22,5 triệu liều vaccine… ế

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm trong 191,88 triệu liều vaccine đã cấp trong đợt 1, các địa phương chỉ mới dùng hết hơn 152 triệu liều, còn tồn tới 22,5 triệu liều.

“Qua theo dõi của Cục Thú y trong 2 tháng qua, dường như các tỉnh vẫn chủ quan trong việc phòng chống dịch, đặc biệt tiến độ tiêm phòng không “nhúc nhích” được là mấy. Vì thế, chúng ta phải hâm nóng lại việc phòng chống dịch, sẵn sàng tiêm phòng đợt 2 trong tháng 9 và tháng 10/2009” - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Hoàng Văn Năm đã khẳng định như vậy tại cuộc họp về công tác tiêm phòng cúm gia cầm của các tỉnh phía Bắc vừa mới diễn ra.

Đăng ký nhiều, tiêm ít!

Theo ông Hoàng Văn Năm, trong 191,88 triệu liều vaccine đã cấp trong đợt 1, các địa phương chỉ mới dùng hết hơn 152 triệu liều, còn tồn tới 22,5 triệu liều. Nguyên nhân do các tỉnh đăng ký vượt xa nhu cầu thực tế trong khi công tác tiêm phòng vaccine cúm gia cầm (CGC) đợt 1 và tiêm bổ sung trong 8 tháng năm 2009 ở một số địa phương tiến triển chậm. Đơn cử, tỷ lệ tiêm phòng đợt 1 của Quảng Ninh chỉ đạt 7,57%, Kiên Giang 24,47%, Bắc Giang 29,62%... Hiện số hàng tồn đã chuyển cho các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An… để tiêm phòng đợt 2.

Cũng theo ông Năm, từ đầu năm đến nay, dịch CGC đã xảy ra ở 67 xã thuộc 33 huyện tại 16 tỉnh, thành với gần 100.000 con mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ. Các ổ dịch bùng phát ở cả 3 miền, tập trung nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. So với cùng kỳ năm 2008, dịch có giảm hơn, chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tiêm phòng vaccine cho gia cầm. Về dịch lở mồm long móng (LMLM), từ đầu năm đến nay, dịch xảy ra ở 89 xã thuộc 38 huyện tại 21 tỉnh, thành làm 3.244 con gia súc, chủ yếu là trâu, bò mắc bệnh với 323 con phải tiêu huỷ.

Khó “tiêu” vì tỉnh không phê duyệt công tiêm

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Yên Bái Ma Văn Yên cho rằng, sở dĩ dịch LMLM xảy ra liên tiếp, dai dẳng từ năm 2006 đến nay trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Trấn Yên là do nguồn giống gia súc của Công ty Thẩm Hường cung cấp cho dự án không đảm bảo. “Từ năm 2006, chúng tôi xây dựng dự án tiêm phòng cho gia súc với tổng kinh phí 14 tỷ đồng nhưng tỉnh không duyệt do ngân sách ít. Do nằm trong vùng đệm chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM nên Yên Bái được cấp 107.000 liều. Thế nhưng, chúng tôi cũng không thể “tiêu” hết số vaccine này do tỉnh không phê duyệt… công tiêm” - ông Yên giãi bày.  

Theo Cục Thú y, dịch LMLM lây lan là do vận chuyển trâu, bò bất hợp pháp vào nội địa, không được kiểm dịch thú y. Mầm bệnh LMLN tuyp A từ nước ngoài vào đã gây khó khăn cho công tác chống dịch. Một số dự án phát triển chăn nuôi của địa phương như Yên Bái, Kon Tum… không tuân thủ quy định về con giống, kiểm dịch, tiêm phòng, dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng: “Trong khi một số tỉnh rất cần vaccine để tiêm phòng thì Yên Bái loay hoay mãi không giải quyết số vaccine dự án. Trâu, bò là tài sản, là cuộc sống mưu sinh của đồng bào dân tộc. Trong lúc dịch LMLM đang nước sôi lửa bỏng mà tỉnh không quyết được kinh phí tiêm phòng thì Chi cục nên đề xuất với Bộ NN&PTNT, Chính phủ sẽ lo. Vì vậy, Yên Bái cần rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch”.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu, công tác tiêm phòng đợt 2/2009 các tỉnh phải làm tốt hơn, phấn đấu tiêm đạt 100% tổng đàn. Đối với những tỉnh có nguy cơ cao bùng phát dịch, phải tiêm phòng triệt để cho gia súc gia cầm; nếu thừa vaccine phải báo cáo ngay về Cục Thú y để luân chuyển cho tỉnh khác. Đề nghị Cục Thú y có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh những tháng cuối năm, đề xuất Bộ NN-PTNT cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm công tiêm phòng cho cán bộ thú y…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên