Cánh đồng mẫu lớn- một niềm tin lớn

(VOV) -Những thành công và mục tiêu hướng tới của mô hình “cánh đồng mẫu lớn”đang mang lại cơm no, áo ấm cho người dân vùng ĐBSCL

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực cả nước. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước, vựa lúa miền Tây luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, chung lòng cùng người nông dân góp phần đưa sản xuất nông nghiệp đạt được những thắng lợi nhất định.

Giờ đây, với việc áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, người nông dân chân đất đã vui hơn khi những kết quả mang lại rất đáng phấn khởi. Niềm tin vào cách làm mới này càng mở ra một tương lai tốt đẹp cho người dân vùng đất chín rồng.

Ông Nguyễn Văn Tắc ở tỉnh An Giang phấn khởi cho biết nếu có nằm mơ ông cũng không nghĩ mình được như ngày hôm nay. Giờ đây, làm lúa với diện tích lớn nhưng ông rất thư thả. Bởi khi sắp thu hoạch thì nhà máy cho máy cắt về tận nơi, có kỹ sư nông nghiệp lo ghe chở lúa tươi về nhà máy sấy miễn phí. Nếu giá chấp nhận thì nhận tiền bán lúa. Còn không thì lưu kho chờ có giá thì bán.

Có thể nói, cánh đồng mẫu lớn, một mô hình sản xuất theo hướng tập trung đang dần được khẳng định kết quả mang lại về mặt kinh tế và xã hội. Tham gia mô hình này đời sống người trồng lúa có những thay đổi rõ rệt. Ở một số nơi trong tỉnh An Giang, mô hình này đang từng bước giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

Từ cách làm mang tính nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, với những quyết tâm và sự chung sức, chung lòng của các cấp chính quyền, người nông dân và hệ thống các doanh nghiệp, đến nay, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” triển khai tại ĐBSCL đã mang lại “tin vui”.

Vụ hè thu năm 2011 mô hình“cánh đồng mẫu lớn” được triển khai ở khu vực Nam bộ với diện tích hơn 8.000 ha, có khoảng 6.400 hộ tham gia. Kết quả mang lại khả quan khi giá thành sản xuất giảm, năng suất và chất lượng lúa tăng, giúp nông dân thu lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường. Vụ đông xuân 2011 - 2012, diện tích “cánh đồng mẫu lớn” được nâng lên gần 20.000 ha ở 12 tỉnh thành ĐBSCL và Tây Ninh.

Đến vụ hè thu năm ngoái, tổng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” tiếp tục phát triển lên trên 32.000 ha. Bộ NN-PTNT cho rằng, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã thỏa mãn các tiêu chí như: diện tích tiểu vùng phải bằng hoặc lớn hơn 300 ha; nông dân nhiệt tình và tự nguyện tham gia; có hình thức kinh tế hợp tác; đáp ứng về kỹ thuật canh tác và xây dựng được hình thức liên kết, dựa trên nền tảng của liên kết bốn nhà. Trong đó, hình thức liên kết được xem là yếu tố quyết định.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại những lợi ích rõ rệt: tăng thu nhập cho nông dân nhờ tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, lợi nhuận thu được cao hơn so với trước đây từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha (cá biệt có nơi đạt 170 triệu/ha); tăng tính cộng đồng, hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân trong canh tác.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Cánh đồng mẫu lớn có sự đột phá nhờ sự phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với người nông dân. Trong đó doanh nghiệp xây dựng hệ thống cơ sở vật chất mạnh. Qua đó, giải đáp một câu hỏi rất lớn là làm sao giúp nông dân giảm chi phí, nâng lợi nhuận và nâng cao cái quyền của người nông dân”.

Có thể nói, qua đúc kết bài học từ thực tiễn, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đem lại 10 lợi ích. Đó là tăng thu nhập, tăng tính cộng đồng cho nông dân, đồng đều giữa các nông hộ, vật tư đầu vào được cung ứng tốt, áp dụng đồng bộ các gói tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần hình thành tầng lớp nông dân mới.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, đơn vị tham gia mạnh trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cho biết: “Làm sao giải quyết bài toán tiêu thụ cho người dân là một trăn trở. Nếu làm không được thì nặng lòng lắm. Chúng tôi luôn mong muốn nâng cao hiệu quả nghề làm nông nghiệp, nâng cao giá trị hạt gạo”.

Tại Diễn đàn Hợp tác bốn nhà trong mô hình cánh đồng mẫu lớn tổ chức mới đây ở An Giang, nhiều chuyên gia nông nghiệp, các nhà hoạch định chính sách cho rằng để mô hình cánh đồng mẫu lớn đi vào thực chất, rất cần việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, tự nguyện và tự giác của chính người nông dân, vì lợi ích thiết thực của các bên tham gia, đặc biệt cần có cầu nối hiệu quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Nhà nước cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ giữa các bên tham gia về vốn, thuế….

Đặc biệt, nhằm giảm đến mức thấp nhất việc phá vỡ hợp đồng trong mô hình cánh đồng mẫu lớn thời gian qua, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong việc hoàn thiện thể chế hợp đồng kinh tế ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học.

PGS-TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng: “Vai trò của Nhà nước là làm chính sách thúc đẩy, khuyến khích mối liên kết ấy phát triển. Nhà nước đứng trên các mối quan hệ ấy để xử lý khi các chủ thể tham gia có mâu thuẫn”.

Từ các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, có thể nói, từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vựa lúa ĐBSCL đang phát triển đúng hướng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu. Giờ đây, với việc đẩy mạnh triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa đã tiếp tục thể hiện sức mạnh trong chỉ đạo, điều hành của các cấp và niềm tin của nông dân miền Tây với việc đưa hạt gạo Việt Nam vượt qua khó khăn, lập nên những kỳ tích mới. Hơn lúc nào hết, ĐBSCL đang cùng cả nước đưa thế mạnh nông nghiệp lên một tầm cao mới để phục vụ cho sự ấm no, phồn thịnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên