20 năm khát tìm ánh sáng

Ước mơ tìm lại ánh sáng của anh Phạm Hữu Tấn đã trở thành hiện thực nhưng cũng là lúc anh phải đối diện với một khoản nợ lên đến 200 triệu đồng.

Hành trình đi tìm ánh sáng

20 năm qua là hành trình đi tìm ánh sáng không mệt mỏi của vợ chồng anh Phạm Hữu Tấn (người đang điều trị tại Khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương). Anh Tấn quê ở thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Chấp, huyện Krong A, tỉnh Đắk Lắk. Anh không may mắc phải căn bệnh mờ mắt từ năm 20 tuổi. Vợ chồng anh đã đi chữa bệnh ở khắp nơi, chỗ nào người ta nói hay thì đến, lên TP HCM cũng vài lần, rồi lại quay trở lại Nha Trang và ra Hà Nội tới 3 lần… nhưng nguyên nhân gây ra bệnh vẫn không thể xác định được. Bệnh của anh cứ chữa khỏi được một thời gian rồi lại tái phát. Ban đầu chỉ là đau mắt phải, rồi lan sang mắt trái. Bây giờ thì không nhìn thấy gì cả, chỉ nhập nhoạng phân biệt được ánh sáng và bóng tối.

Vợ chồng anh chị Phạm Hữu Tấn


“Tôi ước mơ được nhìn thấy rõ mặt vợ và hai đưa con tôi, thấy được bầu trời, bản làng nơi tôi sống và thấy những người thân yêu luôn luôn giúp đỡ và an ủi tôi”- Anh tâm sự.
20 năm đi đủ các bệnh viện để tìm lại ánh sáng cho đôi mắt, của cải trong nhà Phạm Hữu Tấn cũng lần lượt ra đi. Gia sản lớn nhất của vợ chồng anh là 1 sào ruộng cùng ngôi nhà cấp 4.  Ngay cả ngôi nhà để ở anh cũng đã bán đi một nửa để lấy tiền chữa bệnh. Tiền vay mượn họ hàng, bà con lối xóm cũng lớn dần. Đến nay, khoản nợ ngân hàng và người thân đã lên đến 200 triệu đồng.
Anh Tuấn bị bệnh, 2 đứa con nhỏ (đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ học lớp 1) phải gửi ông bà trông nom. Vì chồng, chị Tống Thị Hoa làm đủ mọi việc từ làm ruộng đến bốc vác lò gạch, ai thuê gì thì làm nấy khiến người phụ nữ mới hơn 30 tuổi này trông khắc khổ và già đi nhiều so với tuổi. “Tiền ăn học cho con, vợ tôi phải đi làm thuê, ai thuê gì thì làm nấy, cô ấy không nề hà. Việc lúc có lúc không, tiền lương thì được 1,5 triệu đồng/tháng, chẳng đủ để chữa bệnh chứ nói gì đến việc nuôi con”- anh Tấn nói.
Chị Hoa cho biết, cách đây 1 tháng, một số người quen đọc được bài báo của tác giả Xuân Trường trên báo Tiền Phong rằng, có người đồng ý hiến giác mạc cho người bệnh. Chị đánh liều gọi điện đến và gia đình đó đòi gặp mặt anh Tấn. Khi gặp nhau, họ đồng ý cho anh giác mạc thì anh chị mới biết là Bệnh viện Mắt Trung ương “chỉ được lấy giác mạc của người đã mất” để phẫu thuật cho bệnh nhân. Thế là anh lại phải đi tìm cơ hội khác.

Ước mơ thành hiện thực
Anh chị gần như đã đặt cược tất cả trong đợt điều trị lần này tại Bệnh viện mắt TW. Dù biết tỉ lệ thành công không cao nhưng 2 vợ chồng rất quyết tâm, và coi là cơ cuối cùng.
Bác sỹ Phạm Ngọc Đông, Quyền Trưởng khoa Kết - Giác mặt, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ghép giác mạc cho anh Tấn nói: “Vì không biết chính xác nguyên nhân dẫn đến bệnh, vả lại giác mạc của anh Tấn lại dày gấp đôi so với bình thường nên rất khó khăn trong việc chữa trị. Số lượng giác mạc trong Ngân hàng Mắt lúc nào cũng khan hiếm và phải nhập về từ Mỹ”.
Dù rằng sau ca phẫu thuật, anh có thể không nhìn được nữa nhưng hy vọng trong anh vẫn không hề tắt. “Sau ca phẫu thuật này, dù có khỏi mắt hay không, tôi cũng sẽ làm hồ sơ đăng ký hiến nội tạng. Bất cứ thứ gì trên cơ thể của tôi có thể hiến được cho người bệnh thì tôi cũng hiến tất. Tôi hy vọng, mình sẽ giúp đỡ cho nhiều người bệnh khác nữa” - Anh tâm sự.

Bác sỹ Phạm Ngọc Đông (áo trắng) trả lời câu hỏi của độc giả tại toà soạn VOV online


Và may mắn đã đến với anh, ngày 23/9, anh đã được phẫu thuật thành công bởi kíp phẫu thuật do bác sĩ Đông phụ trách.
Thế là sau 20 năm khát khao chờ đợi, anh Phạm Hữu Tấn đã tìm lại ánh sáng của cuộc đời mình. Tuy vậy, khi nhìn thấy ánh sáng cũng là lúc anh và gia đình phải đối diện với một gánh nợ khó mà trả nổi.
Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng gửi về: Chị Tống Thị Hoa, số điện thoại: 01652886643, (thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Chấp, huyện Krong A, tỉnh Đắk Lắk.
Hoặc Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV Online). Địa chỉ: 45 Bà Triệu- Hoàn Kiếm- Hà Nội; ĐT: 04-39343463. Tài khoản số 1421211000272 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Triệu (lưu ý ghi rõ nội dung: Ủng hộ từ thiện)./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên