Ngôi nhà Chula

Chủ nhân ngôi nhà đó là một “ông Tây” nhưng đã chọn Hà Nội là quê hương thứ 2 và gắn bó với mảnh đất này đã được 7 mùa xuân.

Ngôi nhà Chula (từ cảm thán trong tiếng Tây Ban Nha khi gặp vẻ đẹp bất chợt hiện ra) nổi bật giữa con phố thơ mộng nằm trên đường Ven Hồ Tây bởi những hình khối có màu sắc rực rỡ và lạ mắt. Thế nhưng, sức hấp dẫn và cuốn hút của Chula không chỉ có thế….

“Ông Tây” mê văn hóa Việt

Ra tận cửa đón chúng tôi với khuôn mặt hồ hởi và nụ cười thường trực trên môi là “ông Tây” điển trai trạc tuổi trung niên trong bộ quần áo bò bụi bặm, giản dị. Vồn vã chào hỏi khách bằng một câu tiếng Việt lơ lớ, chủ nhà khiến giây phút bỡ ngỡ ban đầu của khách nhanh chóng qua đi.

Diego Cortiza, kiến trúc sư, nhà thiết kế thời trang 39 tuổi, người Tây Ban Nha, chủ thương hiệu Chula gây thiện cảm với chúng tôi ngay từ giây phút tiếp xúc đầu tiên theo cái cách như vậy.

Nói chuyện với D.Cortiza trong phòng khách ngổn ngang những mẫu thiết kế còn dang dở, chúng tôi bị hút mắt vào những bộ áo dài Việt Nam cách tân lạ mắt nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống Việt. Những chiếc áo dài bằng lụa, nhung, tơ tằm - những chất liệu truyền thống của Việt Nam - vẫn cái dáng ấy, kiểu cách ấy, nhưng dưới bàn tay biến hóa của “ông Tây” Cortiza, trông chúng thật lạ mắt, độc đáo. Sự khác biệt nằm ở những họa tiết rất đời thường, nhưng khi được Cortiza đưa vào áo dài lại thật đẹp, sống động và hiện đại. Như những cây quất ngày Tết, những chiếc lồng chim, một góc Văn Miếu…

Hỏi Cortiza vì sao lại dành nhiều tâm huyết cho áo dài Việt Nam đến vậy? D.Cortiza tủm tỉm kể về sự bén duyên của anh với áo dài Việt. Ngay từ lần đầu tiên đến Việt Nam, hình ảnh những nữ sinh trong bộ áo dài trắng thướt tha đã quyến rũ anh. Triết lý của Chula là tạo ra những mẫu áo dài vẫn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống nhưng lại trẻ trung hiện đại nhờ những mảng miếng, hình khối đậm nét kiến trúc, đồ họa và màu sắc rực rỡ của Tây Ban Nha.

Lý do Cortiza chọn Việt Nam làm nơi phát triển sự nghiệp cũng rất đơn giản. Lần đầu đến Việt Nam, anh đã thích ngay mảnh đất có những con người hiền hòa này. Đặc biệt, anh rất thích Hà Nội, vì anh cảm nhận được con người Hà Nội tuy lúc đầu hơi khó gần nhưng về sau lại rất sâu sắc, tính cách đó rất giống với người dân miền Bắc Tây Ban Nha quê anh. Và anh đã quyết định cùng vợ lập nghiệp nơi đây.

Đó là câu chuyện cách đây 7 năm. Còn nay, hai vợ chồng Cortiza đã coi Hà Nội là quê hương của mình. 7 năm cũng là ngần ấy lần Cortiza được thưởng thức Tết Hà Nội. Cortiza thích không khí yên tĩnh, thích thời tiết se lạnh kèm mưa phùn của Hà Nội những ngày Tết và thích cả những món ăn đặc trưng của Tết Hà Nội như bánh chưng, xôi gấc… Tuy mấy ngày Tết, anh không có đông đủ gia đình quây quần, nhưng những người hàng xóm tốt bụng thường sang thăm và biếu gia đình anh đồ ăn. Chính tình cảm ấm áp đó càng níu gia đình Cortiza lại mảnh đất này.

Không khó để tìm những đồ vật, hình ảnh thể hiện tình yêu Việt Nam của Cortiza trong ngôi nhà anh. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ảnh Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam mà anh ngưỡng mộ, được treo trang trọng trong ngôi nhà.

Cả ngôi nhà toát lên chất thuần Việt khiến chúng tôi có cảm giác như đang đứng trong ngôi nhà của một nghệ sỹ Việt nào đó. Những chiếc đèn lồng, đèn bằng đó giăng khắp vườn, những chiếc ghế là hai cái rổ to bằng tre úp vào nhau, trong có khung sắt được đặt ngoài trời; những chiếc đèn trong phòng khách, phòng ngủ có đế là chiếc cối đá cổ lỗ sỹ, chụp đèn là cái nơm bằng nan tre. Tường nhà vẽ đầy hình những cô gái đội nón lá, mặc áo dài. Rồi những bức tranh sơn dầu treo dọc hành lang, những mảnh vải thổ cẩm, trang sức dân tộc, nón lá bày khắp nhà.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những bức ảnh về Hà Nội Cortiza chụp, được anh “chú thích” bằng những câu ca dao tục ngữ quen thuộc của Việt Nam với cả tiếng Anh và tiếng Việt. Tất cả đều do anh tự thiết kế, tự làm (trừ những bức sơn dầu là quà tặng của một họa sỹ Việt kiều).

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Cortiza cười giải thích: “Đối với các bạn, những thứ đó quá đỗi bình thường nhưng với tôi chúng lại có một sức hút kỳ lạ”. Nhìn ngôi nhà thuần Việt của Cortiza và chứng kiến sự đam mê của anh đối với văn hóa Việt, bỗng nhiên, trong lòng tôi trào dâng một cảm giác tự hào.

Tạo cơ hội cho người khuyết tật

Xưởng sản xuất của Chula nằm ngay mặt đường, không khí làm việc đang rất khẩn trương, tất bật. Nhưng điều khiến chúng tôi chú ý là đông người như vậy nhưng tịnh không thấy tiếng người. Tò mò, chúng tôi hỏi người quản lý và rất ngạc nhiên khi biết hầu hết họ là người khiếm thính.

Chula có khoảng 60 nhân viên thì hơn 80% là người khiếm thính. Hỏi lý do thuê người khuyết tật làm việc, Cortiza cho biết, rất tình cờ khi anh đang cần người làm thì được giới thiệu một cô gái tên Dương. Dương tuy là người khiếm thính nhưng lại rất khéo tay, có óc sáng tạo khiến anh rất hài lòng. Và rồi người nọ giới thiệu người kia, đến nay đã có gần 50 người khiếm thính làm việc ở Chula.

Cortiza cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, bởi họ đáp ứng công việc rất nhanh. Một số người còn có khả năng sáng tạo, đặc biệt cảm nhận về màu sắc của họ rất tốt.

Một cô gái đang thoăn thoắt hoàn thiện chiếc váy màu xanh da trời. Đó là Vũ Thị Nguyệt, làm việc cho Chula hơn 2 năm. Nguyệt tâm sự, cô rất hạnh phúc khi làm ở Chula, nơi cô được chứng tỏ khả năng của mình vì Cortiza cho phép các cô được sáng tạo ở mức độ nhất định. Cortiza đối xử rất bình đẳng với các cô nên họ không còn cảm giác mặc cảm. Lương hưởng theo sản phẩm, trung bình khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, một mức lương cô chưa bao giờ dám mơ tới.

Trong khi nói chuyện với Nguyệt, chúng tôi nhận thấy những cái gật đầu đồng tình của các cô gái khác. Nhìn những gương mặt lấp lánh nụ cười, không khí làm việc vui vẻ nơi đây, chúng tôi hiểu, các cô hạnh phúc biết nhường nào khi được trao cơ hội hòa nhập cộng đồng và khẳng định chính mình.

Hỏi Cortiza việc anh nhận người khuyết tật vào làm có phải vì anh muốn làm từ thiện? Cortiza có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi này rồi trả lời: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó, tôi thuê họ đơn giản vì họ làm được việc và đối với tôi, họ cũng là những con người bình thường. Theo tôi, với người khuyết tật, nếu biết giúp họ vượt qua rào cản xã hội, họ có thể làm được nhiều việc tốt.

Trưa hồ Tây thật đẹp, những tia nắng vàng rọi xuống làm mặt nước long lanh như có ánh bạc. Lòng chợt vui vì lại biết thêm một người nước ngoài mang tâm hồn Việt cao đẹp như thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên