Cảnh báo tình trạng trẻ bị ngộ độc do ăn củ dền, cà rốt

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu ăn các loại củ này nhiều có thể trẻ sẽ khó thở, tím tái và suy hô hấp

 

 

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM thông báo có trẻ phải nhập viện cấp cứu do tím tái, suy hô hấp vì ngộ độc nitrat, nitrit mà nguyên nhân là do trẻ ăn quá nhiều nước củ dền hoặc cà rốt.

Trước đó, hai bệnh viện nhi tại TP HCM đã thông báo khẩn cấp tình trạng các bà mẹ dùng nước nấu củ dền pha sữa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú hoặc cho trẻ lớn hơn ăn quá nhiều cà rốt làm các cháu bị ngộ độc nặng. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị ngộ độc nước củ dền vẫn xảy ra do các bà mẹ nghĩ rằng, nước củ dền có màu đỏ “bổ máu” nên dùng pha sữa cho trẻ sơ sinh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên khoa Dược trường Đại học Y dược TP HCM: Các loại rau củ này chứa rất nhiều nitrat, nitrit. Đối với trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, khả năng chuyển hóa các chất độc vào trong người chưa hoàn chỉnh. Nitrit khi vào máu nó có khả năng oxy hóa một chất có trong hồng cầu là hemoglobin, biến hemoglobin này thành methemoglobin và chất này không có khả năng giúp cho trẻ có thể hô hấp được. Vì vậy trẻ sẽ khó thở, tím tái và suy hô hấp.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, đối với trẻ lớn hơn và người lớn, dùng củ dền, cà rốt không sao bởi vì cơ thể có khả năng chuyển hóa, giải độc tốt hơn, sẽ khử methemoglobin biến trở lại thành hemoglobin, trong khi trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sự giải độc này rất chậm và khó khăn hơn nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên