Chuyện gặp trên đường

Nhiều người chỉ biết cúi đầu im lặng trước những hành vi thô lỗ, những lời nói cục cằn thiếu văn hóa của những người trong đội tự quản khi họ “lập lại trật tự” trên hè phố.

Đấy là 2 hay là 1 nhỉ? Hỏi ra thì biết đây là 2 chứ không phải 1. Một là những người tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự giao thông. Công việc trong những giờ cao điểm căng thẳng, bụi bặm, đầy hơi xăng nhớt, luôn có thể va chạm, không chỉ đứng lâu giữa đường, giơ tay hướng dẫn, có khi còn phải chạy, phải lớn tiếng. Sau mỗi buổi có được bồi dưỡng nhưng chẳng đáng là bao. Họ không bị bắt buộc vì không là con số biên chế nhất định.

Còn một là những người do phường tuyển nhưng do công an điều hành để vào đội tự quản. Những người này có mức lương khoảng 45 - 50 ngàn đồng/ngày. Đi dẹp hàng quán cho đường thông hè thoáng, để lập những tuyến phố văn minh. Mặc đồng phục, có băng đỏ hoặc có phù hiệu như thấy mình có thêm quyền lực. Người ta gần như ai cũng thích tỏ ra có quyền lực - lớn tỏ quyền với bé, khôn tỏ vẻ với dại...

Xe ô tô đến đầu chợ cóc đằng này thì cả chợ nháo nhác. Người bán bưng cuống cuồng. Người mua vội trả hàng, trả tiền, vội giúp người bán chạy. Những người đầu chợ không chạy kịp bị giật rổ rá, mấy mớ rau, quả, và nặng nhất là cái cân. Đến khi xe rẽ rồi, đâu lại vào đấy. Với những hàng cơm phở, giải khát để bàn ăn uống trên hè, xe dưới lòng đường, lọng cắm trên hè che mưa nắng thì xe đi đến, người nhảy xuống nhổ dù, nhặt quáng quàng, chiếu lệ vài bàn vài ghế vứt lên xe. Xe vừa qua hàng nào thì hàng ấy lại lục tục bày bán như cũ. Thỉnh thoảng họ lại đi qua một lần. Nhẹ nhàng thì vừa thu vừa nói. Mạnh thì giật, đạp, thậm chí văng tục bất kể đối tượng đó như thế nào, kể cả với bà cụ già bán vài mớ rau, củ, quả. Ai cho họ quyền thô lỗ như vậy? Chắc chẳng ai cho mà người đó tự cho mình cái oai ấy mà thôi. Đi dẹp cơ mà. Đã dẹp thì phải hành động, phải quát nạt. Nhưng tiền và quyền không được phép chà đạp lên nghèo và khó, lên tình người.

“Sao hôm nay bày ra nhiều thế, không sợ bị thu à?” - Cháu làm luật rồi. Luật gì? Luật vỉa hè. Luật bất thành văn. Nhớ xưa có câu vỉa hè là của nhân dân anh hùng. Bây giờ vỉa hè được sử dụng theo cơ chế thị trường, được điều hành theo cơ chế thoáng. Luật ấy áp dụng với người này mà không với người kia. Bắt thì lên xin, nộp tiền phạt mang về. Đâu vẫn đấy. Cửa hàng nào, công ty nào chiếm được đâu cứ chiếm. Không phải đường ta ta cứ đi mà đường ta, hè ta ta cứ bày. Lại một thứ quyền, quyền ít nhiều của người nộp luật.

Nhiều người bức bối khi chứng kiến những hành vi thô lỗ, những lời nói cục cằn thiếu văn hóa, thiếu nhân tính mà chỉ biết lặng im. Sự lặng im không là đồng tình. Nhưng phản kháng ư, chẳng đến đâu, lại có thể nhận thêm lời xúc phạm. Có người lặng lẽ nhặt giùm chút hàng rẻ mạt tóe tung.

Giá như 2 đối tượng tham gia tự quản là một và có một chế độ tiền lương thưởng thích hợp, tự nguyện đi liền vật chất. Có thể thêm một chút đóng góp với mỗi nhà để góp phần lập lại kỷ cương đường phố, để người bận việc này có người lo việc khác. Xã hội đã phân công, ai cũng phải tự mình cố gắng làm tốt, không thể trông chờ, đổ lỗi cho sự thực khách quan./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên