Cầu vượt cho người đi bộ: Để hóng gió hoặc uống trà chanh?

(VOV) - Cầu vượt trên đường Trần Đại Nghĩa, hầm đường bộ Ngã Tư Sở… hầu như không có người sử dụng.

Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã đầu tư, xây dựng nhiều cây cầu vượt dành cho người đi bộ, góp phần giảm ùn tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Sau thời gian đưa vào sử dụng, bên cạnh những cây cầu phát huy hiệu quả tốt thì vẫn còn nhiều cây cầu hầu như không có hoặc rất ít người đi qua.

Cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai trên đường Giải Phóng và trước cổng Đại học Giao thông Vận tải trên đường Cầu Giấy là lựa chọn tối ưu của người tham gia giao thông khi muốn sang đường. Nhưng không phải cây cầu vượt nào cũng có công năng sử dụng thường xuyên như vậy. Trên thực tế, có những cây cầu cả ngày không có người đi. Nếu có thì không phải với mục đích để sang đường mà là để tập thể dục, hóng gió hoặc uống trà chanh. Cây cầu vượt trước cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trên đường Trần Đại Nghĩa cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Cầu thì không có người đi trong khi dưới chân cầu thì thỉnh thoảng lại có hàng tốp sinh viên băng qua đường. Bên cạnh ý thức tham gia giao thông của sinh viên chưa cao thì cũng còn có lý do khác khiến họ không cần thiết phải đi qua cầu.

Bạn Nguyễn Thị Linh, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Năm thứ nhất thì em có sử dụng cầu vượt để qua đường. Đến năm thứ 2, thứ 3 thì không đi nữa hoặc là có đi thì chỉ đi vào buổi tối, đi dạo với bạn bè uống trà đá trên đấy thôi. Nói chung là nó không thuận đường, hầu hết là em thấy mọi người không đi cầu này có thể là do tâm lý lười không muốn đi lên cầu thứ 2 là không thuận đường”.

Bên cạnh sự bất hợp lý về vị trí, thì nhiều người cũng cảm thấy ái ngại khi đi trên những cây cầu này. Bởi có cầu trong tình trạng bị xuống cấp và rất mất vệ sinh. Ví như cầu bộ hành trước cổng bệnh viện Bạch Mai, lớp nhựa bọc trên hệ thống cầu thang lên xuống hai bên bị bong tróc; những tấm ván ốp trần đã bị rơi, gây phản cảm cho người đi lại. Tại nhiều cây cầu khác thì rác thải, túi ni lông rơi vãi trên mặt cầu. Hai bên chân cầu thì bị người dân lấn chiếm, biến thành nơi bán hàng nước, nơi tụ tập của những người chạy xe ôm…

Không chỉ cầu vượt mà hầm dành cho người đi bộ cũng không được nhiều người sử dụng. Hầm Ngã Tư Sở dành cho người đi bộ là một ví dụ. Chị Lê Thị Thủy, quận Đống Đa, Hà Nội nêu lý do: “Nhà tôi rất gần Ngã Tư Sở nhưng tôi ít khi có ý định chọn sẽ đi qua hầm đi bộ để sang đường bởi vì có 1 lần tôi đi từ đường Láng sang bên Tây Sơn nhưng mà sau đó tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm lối đi ra mặc dù trong đó có những biển chỉ dẫn. Nhưng để sang đường thì mất rất nhiều thời gian so với việc đi qua đường ở phía bên trên. Hơn nữa nếu đi vào hầm trong lúc vắng vẻ thì tôi có cảm giác không an toàn”.

Để những cây cầu vượt dành cho người đi bộ có hiệu quả sử dụng cao nhất, thì việc chọn địa điểm hợp lý là rất cần thiết, giúp người dân đi lại thuận lợi, dễ dàng. Vì vậy, chủ đầu tư xây dựng các công trình này cần khảo sát kỹ để ưu tiên xây dựng cầu ở những nơi thật sự cần thiết. Đồng thời cần tăng cường quản lý, duy tu, bảo dưỡng, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, sử dụng cầu sai mục đích, tránh lãng phí.

Bà Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Chúng ta phải chọn, có kế hoạch quy hoạch xem giai đoạn 1, giai đoạn 2 cần xây dựng cầu ở điểm nào. Có 2 điều kiện để xây cầu đi bộ. Thứ nhất là nhu cầu đi bộ qua đường ở khu vực đó lớn. Thứ 2 là dòng giao thông trên đường đô thị đó đông xe và tốc độ cao. Nếu có 2 vế đó thì ta buộc phải xây dựng cầu đi bộ. Chứ nếu chỉ có 1 vế hoặc là nhu cầu đông nhưng lưu lượng giao thông thưa thì với ý thức của người dân chưa được cao như bây giờ thì người ta chọn phương án băng qua đường chứ không lên cầu thì hiệu quả sử dụng cầu không cao”.

Một điều không thể phủ nhận rằng, hiện nay ý thức của nhiều người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông. Vì thế, bên cạnh các biện pháp của các cơ quan chức năng, thì người tham gia giao thông nói chung, người đi bộ nói riêng, cần chấp hành Luật Giao thông để không những đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình mà còn góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi công cầu vượt nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh
Khởi công cầu vượt nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh

(VOV) -Cầu có chiều dài khoảng 300m, rộng 16m, cho 4 làn xe, dải phân cách ở giữa rộng 1m, tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng.

Khởi công cầu vượt nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh

Khởi công cầu vượt nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh

(VOV) -Cầu có chiều dài khoảng 300m, rộng 16m, cho 4 làn xe, dải phân cách ở giữa rộng 1m, tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng.

Hà Nội xây 34 cây cầu vượt sông trong năm 2013
Hà Nội xây 34 cây cầu vượt sông trong năm 2013

(VOV) -Phối hợp triển khai xây dựng 15 cầu đi bộ, trong đó có 7 cầu đang triển khai và 8 cầu xây dựng mới.

Hà Nội xây 34 cây cầu vượt sông trong năm 2013

Hà Nội xây 34 cây cầu vượt sông trong năm 2013

(VOV) -Phối hợp triển khai xây dựng 15 cầu đi bộ, trong đó có 7 cầu đang triển khai và 8 cầu xây dựng mới.