Chăm sóc người cao tuổi: Còn nhiều trăn trở

Cuộc sống của người cao tuổi (NCT) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực, công tác chăm sóc NCT còn nhiều hạn chế.

Theo kết quả Điều tra Biến động DS-KHHGĐ năm 2010 (của Tổng cục Thống kê), số người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt là độ tuổi 60 trở lên. Đến năm 2010, số người cao tuổi ở Việt Nam là 8,15 triệu người, chiếm 9,4% tổng dân số. Ước tính đến năm 2019, dân số già sẽ tăng gấp đôi, lên khoảng 16 triệu người, chiếm 19,6% dân số, và sẽ còn tăng lên 32 triệu người vào năm 2035. Ngoài ra, cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam có hiện tượng nữ hoá dân số già (phần lớn NCT là phụ nữ).  

Nhiều áp lực nhãn tiền...

Mặc dù Việt Nam có nhiều chính sách về NCT và là một trong số ít nước trên thế giới có Luật Người cao tuổi, nhưng sự gia tăng nhanh NCT khiến việc chăm sóc đang và sẽ là một áp lực, nhiệm vụ không thể lơ là của toàn xã hội. Bởi lẽ, già hóa dân số thì sức lao động giảm, trong khi hệ thống công ăn việc làm, an sinh xã hội cho nhóm này vẫn chưa đáp ứng được và ngày càng đòi hòi nhiều hơn, chất lượng hơn.

Theo Trung ương Hội NCT Việt Nam, chỉ 6% người cao tuổi có sức khoẻ tốt, phần lớn NCT sống với bệnh tật (trung bình 3-4 bệnh/người), đa số mắc bệnh mãn tính. 50% NCT không có thẻ bảo hiểm y tế. Những người ở nông thôn, miền núi (chiếm 70% NCT) rất ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Chăm sóc người cao tuổi đúng cách vẫn là điều cần bàn tại các gia đình

Ngay cả những thành viên trong gia đình và cộng đồng cũng thiếu kiến thức và nhận thức trong chăm sóc sức khoẻ NCT. Phần lớn họ chỉ sử dụng dịch vụ y tế khi đã quá đau yếu. Chỉ gần 10% NCT được kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Thực tế, khi sức khoẻ yếu kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của NCT và gia đình của họ.

Không những thế, nhịp sống xã hội, sự đô thị hoá đang ngày càng cuốn người lao động trẻ vào vòng xoáy kiếm sống tất bật hơn, thường xuyên đi làm ăn xa nhà. Sự di chuyển lao động này dẫn đến hệ quả mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ đang chuyển thành gia đình hạt nhân, không có người già, một bộ phận không nhỏ NCT đang phải sống cô độc.

Những quy chuẩn về đạo lý, nếp sống gia đình cũng thay đổi, yếu tố quần tụ chăm sóc, phụng dưỡng không còn nhiều. Thay vào đó, con cái quan tâm bằng cách gửi tiền, mua sắp đồ đạc cho bố mẹ, ông bà sống ở quê cho... “yên tâm”. Điều này tất yếu dẫn đến NCT (ông bà, cha mẹ của họ) sẽ thiếu đi sự chăm sóc chu đáo. Khi đó, họ dễ mặc cảm rằng mình bị bỏ rơi hoặc cảm thấy bị tổn thương... tuổi già.

Cạnh đó, trường hợp NCT được con cái hỗ trợ kinh tế nuôi sống tuổi già ở nước ta chưa nhiều. Có tới gần 42% số NCT thuộc hộ nghèo và cận nghèo, 2/3 số NCT Việt Nam không có khoản tiết kiệm nào cho tuổi già. NCT nào may mắn tiếp cận được hưởng thụ các quyền lợi hợp pháp của mình thì lại vướng thủ tục chậm, phức tạp, thậm chí thiếu công bằng.

Nhiều người cao tuổi vẫn phải tìm nhữg công việc phù hợp để nuôi bản thân hay gia đình

Tất nhiên, nhóm NCT này sẽ không có “tuổi hưu” hay “nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già” mà vẫn phải tiếp tục tham gia lao động sản xuất để tồn tại và hỗ trợ con cháu. Trong trường hợp này, “NCT lại gặp khó khăn khi tiếp cận vay vốn vì “chủ  nợ” sợ họ không có khả năng hoàn trả”- bà Phạm Tuyết Nhung, Trung ương Hội NCT cho biết.

Cần mô hình hữu ích

Mặc dù Luật Người cao tuổi đã chú trọng rất nhiều đến những quyền lợi mà  NCT được hưởng như chính sách phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCT, chính sách bảo trợ xã hội… nhưng kết quả thực hiện trên thực tế chưa cao. Hiện tại, ngoài chính sách của nhà nước, việc thực hiện công tác chăm sóc NCT đang dựa rất nhiều vào các mô hình CLB gắn với NCT do các tổ chức xã hội,... phối hợp thực hiện.

Tại Việt Nam có khoảng 22.000 CLB dành cho NCT, như CLB dưỡng sinh, thơ ca, sinh vật cảnh, thể thao,... Tuy nhiên, rất ít CLB có cách tiếp cận giúp đỡ nhóm NCT thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn.

Từ năm 2005, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng các đối tác Hội NCT, CASCD, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế, Atlantic Philanthropies đã thành lập gần 500 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam. Điểm nổi bật của mô hình là tính chất liên thế hệ và tự giúp nhau thoát nghèo, sống vui, khoẻ, có ích.

Đáng lưu ý, có khoảng 30% người trẻ tuổi, người biết làm ăn, gia đình khá giả, là nam giới. Cách tiếp cận này giúp thực sự hiểu biết, đồng cảm, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm.

Mô hinh CLB đạp xe đạp cũng được rất nhiều nơi thực hiện

Ông Trần Ngọc Quyền, đại diện Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế (Helpage), đơn vị nhiều năm tham gia hỗ trợ chăm sóc NCT Việt Nam đánh giá: “Công tác NCT ở Việt Nam có điểm mạnh là NCT tham gia rất nhiệt tình, chịu khó, việc thành lập nhanh, nhiều CLB. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là có nhiều mô hình rất tốt, nhưng chính sách hỗ trợ chưa tốt nên khả năng duy trì và nhân rộng không nhiều”.

Ông Quyền đưa ra gợi ý rằng, ở Bangladesh, khi trả những khoản nợ nước ngoài, Chính phủ xin trích lại % nhất định để hỗ trợ cho người nghèo, NCT và được các “chủ nợ” rất sẵn lòng. Và, ở Thái Lan hoặc Philippine, khi mở trung tâm chăm sóc NCT được hỗ trợ đất, miễn thuế, cho vay vốn ưu đãi,....

Nhiều năm qua, ở nước ta có nhiều mô hình về chăm sóc NCT, mô hình nào cũng thành công ở mức độ nhất định và cũng tồn tại nhiều nan giải, đặc biệt là kinh phí, đội ngũ tình nguyện viên, là sự rắc rối chồng chéo từ trên xuống dưới để rồi “cha chung không ai khóc” là luật, quy chế, chế tài xử lý,...

Trong Luật NCT Việt Nam, tại Chương II, mục 2, điều 13 có quy định trách nhiệm cho Trạm y tế xã, phường, cho UBND xã, phường việc tuyên truyền phổ biến kiến thức phổ thông về kỹ năng phòng chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ NCT, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ NCT, khám chữa bệnh cho NCT tại cơ sở khám chữa bệnh. Thậm chí, khám chữa bệnh tại nơi cư trú hoặc đưa người bị bệnh trọng, không có điều kiện, đi bệnh viện.

Việc thăm khám cho người cao tuổi vẫn còn nhiều khó khăn

Những quy định trách nhiệm này rất đúng, rất cần thiết nhưng sẽ quá tải nếu không tăng cường mọi năng lực cho trạm y tế xã.

Về điểm này, ông Nguyễn Thanh Thuỷ - Chủ tịch Hội NCT xã Hoá Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ: “Muốn phát triển mô hình chăm sóc NCT, quan trọng là phải duy trì được nó và hoạt động phải thực chất có ích. Chẳng hạn, nói về chăm sóc sức khoẻ, NCT ở nông thôn còn nhiều khó khăn, ăn uống đạm bạc, có gì ăn nấy. Khi mắc bệnh thì không có phương tiện, điều kiện và đặc biệt là không có tiền để khám chữa bệnh. Trong khi đó, trạm y tế xã là nơi gần nhất thì không đáp ứng được, bảo hiểm y tế thì khó khăn…”.

Như vậy, xét trong đặc thù tâm lý, truyền thống xã hội Việt Nam, không dễ và không nên thấy mô hình nào hay của nước ngoài cũng bắt chước được. Bởi, tâm lý người Việt Nam đa số người già thích chăm sóc tại nhà. Đây là vấn đề truyền thống, đặc biệt là tại nông thôn.

NCT nước ta thường có tâm lý sống với con cháu dù khó khăn mấy cũng vẫn thấy ấm lòng. Hơn nữa, những người có chấp nhận được mô hình điều dưỡng tập trung thì lại vướng giá cả thường cao, vượt quá khả năng chi trả của họ.

Cho nên, việc ra đời nhiều CLB, nhiều mô hình là tốt, thể hiện sự quan tâm đến NCT, nhưng cũng cần thận trọng và tập trung phát triển những mô hình thực sự hữu ích và có đầu tư thích đáng để ngày càng cải thiện chất lượng chăm sóc NCT./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên