Việt Nam tham dự vào sân chơi vi mạch và phụ trợ thế giới

VOV.VN - Triển lãm SEMICON là nơi hội tụ tất cả những công ty về lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất, thiết kế vi mạch và những lĩnh vực liên quan đến nền công nghiệp bán dẫn.

Nhằm thực hiện “Đề án Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh” từ ngày 14 đến ngày 19/12/2015, đại diện Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển Công nghiệp vi mạch TP.HCM; đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch; Cố vấn cao cấp ĐHQG TPHCM đã tham gia triển lãm ngành công nghiệp vi mạch và phụ trợ (SEMICON Japan) tại Tokyo Nhật Bản.

Đoàn tham dự Triển lãm SEMICON: GS.TSKH Đặng Lương Mô – cố vấn cao cấp ĐHQG TP HCM; Đại diện Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TP HCM: Ông Lê Thái Hỷ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Ông Ngô Đức Hoàng Giám đốc Trung tâm ICDREC.

SEMICON cũng là nơi các công ty gặp nhau trao đổi về những công nghệ tương lai, cũng là nơi để các nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học trao đổi những thành tựu trong nghiên cứu lĩnh vực vi mạch và cũng là nơi để những nhà kinh doanh tìm kiếm cơ hội hợp tác và kinh doanh.

Tại triển lãm này, đại diện của Việt Nam, Trung tâm ICDREC (đơn vị thực hiện đề án “Đề án Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh”) tham dự với tư cách là một nhà triển lãm tại SEMICON đã giới thiệu những thành quả nghiên cứu của Việt Nam như chip SG8V1; chip HF RFID; chip ADC 24; chip UHF RFID và những sản phẩm ứng dụng được xây dựng dựa trên nàn tảng chip do người Việt Nam thiết kế. Đồng thời đại diện Trung tâm ICDREC cũng đã có một buổi thuyết trình 30 phút với chủ đề “Tiềm năng của chúng tôi – Cơ hội của bạn” trước những công ty và nhà đầu tư về cơ chế chính sách, môi trường và cơ hội đầu tư về lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.

Gian hàng triển lãm và giới thiệu chip Việt của ICDREC tại triển lãm SEMICON.

Trong những ngày diễn ra triển lãm, Đoàn công tác đã có những buổi làm việc trực tiếp với những nhà đầu tư lớn, những khách hàng tiềm năng như Sony, Renesas, SocioNext, CM Engineering, Jinzai Solution Inc… Với từng khách hàng cụ thể Đoàn công tác đã trình bày về cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngành vi mạch và đặc biệt giới thiệu về chương trình phát triển công nghiệp vi mạch tại TP HCM và chính sách hỗ trợ từ chương trình, môi trường rộng mở trong nhiều khía cạnh đầu tư vào ngành vi mạch tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Ngoài ra trong buổi làm việc với công ty SocioNext một công ty lớn chuyên nghiên cứu, thiết kế những vi xử lý phục vụ cho nhiều sản phẫm ứng dụng; họ đang tiềm kiếm những kỹ sư có khả năng thiết kế vi xử lý hiệu năng cao công ty SocioNext tin tưởng rằng những kỹ sư trẻ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Điều này khẳng định rằng “Đề án Đào tạo lĩnh vực thiết kế Vi mạch” một trong những đề án thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp Vi mạch TP HCM đang có những bước đi đúng đắn, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực vi mạch trên thế giới.

Theo đại diện ICDREC cho biết: “Có thể nói những sản phẩm giới thiệu tại triển lãm nghiên cứu còn rất nhiều khoảng cách so với những sản phẩm từ những tập đoàn toàn cầu. Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên nền công nghiệp vi mạch còn non trẻ của Việt Nam thực hiện việc “mang chuông đi đánh xứ người”, hơn nữa lại là trên đất nước Nhật Bản, một đất nước có nền công nghiệp vi mạch coi như đã phát triển toàn diện. Nhưng qua những buổi làm việc trực tiếp với các công ty tại Nhật bản như Công ty Sony, Renesas, SocioNext, CM Engineering, Jinzai Solution Inc…, các Công ty đều đánh giá cao và tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có khả năng nghiên cứu và thiết kế ra những con chip mang tính cạnh tranh trên thế giới. Đồng thời, qua triển lãm này, chúng tôi tự nhìn nhận thấy rằng còn rất nhiều điều phía trước cần phải thực hiện như phải đầu tư nắm bắt hơn nhanh hơn nữa những xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới sẽ định hình xã hội tương lai. Tuy nhiên, cũng phần nào thể hiện được với nhà đầu tư khác rằng thị trường Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng trong việc phát triển lĩnh vực này.”
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên