Di tích A Đon

Trong cuộc tấn công và nổi dậy Xuân 1968, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trương đưa một đài phát thanh vào Huế. Đó là Đài Phát thanh Huế giải phóng. Công việc này được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng A, tức CP-90 thực hiện.

Một đoàn cán bộ gồm 16 người do đồng chí Nguyễn Thành, quê ở Phú Lộc - Thừa Thiên Huế, cán bộ của CP-90 làm cố vấn, đồng chí Nguyễn Kim Cúc làm trưởng đoàn, đồng chí Bùi Hoài cán bộ kỹ thuật, làm phó trưởng đoàn cùng phương tiện lên đường vào A Lưới, huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn còn có các đồng chí: Bùi Thọ Tân, Nguyễn Vinh (phóng viên); Giám, Hoành, Oanh, Ngọc (kỹ thuật viên); Kim Vàng, Hồ Hiếu (phát thanh viên); Đặng Như Hoa, Mai, Uẩn, Thức (lái xe). Còn thiếu một người chưa xác định họ tên. Phương tiện để thành lập được chuyên chở trên 7 xe, gồm một xe phát xạ, một xe bá âm (thiết bị thu, ghi), ba xe tải (chở máy nổ, máy móc thiết bị, vật dụng...), một xe thông tin liên lạc và một xe commandcar. Ông Đặng Như Hoa (quê Bình Định) là đội trưởng đoàn xe và là người trực tiếp điều khiển chiếc xe to, cao gọi là “công trình xa” chở các thiết bị chính yếu của Đài.

Trận thử lửa đầu tiên của đoàn xe là ở cổng “Nhà Trời” miền tây Quảng Bình. Đoàn xe chạy chồm lên đá tảng, thân cây mà đi tới vì không thấy mặt đường rõ ràng. Có khi xe phải chạy ban đêm, không được bật đèn. Máy bay địch rượt theo thả bom. Rất may là cả đoàn xe an toàn. Tiếp đó là những trận mưa, xối xả, đường lầy lội khủng khiếp, cây cối đổ ngổn ngang. “Công trình xa” lại cao lêu nghêu, to lớn dềnh dàng, di chuyển khó khăn. Anh em vừa phải chống lầy, vừa phải thay phiên nhau ngồi trên trần xe chặt những cành cây cản đường. Qua bảy ngày đêm vượt bom đạn, đường lầy, đoàn xe đã vào được huyện A Lưới. Lúc này địch phản công trở lại gây rất nhiều khó khăn cho ta. Việc đầu tiên khi anh em dừng chân ở A Lưới là đào hầm bảo quản thiết bị. Rồi thử máy móc, thử sóng, liên lạc với cấp trên.

Đồng chí Nguyễn Thành và đồng chí Nguyễn Kim Cúc báo cáo với khu uỷ Trị Thiên về nhiệm vụ đưa đài phát thanh phục vụ cho chiến trường. Khu uỷ Trị Thiên tăng cường cán bộ tại chỗ cùng với đoàn cán bộ từ Hà Nội vào để thành lập Đài phát thanh Huế giải phóng. Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó ban Tuyên huấn Khu uỷ làm Giám đốc Đài, hai nhà báo Nguyễn Kim Cúc và Hồ Như Ý (tức Hồ Ánh Kỷ) làm Phó Giám đốc phụ trách nội dung, đồng chí Bùi Hoài làm Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật. Tổ phóng viên tăng cường thêm Trần Phương Trà (tức Trần Nguyên Vấn) và Nguyễn Khoa Như Ý từ Trường Văn hoá miền Tây Trị Thiên (sau này là nữ nhà văn Hà Khánh Linh). Phát thanh viên có giọng nữ là Đoan Trinh. Đồng chí Tân, quân y sỹ từ binh trạm 7 bổ sung vào lực lượng của Đài. Chi uỷ của Đài có các đồng chí: Bùi Hoài - Bí thư, Nguyễn Kim Cúc – Phó Bí thư, Đặng Như Hoa – Chi uỷ viên. Đồng chí Giám, một đảng viên trẻ được cử làm Bí thư chi đoàn.

Nhạc hiệu của Đài phát thanh Huế giải phóng là bản nhạc “Giải phóng miền Nam”. Nhạc hiệu thể hiện bằng đàn Mandolin nghe rất dã chiến, gợi nhớ không khí chiến trường, thôi thúc lòng người. Tuy nhiên, chiến sự ngày càng ác liệt. Ta có lệnh rút lui. Đài cũng di chuyển liên miên. Hết cúi Con Voi lại Cô CaLươi, rồi A Bia. Lại đào hầm giấu xe, thử sóng, làm studio phát thanh. Phải đào hầm xuyên núi đá để chịu đựng được với bom B52 của Mỹ.

Di tích còn lại của Đài phát thanh Huế giải phóng trong mùa Xuân 1968 là địa đạo A Đon. Khu di tích này ở xã Hồng Quảng, huyện A Lưới có hai khu vực: khu hầm xe máy và khu địa đạo. Riêng khu địa đạo vẫn còn khá nguyên vẹn. Địa đạo đào bên núi A Đon nên còn gọi là địa đạo A Đon. Địa đạo A Đon có ba cửa, hai cửa thông nhau, đường hầm khoảng 20 mét. Một trong hai cửa này bị lấp chút ít do bom rơi trúng gần cửa hầm. Đối diện hai cửa hầm này là cửa hầm thứ ba của địa đạo đã được đào và dự kiến sẽ thông với hai cửa địa đạo bên này núi. Tuy nhiên, do chiến sự ác liệt, Đài không hoạt động được, phải di chuyển nên cửa hầm thứ ba đào dở dang. Từ cửa địa đạo thứ ba nhìn ra là bãi rộng, nơi có hệ thống hầm cất giữ máy móc, phương tiện của Đài. Một nhân chứng có nhà gần bên di tích địa đạo A Đon là ông Quỳnh Nót, từng là cán bộ xã Hồng Quảng trong kháng chiến chống Mỹ. Ông cho biết: “Chúng tôi tập trung du kích cùng với bộ đội đào trong năm ngày  thì thông được hai cửa địa đạo”.

Cán bộ biên tập, phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, lái xe, bộ đội bảo vệ... sống, làm việc và chiến đấu trong hệ thống hầm và trong lòng địa đạo. Cán bộ nhân dân của Đài gọi đại đội bộ đội bảo vệ cho đài là các đồng chí vệ binh. Hai chữ “vệ binh” nghe thật thân thương và tin cậy. Đại đội vệ binh phần lớn là người dân tộc thiểu số, do anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Vai chỉ huy. Đơn vị vệ binh đóng góp rất nhiều cho việc đào hầm bảo vệ an toàn cơ quan Đài và vận chuyển máy móc thiết bị của Đài khi cơ quan chuyển địa điểm mới. Đồng chí vệ binh Xuân, quê ở Thanh Hoá đã hy sinh trong những ngày chiến đấu ác liệt này.

Có lần địch đổ bộ đúng vào địa điểm của Đài đang đóng, nhưng chúng chỉ ở trên đỉnh núi, rồi rút không dám xuống chân núi, vì biết quân ta đang ở trong hầm phía dưới sẵn sàng chiến đấu.

Đài vừa phát thử sóng được ba hôm thì đã thấy máy bay trinh sát L19 lượn vòng vèo rất thấp, thỉnh thoảng lại nghe những loạt đan rốc két nổ chát chúa. Lại tiếp tục đào địa đạo. Anh em vệ binh tăng cường công tác bảo vệ và chuẩn bị chống càn. Tiếp đó, máy bay địch ném bom na-pan với mật độ dày đặc. Cây rừng cháy rần rật, khói lửa mù mịt. Ít hôm sau, các loại máy bay thi nhau ném bom. Có cả máy bay B.52 ném bom rải thảm, đánh trúng vào khu vực đóng quân của Đài. Bom đạn địch chà đi xát lại, một số vệ binh thương vong. Lại thêm đói khát, sốt rét hành hạ... Điều lo lắng hơn là bị mất liên lạc với cấp trên đã bảy ngày đêm. Trước đó, cơ quan được phổ biến nếu không phát sóng được thì cố gắng bảo vệ máy móc chờ thời cơ; tin bài thì gửi cho Đài phát thanh giải phóng và các cơ quan thông tin khác. Đến ngày thứ tám cơ quan mới liên lạc với cấp trên. Đồng chí Trần Hoàn triệu tập anh em trong Đài và đơn vị vệ binh thông báo: “Cấp trên ra lệnh phải di chuyển cơ quan ngay. Có khả năng địch đổ bộ bằng trực thăng để càn quét. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu địch phát hiện ra cơ quan Đài, chúng chọn bãi đổ quân ngẫu nhiên đúng vào vị trí Đài đang đóng mà thôi”.

Do một cửa địa đạo bị sập, anh chị em rút đi bằng một cửa khác. Trong lòng địa đạo, y tá Tân quần quật lo cứu thương và chuyển những người bị thương đi trước. Toàn bộ máy móc được tháo rời từng bộ phận để di chuyển. Máy móc thiết bị của cả một Đài phát thanh đặt lên lưng anh em vệ binh và cán bộ công nhân viên. Mặt mày ai nấy lấm lem khói bom đạn, đất bùn và máu. Có những bộ phận máy móc tháo rời đến chi tiết cuối cùng rồi nhưng vẫn còn quá to và nặng. Tuy vậy ai cũng muốn mang đi cho hết, không để thiếu bộ phận nào. Chập tối, anh chị em lách mình qua địa đạo hành quân đến cơ sở mới. Cơ quan vừa chuyển đi thì rạng sáng ngày hôm sau một lữ đoàn Mỹ đã đổ bộ đúng vào khu vực địa đạo của Đài.

Núi rừng khu vực bị đánh tả tơi, cây cối đất đá ngổn ngang. Anh chị em hành quân ròng rã một ngày một đêm thì đến Cô Ca Lươi (núi Ca Lươi), thuộc vùng núi A Vao. Đài đóng địa điểm mới tại đây. Bộ đội công binh đánh bộc phá, mìn khoan núi để làm địa đạo. Khu vực Đài đóng gần bản Côn Doan và suối A Vao.

Ở A Lưới còn có một hầm chứa máy móc phát thanh của Đài phát thanh Huế giải phóng trong mùa Xuân 1968 đã được đặt tên là hầm “Hoàn Thành” (lấy tên của hai đồng chí Trần Hoàn và Nguyễn Thành ghép lại). Tiếc rằng, di tích ấy chưa xác định được vị trí chính xác.

Biết bao gian khổ, hy sinh để có Đài Phát thanh Giải phóng Huế. Dẫu rằng Đài chỉ phát được một thời gian rất ngắn do địch tập trung đánh phá ác liệt. Tuy nhiên, sự xuất hiện làn sóng phát thanh của Chính quyền cách mạng ngay trên chiến trường có một ý nghĩa lớn lao.

Ngày nay đường đi đến khu di tích A Đon rất thuận lợi. Con đường từ Huế lên thị trấn A Ngo (A Lưới) rải nhựa phẳng phiu càng thêm nhớ những ngày kháng chiến gian lao. Xe bon nhanh qua cầu Hồng Quảng, bắc qua sông Tà Linh. Dừng xe bên đường, đi bộ khoảng mươi phút thì đến địa đạo A Đon. Khu vực này giờ đây nhà cửa động vui, vườn cây ao cá liền kề. Trong dịp kỷ niệm 31 năm Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng (26/3/1975 – 26/3/2006) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp bằng công nhận khu địa đạo A Đon là di tích lịch sử và cách mạng cấp tỉnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên