Vụ án được tái thẩm sau 7 năm Báo Tiếng nói Việt Nam phản ánh:

Bà Chiu phải đợi đến bao giờ?

Công lý dường như đã mỉm cười với những người mà Báo Tiếng nói Việt Nam lên tiếng bảo vệ. Nhưng không! Họ tiếp tục bị “hành” bởi sự nhiêu khê của thủ tục và sự thờ ơ.  

Báo Tiếng nói Việt Nam số 24 ra ngày 11/6/2001 đăng bài điều tra “Ai lợi dụng danh nghĩa Nhà nước chiếm đất của dân?”. Đúng 7 năm sau (tháng 6/2008), Chánh án TAND Tối cao quyết định kháng nghị và tháng 11/2008, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm, tuyên huỷ bản án của TAND TP.Hà Nội và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao với những nhận định đúng như nội dung đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam.

Ai đã chiếm đất của dân?

Bài báo khẳng định, ngày 21/4/ 1989, UBND TP. Hà Nội cấp “Giấy phép sử dụng đất” số 1477 cho Công ty Du lịch Hà Nội để “xây nhà ở hai tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Diện tích đất được cấp là 526,25m2 ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Thế nhưng, một nhóm người của Cty đã lợi dụng quyết định này, chiếm đất của gia đình bà Trần Thị Chiu và Nguyễn Thị Lân ở tổ 11A, phường Thanh Lương.

Bài điều tra đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam ngày 11/6/2001

Bài báo đặt câu hỏi: Công ty Du lịch Hà Nội đã sử dụng hai mảnh đất ở hai vị trí khác nhau, nhờ một “Giấy phép sử dụng đất” số 1477, ngày 21/4/1989? Dẫn chứng: Lãnh đạo UBND phường Thanh Lương; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều khẳng định: Công ty Du lịch Hà Nội không có hồ sơ cấp đất; không có luận chứng kinh tế kỹ thuật theo quy định của Luật Đất đai 1988. UBND TP. Hà Nội cũng không có quyết định nào thu hồi đất của các hộ dân ở tổ 11A, phường Thanh Lương trước khi giao cho Công ty Du lịch Hà Nội. Vậy ai đã cấp đất cho Cty ở địa điểm này?

Theo “Giấy phép sử dụng đất số 1477” của UNBD TP. Hà Nội; “Phương án đền bù hoa màu”, “Trích lục bản đồ 667” và “Biên bản bàn giao thực địa”, thì Công ty Du lịch Hà Nội chỉ được giao 526,25m2 đất. Nhưng trên thực tế, họ đã nhận tới 837,25m2 - thừa 321m2.

Để hợp lý hoá diện tích 321m2 “thừa”, trong “Giấy phép sử dụng đất” số 1477 của UBND TP. Hà Nội, ai đó đánh máy thêm một đoạn chèn vào văn bản với nội dung: “phần ao còn lại diện tích 321m2 giao Cty quản lý và san lấp để mở đường quy hoạch không xây dựng nhà ở”. Đây là điều rất đáng ngờ mà bất cứ ai khi xem văn bản này cũng dễ dàng nhận ra. Tại hầu hết các văn bản liên quan, kể cả hai bản án của các cấp Toà đều không thừa nhận diện tích 321m2 đất “thừa” này. Vậy nó ở đâu?

Công ty Du lịch Hà Nội đã bồi thường, hỗ trợ cho bà Nguyễn Thị Là (chủ gốc sử dụng đất) 516m2 cũng ở tổ 11A. Nhưng diện tích đất đó của bà Là hiện vẫn còn nguyên trạng. Vậy là Công ty Du lịch Hà Nội đã lấy “nhầm” vào đất của người khác?

Những câu hỏi trên của Báo Tiếng nói Việt Nam cũng chính là những mâu thuẫn được các cơ quan chức năng lý giải, là căn cứ để Chánh án TAND Tối cao kháng nghị và Uỷ ban Thẩm phán TAND Tối cao xét xử vụ án theo trình tự tái thẩm.

Bà Trần Thị Chiu tâm sự: “Tôi coi bài điều tra trên Báo Tiếng nói Việt Nam như một cẩm nang để đi kêu cứu. Tôi và bà Lân từng đưa bài báo này đến tận tay nhiều vị lãnh đạo xem xét vì bài báo đã phản ánh đúng sự thật về những khuất tất trong việc chiếm đất của chúng tôi”.

Hành trình theo kiện

20 năm trước, gia đình bà Trần Thị Chiu và Nguyễn Thị Lân đang sử dụng đất ổn định tại các lô 133, 134, 135, 136 ở tổ 11A, phường Thanh Lương, thì nhận được thông báo “giao diện tích khu đất này cho Công ty Du lịch Hà Nội xây khách sạn Hoàn Kiếm”. Họ đã nghiêm chỉnh chấp hành.

Sau khi lấy được đất của họ, Công ty Du lịch Hà Nội tiến hành san lấp mặt bằng và chia thành từng lô cho các cán bộ của công ty. Sau đó không lâu, nhiều căn hộ lần lượt mọc lên lấn chiếm vào đất của họ mà không thấy “khách sạn Hoàn Kiếm” đâu cả.

Gia đình bà Lân, bà Chiu và nhiều hộ khác nghi ngờ rồi khiếu nại. Bà Nguyễn Thị Lân khiếu nại đến các cơ quan hành chính tới... 15 năm. Và chỉ nhận được câu trả lời giống nhau: “Công ty Du lịch Hà Nội không chiếm đất của ai cả”.

Còn bà Trần Thị Chiu khởi kiện ra toà, khẳng định Công ty Du lịch Hà Nội chiếm đất của gia đình bà. Nhưng ngược lại với những gì bà và luật sư chứng minh trước toà, cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã phán quyết: chính gia đình bà chiếm 216m2 đất của Công ty Du lịch Hà Nội(?!)

Bản án phúc thẩm (số 69 ngày 14/7/1997 của TAND Tối cao) được cưỡng chế thi hành. Gia đình bà Chiu mất ngõ đi, phải bắc thang trèo tường bao vào nhà suốt nhiều năm. Sau đó đành phải mở ngõ 40cm để “lách” vào nhà. Đến nỗi, ngày đám hỏi và đám cưới con gái, bà phải gạt nước mắt - xin hàng xóm cho đi nhờ.

Sự việc có một không hai này ở Hà Nội sau đó được nhiều tờ báo lên tiếng.

Bà Chiu kiên trì ôm đơn đi khiếu nại. Bà kể, có những đêm bà nằm vỉa hè đợi đến sáng để được gặp cán bộ tiếp dân. Gặp được cán bộ, bà nhẫn nại trình bày và thiết tha mong được xem xét vụ việc thấu đáo.

Ngày 13/6/2008, Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị. Ngày 26/11/2008, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm đã quyết định: “Huỷ bản án dân sự số 69, ngày 14/7/1997, của Toà phúc thẩm TAND Tối cao và bản án sơ thẩm số 56, ngày 27/9/1996, của TAND TP. Hà Nội về vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Trần Thị Chiu với bị đơn là Công ty Du lịch Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định”.

Bản án tái thẩm nêu rõ: “UBND TP. Hà Nội đã có công văn xác định chính thức, diện tích đất mà Công ty Du lịch Hà Nội đang sử dụng không trùng khớp với diện tích đất được cấp theo trích lục bản đồ 667. Do đó cần phải xác minh lại diện tích đất Công ty Du lịch Hà Nội thực tế đang sử dụng có đúng với trích lục 667 hay không? Đồng thời, theo trích lục bản đồ 667 thì, đất mà Công ty Du lịch Hà Nội được phép sử dụng là 526,25m2, nhưng tại “Giấy phép sử dụng đất” lại có phần đánh máy thêm 321m2 phần ao còn lại. Đây là vấn đề cũng cần phải được xem xét giám định làm rõ để việc giải quyết vụ án đúng pháp luật”.

Trước đó 7 năm, vào năm 2001, Báo Tiếng nói Việt Nam đã có bài điều tra đưa ra những nội dung tương tự.

Lại một hành trình gian khổ

Cầm bản án tái thẩm trên tay, bà Trần Thị Chiu đã xúc động báo tin cho Báo Tiếng nói Việt Nam. Nhưng bà không ngờ, thêm một lần nữa, bà lại phải tiếp tục theo đuổi một hành trình tố tụng mới không suôn sẻ…

Hồ sơ vụ án được chuyển về TAND TP. Hà Nội. Ngày 29/4/2009, Toà có công văn gửi cơ quan chức năng của Hà Nội đề nghị trả lời rõ: Giấy phép sử dụng đất (cấp cho Công ty Du lịch Hà Nội năm 1989) là 837,25m2 hay chỉ là 526,52m2? Việc Công ty Du lịch Hà Nội sử dụng đất không trùng khớp với hiện trạng - cụ thể thế nào?

Thế nhưng, ngày 31/7/2009, thẩm phán Phùng Thị Kim Loan - người được phân công xét xử vụ án đã phải ra quyết định “tạm đình chỉ giải quyết vụ án” với lý do: “Hiện nay vụ kiện đang chờ công văn trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mà thời hạn xét xử đã hết”.

Vậy thì bao giờ bà Chiu mới tìm được công lý?

Bản án xử cách đây 12 năm đã được thi hành. Người thắng kiện đã xây nhà ở kiên cố, bịt ngõ đi rộng 4m của gia đình bà. Chỉ cần đo đạc lại toàn bộ diện tích theo trích lục bản đồ sẽ rõ: ai lấn chiếm đất của ai và lấn chiếm bao nhiêu?

Người xưa có câu: “vô phúc đáo tụng đình”. Mặc dù chúng tôi đã động viên, giải thích: Chỉ có Tòa án mới là nơi có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà, nhưng bà Chiu vẫn rơm rớm nước mắt nhắc tới câu nói của người xưa. Mong những người có trách nhiệm trong vụ án này thấu hiểu nỗi khổ mà gia đình bà Trần Thị Chiu, Nguyễn Thị Lân, ở tổ 11A, phường Thanh Lương, Hà Nội đang phải gánh chịu gần 20 năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên