngũ cán bộ có tiếng Pháp, có kinh nghiệm về pháp luật quốc tế và cũng hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp hiện nay trên thương trường quốc tế trong quá trình chúng ta hội nhập vào WTO. Thế nhưng thực tế vẫn còn ít. Vì thế, hai nước quyết tâm làm sao để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ luật sư có kinh nghiệm về hội nhập, tiếp tục đào tạo nghề công chứng của Việt Nam đáp ứng sự phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam.

Việc tổ chức từ thí điểm để mở rộng mô hình xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động của Nhà pháp luật Việt-Pháp bằng việc cử các chuyên gia của Pháp sang để đào tạo dài hạn ở Học viện Tư pháp, đào tạo ngắn hạn tại Nhà pháp luật Việt-Pháp hay gửi các sinh viên, cán bộ của Việt Nam sang Pháp để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo... Chủ tịch Tham chính viện Pháp cho biết, sẵn sàng đón nhận thực tập sinh của Việt Nam sang Pháp để nghiên cứu, nhất là công việc của Tòa án hành chính để chuẩn bị thực thi luật tố tụng hành chính mà Quốc hội đã thông qua và có hiệu lực từ 1/7 tới.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên