Nhà thơ Nguyễn Đình Chính kể chuyện “Cái Tết của mèo con”

Ít ai biết “Cái Tết của mèo con” tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi được lấy unguyên mẫu  từ một chú mèo thật, với những con người thật…

Giản dị nhưng trong veo và đầy cảm xúc, “Cái Tết của mèo con” là tác phẩm duy nhất mà cố nhà văn Nguyễn Đình Thi viết tặng thiếu nhi trong suốt cuộc đời cầm bút của mình.

50 năm sau khi “Cái Tết của mèo con” ra đời, tôi tìm gặp nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai cố tác giả, để nghe anh kể về câu chuyện này. Anh kể:

Cha anh- Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết cuốn truyện đồng thoại này khi về ăn Tết tại Hải Phòng năm 1961. Khi đó, ông sống tại Hà Nội với dì, còn ba anh em nhà thơ Nguyễn Đình Chính được bà nội nuôi tại Hải Phòng. Nhà rất rộng, đủ cả sân vườn, ao cá, lại có một gian bếp lớn với chạn bát, chổi bếp, nồi đồng và là nơi tung hoành của một đàn chuột khổng lồ - hệt như những gì được nhắc tới trong “Cái tết của mèo con”.

Ngày cha về, bà nội của nhà thơ Nguyễn Đình Chính ra chợ mua một con mèo tam thể. Tối, mèo được buộc vào chạn bếp để đuổi chuột. Để rồi, hôm sau, nồi thức ăn vẫn bị chuột làm tung toé. Mèo ta chúi vào một góc, run lẩy bẩy hàng giờ. “Tôi cáu, đá mèo rồi mắng: Ăn hại! Cha cười: Nó còn bé quá thôi. Lớn lên, con mèo này bắt chuột ác lắm đây… Mọi người không tin, nhưng Thuỳ Như em gái tôi vốn yêu mèo nên vẫn bồng nó lên, quấn quýt tới hết ngày”, nhà văn Nguyễn Đình Chính nhớ lại.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi còn sinh thời

Tối, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cặm cụi ngồi viết. Mỗi lần về nhà, ông vẫn đều đặn dành thời gian ngồi bên bàn làm việc như vậy. Chỉ 2 hôm sau, ông gọi anh em nhà thơ Nguyễn Đình Chính lại rồi đọc câu chuyện đồng thoại vừa hoàn thành.

Chuyện kể về một chú mèo con về nhà mới trong dịp cuối năm. Từ lúc nhìn cảnh vật và cái Tết sắp đến bằng đôi mắt trong veo ngơ ngác, dần dần, cũng tới lúc mèo ta “người lớn” hơn, biết yêu ghét rõ ràng, biết vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để căm thù cái ác…

Nghe chuyện, cả nhà nhận ra khung cảnh của ngôi nhà mình với những mèo con, nồi đồng, cây cau, đàn chuột… Anh em nhà thơ Nguyễn Đình Chính thích lắm, nhất là Thuỳ Như, bởi mỗi đoạn nhắc tới em bé gái trong nhà của mèo con, ông Nguyễn Đình Thi dừng và cắt nghĩa: “Đấy, cái Như”. Chỉ có mẹ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi chê: “Bố mày là nhà văn nên khéo đặt chuyện, mèo nhà mình đã bắt chuột bao giờ…”

Vài tháng sau, “Cái Tết của mèo con” được in tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi lại kỳ cạch gửi từ Hà Nội xuống cho mỗi con một quyển. Rồi mãi tới những năm sau này, trong những lần tái bản, ông đều tặng sách cho các con, các cháu trong nhà. Trẻ nhỏ trong gia đình thích lắm, mỗi lần gặp ông nội đều cầm cuốn sách ấy lên bập bẹ đánh vần…

Thập niên 1960 ấy, người ta thống kê vui rằng nhiều nhà văn “sứt đầu mẻ trán” vì những chuyện liên quan tới loài vật. Sơ sơ có “Con chó xấu xí” (Kim Lân), “Văn Ngan tướng quân” (Vũ Tú Nam), “Con hùm con mồ côi” (Nguyên Hồng) và cả vở kịch “Con nai đen” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi nữa - tất cả đều bị đem ra mổ xẻ, phân tích với những quan điểm làm người viết phải giật mình.

Riêng với “Cái Tết của mèo con” dư luận lại đánh giá khá cao và dành nhiều thiện cảm. Sau này, nhà thơ Nguyễn Đình thi kể lại với con răng, một bài viết phân tích rằng cảnh mèo con cùng chị Chổi Bếp, bác Nồi Đồng đánh đuổi chuột cống chính là một ẩn dụ rất đẹp về việc ba nước Đông Dương cùng đoàn kết chống ngoại xâm. Kể vậy, rồi ông cười.

Một lần khác, nhà thơ Nguyễn Đình Chính thấy nhà văn Tô Hoài tới nhà chơi và khen: Thi viết truyện loài vật được lắm, sao không tiếp đi? Lúc đó ông Nguyễn Đình Thi lắc đầu: “Thôi thôi, trời cho viết tới đâu thì được tới vậy”.

50 năm, “Cái Tết của mèo con” đã được Nhà xuất bản Kim Đồng in lại nhiều lần, thậm chí từng được đưa vào sách giáo khoa lớp 6 để giảng dạy. Dựa theo câu chuyện, năm 1965, đạo diễn Ngô Mạnh Lân cũng đã dựng bộ phim hoạt hoạ đen trắng “Mèo con” tại xưởng phim hoạt hoạ Việt Nam và giành một số giải thưởng Quốc tế.

Cha và bà nội của nhà thơ Nguyễn Đình Chính đã mất từ lâu. Cô Thuỳ Như đến giờ cũng đã ở tuổi về hưu sau nhiều năm làm kỹ sư bưu điện. Nhưng thường trực trong nhà thơ Nguyễn Đình Chính là câu hỏi: “Cơ duyên nào khiến cha anh lần đầu tiên và duy nhất viết cho thiếu nhi trong suốt đời cầm bút của mình?”

Những năm đó, ông đang làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và thường xuyên trong tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng vì những diễn biến trong đời sống văn học. Yêu trẻ con, nhưng nhà thơ Nguyễn Đình Thi gần như không bao giờ có dịp sống cùng các con kể từ năm 1965. Phải chăng, những ngày Tết 1961 là cơ hội hiếm hoi để ông thấy ấm áp, thư thái khi ngồi trong gia đình và có đủ rung cảm để viết nên câu chuyện ấy?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên