4 khu vực thụ hưởng dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn

(VOV) -4 khu vực là miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; ĐBSCL, các tỉnh duyên hải Bắc và Nam Trung bộ.

Sáng nay (5/7), tại Hà Nội Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) tổ chức Hội thảo “Khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Dự án giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2”.

Trong giai đoạn 2, dự án tập trung vào việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ giáo dục trung học cơ sở ở những vùng khó khăn trên cả nước, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai bão lũ. 4 khu vực khó khăn nhất, dự kiến được xem xét và thụ hưởng dự án là miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh duyên hải Bắc và Nam Trung bộ.

Tại hội thảo, các ý kiến đại biểu góp ý: Trong giai đoạn 2, dự án cần khắc phục những tồn tại mà giai đoạn trước gặp phải như: Lựa chọn địa bàn phù hợp, lên phương án kinh phí có tính đến khoản trượt giá hàng năm… Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: “Tôi xin nhấn mạnh rằng, Ban dự án trung ương và Ban dự án địa phương cần rất đồng thuận với nhau, phải tập huấn thảo luận liên tục hàng năm. Vì từ khi bắt đầu chọn địa điểm đến khi phê duyệt kinh tế kỹ thuật là gần 1 năm, nên chúng ta không quản lý tốt thì rất là lâu dài. Địa phương họ không chuyên nghiệp bởi lẽ họ còn phải làm rất nhiều việc. Cho nên, chúng ta cần đi xuống cầm tay chỉ việc giúp địa phương, ít nhất là 2/3 số lượng các tỉnh quyết tâm trong công trình”.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Dự án giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) phối hợp phát triển trong 6 năm (từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2014), với tổng số vốn đầu tư 64 triệu đô la Mỹ.

Kết thúc giai đoạn 1, dự án cung cấp gạo cho học sinh các trường trung học cơ sở bán trú và nội trú, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nội trú, tạo thêm chỗ ở cho học sinh ở xa trường học; cung cấp tài liệu cho giáo viên và học sinh để nâng cao kết quả học tập. Qua đó, nâng cao chất lượng dạy và học 103 huyện khó khăn thuộc 17 tỉnh nghèo nhất cả nước, khuyến khích học sinh, nhất là học sinh nữ ở độ tuổi đến trường; thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục trung cơ sở…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên