Bão số 4 đổ bộ vào miền Trung

Bão đã đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế

Sáng 27/9 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn họp bàn về công tác triển khai đối phó bão số 4 và số 5, đang xuất hiện trên biển Đông, vùng biển Philippines. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, lúc 4h sáng 27/9, bão số 4, với tên gọi Haitang, đã đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế. Trước, trong và sau khi đổ bộ vào bờ, bão số 4 đã gây mưa to và rất to tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Tổng lượng mưa đo được từ 150 - 300mm. Đến 8h sáng 27/9, mưa tại các địa phương đã giảm.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng 252 giúp ngư dân đưa thuyền vào bờ tránh bão (Ảnh: DT)

Thống kê thiệt hại ban đầu đã có 1 người chết do mưa bão, đó là anh Nguyễn Vũ Viên, sinh năm 1980, ngư dân của tỉnh Phú Yên; 1 tàu cá của Đà Nẵng bị chìm, 2 tàu của Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế bị hư hỏng.

Tính đến 6h sáng 27/9, Bộ Tham mưu – Bộ đội biên phòng đã thông báo được 31.459 tàu, thuyền với tổng số 147.290 người biết vị trí, diễn biến của bão để di chuyển, phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 4. Trong đó, hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là 4 tàu với 57 người; đang di chuyển về bờ là 30 tàu với 413 người (Quảng Nam: 12 tàu với 155 người, Quảng Ngãi: 18 tàu với 258 người, 1 tàu với 18 người của tỉnh Quảng Ngãi đã về bờ an toàn).

Trong khi đó, tại thời điểm này, ngoài khơi biển Đông đã xuất hiện cơn bão mới với tên quốc tế Netsat. Lúc 1h sáng 27/9, vị trí tâm bão vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc, 122,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Philippines.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng chống bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là các khu vực thường xuyên ngập lũ và bị lũ chia cắt để chủ động đối phó sau bão./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên