“Chè Nhật” khoác áo “Cỏ ngọt Sa Pa” lừa người tiêu dùng

Mặc dù có sự cảnh báo của UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai về tác hại của “Chè Nhật Sa Pa” nhưng loại hàng này vẫn được bán vô tư với giá 50.000 đồng/gói.

Các gói “Chè ngọt Sa Pa” đều dán nhãn mác sơ sài giới thiệu về công dụng của chè ngọt là chống bệnh tiểu đường, huyết áp cao... nhưng lại không ghi địa chỉ nhà sản xuất và cơ sở kinh doanh dược liệu theo quy định của ngành y tế và cơ quan quản lý thị trường.

Dù UBND huyện Sa Pa đã nhiều lần ra văn bản cấm các cơ sở kinh doanh đông nam dược không được buôn bán chè này nhưng đã có không ít người hám lợi tìm cách lách quy định bằng cách gọi “Chè Nhật Sa Pa” là “Cỏ ngọt Sa Pa” để đánh lừa người sử dụng, nhất là khách du lịch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa hiện nay trên địa bàn huyện chưa trồng được cỏ ngọt, còn sản phẩm chè Nhật là do địa phương gieo trồng từ giống của Công ty Honso Nhật Bản liên doanh với Viện Dược liệu Trung ương để lấy lá làm nguyên liệu sản xuất ra loại thuốc hút không có chất nicotin từ năm 1992.

Chè Nhật trồng tại Sa Pa có tên khoa học là Hydrangea mac ro phylla Segingevarthunbergii Makino thuộc họ Tú cầu (Hy drangeare ae), còn cỏ ngọt có tên khoa học Stevia. Cây cỏ ngọt chưa được trồng ở Sa Pa. 

"Chè Nhật Sa Pa" gắn nhãn mác "Chè ngọt Sa Pa" để lừa khách hàng

Do giá cả mua bán sản phẩm chè Nhật không hợp lý nên Viện Dược liệu Trung ương không hợp tác với phía Nhật từ năm 2001 nhưng cây chè Nhật vẫn phát triển ở huyện Sa Pa từ đó đến nay.

Trong một dịp tới Sa Pa làm việc ông Tanaka- Giám đốc Viện Dược liệu Nhật Bản đã cho UBND huyện Sa Pa biết về tác hại của sản phẩm chè Nhật trồng tại Sa Pa đối với sức khoẻ con người. Cũng theo ông Tanaka giống chè này có xuất xứ từ Trung Quốc. Sản phẩm chủ yếu của loại chè này làm nguyên liệu chiết xuất hoá chất chống nấm mốc trên tường nhà, không thể dùng cho người.

Năm 2007, Viện Dược liệu Trung ương cũng đã có văn bản trả lời về tác hại của sản phẩm chè Nhật gieo trồng tại Sa Pa không thể sử dụng làm thuốc uống hoặc nước uống cho người vì độc tính trong lá khá cao.

Do lợi nhuận kinh tế cao và khách du lịch có nhu cầu mua khoảng 100.000 đồng/kg lá khô chè ngọt nên cây chè Nhật với tên gọi nhập nhèm là cây cỏ ngọt Sa Pa vẫn được 28 gia đình ở thị trấn Sa Pa gieo trồng với sản lượng 5.000 kg/năm.

Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến cho nhân dân biết tác hại của cây chè Nhật để sớm chuyển hướng gieo trồng thay thế bằng các loại cây trồng khác phù hợp với đồng đất Sa Pa từ năm 2012, nếu từ nay đến cuối năm 2011 các hộ còn sản phẩm chè Nhật phải bán cho một Công ty ở Hà Nội chế xuất thành sản phẩm phục vụ công nghiệp, nghiêm cấm mua bán sản phẩm chè Nhật với tên gọi là chè ngọt Sa Pa, khuyến cáo khách du lịch phân biệt cây chè ngọt với chè Nhật khi mua sản phẩm dược liệu để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên