Cầu sập - Cốt thép hay cốt tre?

Việc 2 cây cầu ở Gia Lai mới được đưa vào sử dụng chưa lâu đã liên tiếp bị sập khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi

Vụ việc hai cầu bê tông cốt thép liên tiếp sập xuống trong 2 ngày (2 - 3/10/2011) trên địa bàn huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai khiến hàng nghìn người dân lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 tháng tiến hành điều tra, cơ quan chức năng mới chỉ lý giải được nguyên nhân sập cây cầu có tuổi thọ mới gần 9 năm. Còn vụ cây cầu mới được nghiệm thu hơn 1 tháng đã sập thì vẫn chưa tìm ra nguyên nhân…

Cầu Bản sập khiến các hộ dân xung quanh rơi vào nguy cơ bị cô lập

Hàng nghìn người dân đang gặp khó

Hai cây cầu bị sập có tên là cầu Bản và cầu Ia Oh rất quan trọng đối với việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con các xã khó khăn của huyện Chư Pah. Cả hai cây cầu đều là dạng cầu bê tông cốt thép kiên cố và còn khá mới. Cầu Ia Oh, vừa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng được khoảng 1 tháng nay. Còn cầu Bản cũng mới chỉ sử dụng tròm trèm 9 năm.

Việc liên tiếp 2 cây cầu liên xã trọng yếu nối các xã khó khăn của huyện Chư Păh cùng “hẹn nhau” sập đã khiến hàng nghìn người dân các xã Hà Tây, Đak Tơver, Ia Khươl… bị chia cắt, gặp khó khăn đủ bề trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản...

Khó khăn nhất chính là việc đi học của hơn 100 học sinh ở 2 xã Đak Tơver và Hà Tây. Thời điểm cầu vừa sập, các em đã buộc phải tạm nghỉ học vì gia đình và nhà trường không dám mạo hiểm để các em qua suối.

Thầy giáo Quách Văn Cường cho biết, con suối nơi cầu sập hiện nước chảy rất lớn, cả người lớn cũng khó lội chứ đừng nói gì đến trẻ em. Nhà trường đã nhanh chóng thông báo cho các em học sinh nghỉ học ngay sau khi được báo cầu sập để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Hiện tại, khi đã có cầu tạm, nhà trường đang bố trí thời gian dạy bù cho các em.

Vì sao cầu sập?

Theo một số người dân sống ở các xã Đak Tơver, Ia Khươl và Hà Tây, đây là hậu quả của nạn khai thác cát trái phép. Họ cho biết, trước khi cầu sập, có tổng cộng 7 máy hút cát cách cầu Ia Oh và cầu Bản chỉ chừng 100m. Cát ở gần cầu bị hút quá bạo nên chân cầu bị xói lở, hổng trụ khi mưa lớn đổ về. Và ngay sau khi các cây cầu sập, những “sa tặc” hút cát gần cầu đã vội vàng di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị đi nơi khác.

Một số người dân khác lại cho rằng, có thêm một nguyên nhân chính nữa, đó là, ngày nào cũng có hơn 70 chuyến xe Kamaz (trọng tải hơn 30 tấn) đi qua cầu, trong khi tải trọng của cầu chỉ chịu đựng đến 13 tấn.

Một số người dân lại nghi ngờ chất lượng xây dựng cầu, đặc biệt là cây cầu mới nghiệm thu đưa vào sử dụng mới hơn một tháng. “Mới hơn một tháng đã sập, không thể tin được đó là cầu bê tông cốt thép. Các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra xem có phải là lõi thép hay chỉ là lõi tre”. Một người dân bình luận.

Trong khi đó, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Gia Lai đưa ra kết luận ban đầu về vụ sập cầu Bản: Do ảnh hưởng của bão số 5. Cụ thể, ngày 2/10/2011, trên địa bàn xã Đak Tơver có mưa lớn, kéo dài làm xuất hiện lũ tại các sông suối trong khu vực, lưu lượng nước lớn đã làm thay đổi dòng chảy, lòng suối bị xói sâu gây sập cầu Bản và một chiếc cống. Cũng theo cơ quan chức năng này, việc phía hạ lưu có 3 bãi khai thác cát đang hoạt động, gây xói mòn lòng suối cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến công trình.

Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm vẫn vượt qua cây cầu sập

Bên cạnh đó, lượng xe cộ lưu thông trong khu vực tăng cao, xe vận chuyển vượt trọng tải thiết kế công trình, làm công trình không đảm bảo điều kiện khai thác lâu dài. Theo thiết kế ban đầu, cầu Bản có kết cấu đơn giản, mặt cầu đổ bê tông cốt thép, còn phần móng mố, trụ, tường cánh chỉ làm bằng vữa bê tông. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan không có biện pháp kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để phát hiện kịp thời hư hỏng nên khi bị nước lớn xói, kéo theo sụt, vỡ giằng chống mố trụ, đã dẫn đến sập cầu.

Như vậy, kể từ lúc 2 cây cầu không hẹn mà liên tiếp sập, đến nay, thời gian đã hơn một tháng, thế nhưng cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Giao thông - Vận tải Gia Lai mới chỉ lý giải được nguyên nhân sập của cây cầu Bản - cây cầu đã được đưa vào sử dụng gần 9 năm.

Cách trả lời này đang làm dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về quá trình thiết kế, thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều người vẫn thấy nghi vấn khi nguyên nhân gây sập cầu Ia Oh vẫn chưa được đả động đến. Bởi cho đến lúc sập, cây cầu trên mới chỉ được đưa vào sử dụng hơn một tháng. Cây cầu này có được thi công đúng với thiết kế ban đầu hay không? Có bị “rút ruột” hay không?

Đương nhiên, cơ quan chức năng không thể “lặng im”, tránh né câu hỏi này, và cần nhanh chóng vào cuộc, công tâm điều tra làm rõ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên