Thu hồi đất nông nghiệp ở đồng Cửa Đình, Sai Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ:

Bài 2: Chạy nước rút

Thay vì dân chủ bàn bạc, niêm yết công khai mọi vấn đề liên quan đến người dân thì chính quyền địa phương lại “ém nhẹm” thông tin, chạy “nước rút” dự án, bỏ qua quyền lợi của người dân  

Bài 1: “Ém” thông tin

Câu chuyện thu hồi đất nông nghiệp tại cánh đồng Cửa Đình, xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ để làm khu tái định cư Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cho thấy: sự thiếu công khai bàn bạc dân chủ trong dân đã kéo theo hàng loạt những khiếu kiện, bức xúc về đất đai.

Mối “tơ nhện” bùng nhùng, rắc rối ấy chỉ có thể giải quyết được khi thực sự nhìn nhận quyền lợi của người dân - những người đang bị tước đi công cụ sản xuất, công việc của chính mình. Tuy nhiên, thay vì việc đáng làm đó, một cuộc chạy đua nước rút được khởi động…

Phó Chủ tịch huyện: Làm theo Nghị định là… hình thức!

Nếu lấy thời điểm phê duyệt quyết định thu hồi cánh đồng Cửa Đình làm khu tái định cư của UBND huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là ngày 31/8/2009 (tức là khi Nghị định 69/CP của Chính phủ ra đời được hơn nửa tháng) thì có thể thấy rằng, người ký quyết định này đã thừa hiểu quyền lợi của người dân bị thu hồi đất đang bị thiệt hại từ 1,5 đến 5 lần, chưa kể hàng loạt chính sách hỗ trợ khác mà họ không được hưởng.

Biết vậy, nhưng ngay sau đó, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chính người ký quyết định thu hồi đất làm Chủ tịch Hội đồng, đã nhanh chóng chỉ đạo các ban ngành chức năng tích cực kiểm đếm, đo đạc, để rồi ngày 25/9/2009 (tức là chỉ 5 ngày trước khi Nghị định 69/CP có hiệu lực thi hành) UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định 2888/QĐ-UBND phê duyệt dự toán và kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân. Và cũng thật nhanh chóng, chỉ 3 ngày sau đó (ngày 28/9), Ban Quản lý dự án đã kịp “ôm” tiền đến chi trả cho người dân.

Lý giải về điều này, ông Vũ Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cho rằng: “Chúng tôi chỉ biết theo tiến độ mà trình. Và tỉnh cũng theo tiến độ thực hiện bình thường. Không phải chạy vì cái giá nào đó, mà cũng không vì cái gì mà để kéo dài, để chậm tiến độ cả.” Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sai Nga lại “bật mí” khi giải thích: “Theo Nghị định 197 là căn cứ vào số liệu đo diện tích thực tế, nhưng tỉnh bảo thôi, bây giờ phải làm cho nhanh, kể cả Ban giải phóng mặt bằng của huyện cũng đốc rút, nên thực tế có chênh nhau thì làm theo bìa đỏ của dân cho nhanh. Chúng tôi phải làm liên tục. Chúng tôi ở dưới, ở trên các anh ấy không phải là ép, nhưng thực tế vẫn phải thực hiện”.

Trên thực tế, diện tích kê khai trong biên bản kiểm đếm của Ban Quản lý dự án có nhiều chỗ không khớp với diện tích trên sổ đỏ của một số hộ dân nên đã không được người dân xác nhận. Mặc dù theo quy định tại Nghị định 197/CP/2004-NĐ-CP, việc tính toán diện tích đất bồi thường là trên cơ sở thực tế, song điều này đã bị bỏ qua - để tiết kiệm thời gian, cán bộ dự án đã “linh động” sửa chữa theo đúng sổ đỏ của người dân để họ ký nhận vào biên bản.

Và như thế, chỉ sau ít ngày dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư  công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đồng Cửa Đình đã được phê duyệt cho 86 hộ dân với tổng số tiền đền bù là hơn 1.200.000.000 đồng, trong đó, bồi thường cho các chủ hộ là hơn 880.000.000 đồng. Thế nhưng điều đáng nói là người dân không hề được tham gia đóng góp bất cứ ý kiến nào.

Nghị định 197/CP/2004/NĐ-CP quy định tại Khoản 2, Điều 39 về việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư nêu rõ: Lãnh đạo UBND cấp huyện là Chủ tịch, các thành viên bắt buộc phải có đại diện của những hộ gia đình bị thu hồi đất từ 1 đến 2 người. Thế nhưng, tại Quyết định số 281/QĐ-UBND ngày 3/3/2008 của UBND huyện Cẩm Khê, thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư tiểu dự án xây dựng đường cao tốc Nội bài - Lào Cai thuộc địa bàn huyện Cẩm Khê lại không hề có một đại diện nào của các hộ bị thu hồi đất.

Về điều này, ông Vũ Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê giải thích xanh rờn: “Việc kê khai, kiểm đếm đã mời dân đến. Đó là hình thức để dân biết, mà dân biết rồi, người ta cứ cố tình, chứ đưa 1, 2 ông vào ban kiểm đếm cũng chỉ là hình thức. Đưa vào trong quyết định liệu người đó hoạt động như thế nào, có tuyên truyền được hay không? Tôi tin chắc rằng người đó nói chắc gì người ta đã nghe. Cho nên chúng ta cũng không nên tập trung vào bắt bẻ có đại diện hay không”.

Thành viên Tổ công tác cũng… lơ mơ

Về phía xã, mặc dù trên giấy tờ có ra quyết định thành lập Tổ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đồng Cửa Đình nhưng chính những người là thành viên của tổ cũng không hề biết mình có tên trong tổ này. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khu 11 là một ví dụ. Ông được nêu tên với tư cách là thành viên của Tổ công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư ở khu đồng Cửa Đình do ông Trần Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Sai Nga làm Tổ trưởng, nhưng ông Thắng không hề được biết: “Khi kiểm đếm, chúng tôi cũng không biết gì. Làm xong các anh ấy đưa chúng tôi phát về cho các hộ, các hộ cũng không chấp nhận diện tích đó. Họp thì không họp. Dân người ta phản đối cái đó. Các chủ trương, bàn bạc, quy hoạch như thế nào, bà con đều không biết nên không nhất trí”.

Còn người dân thì lại càng không biết. Ông Nguyễn Công Tĩnh, khu 11 bức xúc: “Tôi không biết có hội đồng, hay đại diện gì hết. Hội đồng tái định cư cũng không có thông báo, cũng chẳng có ai đại diện. Chẳng qua là các ông dự án áp đặt lên thôi. Các ông ấy ghi thế nào thì dân biết thế thôi. Không được họp dân, mãi đến ngày 24/10 mới chính thức dân được họp bàn về đất tái định cư, còn trước đây là cứ ký lấy tiền, ký lấy tiền. Không biết là tiền gì, không ai giải thích gì cả”.

Chỉ đến khi có khiếu kiện của người dân, ngày 24/10/2009, đại diện lãnh đạo UBND huyện Cẩm Khê và Ban Quản lý dự án mới có buổi làm việc đầu tiên và duy nhất với người dân bị thu hồi đất khu đồng Cửa Đình. Tuy nhiên, việc tính giá đền bù đất cho người dân dù ở thời điểm nào, theo ông Vũ Văn Nhất vẫn chỉ được tính theo bảng giá đất mà UBND tỉnh Phú Thọ quy định: “Chúng tôi làm bình thường, nếu là quyền lợi của dân mà chưa hợp lý thì mình điều chỉnh, bổ sung theo chính sách của tỉnh quyết định. Huyện không có quyền đặt ra chính sách đối với người dân. Mất đất bao nhiêu theo tỷ lệ hỗ trợ là bao nhiêu phải theo tỉnh. Nếu làm theo Nghị định 69 thì Phú Thọ may lắm chỉ phát triển được 5 - 7 doanh nghiệp, lịch sử của Phú Thọ sẽ đi ngược lại bởi vì không có tiền giải phóng mặt bằng”.

Còn ông Trần Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Sai Nga cũng cho rằng: “Diện tích đổi chác trước nay chênh lệch nhau thì chúng tôi đang tiếp tục giải quyết. Chúng tôi vẫn hứa với bà con là giải quyết đến thấu tình đạt lý để bà con không còn khiếu kiện gì nữa thì thôi. Nhưng giá thì phải theo quyết định của UBND tỉnh, chứ chúng tôi không thể tự điều chỉnh”.

Việc tính giá đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân ra sao, hạ hồi sẽ phân giải, song điều mà người dân thấy bất bình chính là sự thiếu dân chủ, công khai bàn bạc trong dân. Thay vì dân chủ bàn bạc, niêm yết công khai mọi vấn đề liên quan đến người dân thì chính quyền địa phương lại “ém nhẹm” thông tin, chạy “nước rút” dự án, bỏ qua quyền lợi của người dân, gây nên những bức xúc, khiếu kiện không đáng có. Đây cũng là bài học cho các địa phương khác, không chỉ riêng ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên