Linh vật Việt và ước vọng đẹp của con người

VOV.VN -Trong văn hóa truyền thống, linh vật Việt thể hiện những ước vọng về cuộc sống phồn thực, hạnh phúc của người Việt.

Trong văn hóa truyền thống, linh vật Việt thể hiện những ước vọng về cuộc sống phồn thực, hạnh phúc của người Việt. GS.TS. Trần Lâm Biền trao đổi với Báo TNVN về vấn đề này.

Thưa ông, linh vật Việt có giá trị ra sao trong đời sống tinh thần của người Việt?

Linh vật Việt Nam cơ bản nhất phải nhắc đến long, lân, quy, phượng, ngoài ra còn có hổ, rùa, khỉ, voi, cá chép… Qua linh vật, con người gửi gắm ước vọng, niềm tin, vì linh vật mang trong mình sức mạnh tổng hòa của nhiều con vật hội tụ lại.

Rồng là con vật đứng đầu trong hệ thống linh vật của nước ta, là biểu tượng chung của cả trời đất với nước, đặc biệt người Việt Nam là cư dân sử dụng nước tại chỗ, nghĩa là trong nông nghiệp sử dụng nước mưa là chính. Vì thế, con rồng - linh vật gắn với mưa là gắn với hạnh phúc tối thượng của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước.

GS.TS. Trần Lâm Biền

Còn năm Bính Thân này, linh vật khỉ mang lại may mắn cho gia chủ đầu năm, thưa ông?

Con khỉ đã đưa đến cho chúng ta nhiều bài học. Một trong những bài học đầu tiên, con khỉ đã từng “nói”: “Trên đời này khỉ chỉ có sợ khỉ thôi” để nhắc với chúng ta một điều hãy tự tin vào chính mình. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn thấy con khỉ ở trong các ngôi chùa, nói lên tích rằng nó là đệ tử sớm của đạo Phật.

Trong tạo hình của người Việt, con khỉ ngoài những ý nghĩa ấy còn có những ý nghĩa khác, nhưng suy cho cùng vẫn gắn với trí tuệ, và ước vọng cuối cùng là cầu trường thọ, cầu phúc. Như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có tượng  con khỉ đang với lên những con ong mang tính chất phong hầu, và con khỉ cầm quả đào, nâng quả đào, đó là ước vọng của con người cầu trường thọ. Cầu trường thọ và phong hầu là vừa tước vừa trường thọ, tượng trưng cho vũ phúc: phú quý thọ khang ninh. Đó là ước vọng muôn đời, muôn thuở.

Ông có nhắn nhủ điều gì trong việc giáo dục văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị của những linh vật Việt?

Theo tôi, cần có sự giáo dục thường xuyên giúp mỗi người nhận thức được ý nghĩa cũng như giá trị truyền thống của linh vật Việt Nam. Trách nhiệm giáo dục không chỉ dừng ở các nhà nghiên cứu mà còn phải được mở rộng ở việc tuyên truyền. Muốn tuyên truyền tích cực và hiệu quả về văn hóa truyền thống và tâm linh phải dựa trên nền tảng trí tuệ, như thế mới chống được mê tín dị đoan. Khi tuệ và tâm song hành sẽ hướng con người vào sự chân chính.

Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên