Hà Nội với nguy cơ thiếu điện

Nếu năm 2012 không có thêm trạm 220kV nào được đưa vào vận hành, Thủ đô sẽ phải tiết giảm điện với mức 15 - 20% phụ tải toàn thành phố

Tại một cuộc họp mới đây được tổ chức tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhiều đại biểu sửng sốt khi nghe thông tin, Thủ đô sẽ đối mặt với tình trạng tiết giảm điện với mức 15 - 20% phụ tải toàn thành phố năm 2012. Các khu vực ảnh hưởng lớn nhất bao gồm: Trung tâm Hà Nội, quận Long Biên, các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm.

Đi tìm nguyên nhân

Theo quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) giai đoạn 2006-2010, có xét đến năm 2015 đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt, trong giai đoạn 2006-2010, khối lượng các công trình lưới điện 220 - 110kV cần được xây dựng rất lớn. Tuy nhiên, mặc dù EVN và các đơn vị thành viên rất nỗ lực triển khai thực hiện nhưng khối lượng thực tế đạt được thấp hơn nhiều so với dự kiến quy hoạch.

Cụ thể, theo quy hoạch cần xây mới 6 trạm 220kV với tổng công suất 2.500MVA và hệ thống đường dây nhưng đến cuối năm 2010, chưa công trình nào được thực hiện. Với lưới điện 110kV, mới hoàn thành 4 trạm với tổng công suất 246MVA, có 3 trạm đã đưa vào vận hành. Khối lượng đường dây xây mới chỉ đạt 13,4% so với kế hoạch đề ra.

Điều đáng nói, với các công trình trọng điểm cấp điện cho Hà Nội trong năm 2010-2011, dù đã có văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công thương, UBND TP. Hà Nội nhưng đến nay, ngành điện mới chỉ đóng điện được 3/11 máy biến áp 220kV, cải tạo được 9/12 và xây mới 2/11 trạm 110kV, không xây mới được công trình ĐZ 220kV và 110kV nào. Hầu hết, các dự án triển khai bị chậm tiến độ. Nhiều dự án được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn thành, như đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ năm 2007 nhưng đến nay mới bàn giao được 5 vị trí móng.

Đề cập những nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng lưới điện 220kV và 110kV bị chậm trễ, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN chỉ ra, các dự án triển khai xây dựng mới gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thỏa thuận tuyến và đền bù giải phóng mặt bằng. Các đơn vị mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục thỏa thuận tuyến với các cơ quan chức năng địa phương về các công việc: thỏa thuận tuyến, đo vẽ mặt bằng tuyến và hành lang liên quan đến các bản đồ tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000.

Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch công trình cơ sở hạ tầng của địa phương thường xuyên được hiệu chỉnh, bổ sung nên các dự án điện cũng phải điều chỉnh tuyến đường dây, hướng tuyến bị thay đổi so với thỏa thuận ban đầu. Từ đây dẫn tới tình trạng tuyến đường dây liên tục phải chạy theo quy hoạch của địa phương. Một nguyên nhân nữa được ông Thanh đề cập tới, đó là việc phải phối hợp với nhiều dự án cơ sở hạ tầng liên quan tới nhiều ngành khác trong đó nhiều dự án không đồng bộ về tiến độ thời gian.

Còn ông Bùi Duy Dụng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết: “Thời gian thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài quá lâu. Trong khi việc quản lý đất đai ở các địa phương còn nhiều bất cập dẫn tới khó xác định nguồn gốc đất. Hơn nữa, đơn giá và chính sách đền bù hỗ trợ của địa phương còn thấp so với thực tế dẫn tới người dân khiếu kiện hoặc không nhận đền bù khiến cho ngành điện không thể có mặt bằng triển khai dự án…”.

Nguy cơ thiếu điện

Theo dự báo của EVN, giai đoạn 2011-2015, nhu cầu sử dụng điện của Hà Nội tăng trưởng bình quân 12,7%/năm. Với mạng lưới điện hiện nay, về cơ bản sẽ đảm bảo cấp điện cho TP. Hà Nội trong các tháng còn lại của năm 2011. Thế nhưng, với tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án lưới điện như hiện nay, nếu không có các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc, việc cung cấp điện cho TP. Hà Nội ngay từ năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn, công tác vận hành lưới điện có nhiều bất cập và xảy ra tình trạng quá tải trên lưới điện, việc cắt điện là không thể tránh khỏi.

Có một nghịch lý được EVN cảnh báo, nguồn điện không thiếu khi Nhà máy thủy điện Sơn La đã sẵn sàng nhưng với mạng lưới điện như hiện nay, tình trạng quá tải điện ở Hà Nội là khó tránh khỏi. Trường hợp không có thêm trạm 220kV nào được đưa vào vận hành, trong năm 2012 sẽ có 6/12 MBA 220kV, 4/14 đường dây 220kV và 21/58 MBA 110kV khu vực Hà Nội luôn trong tình trạng đầy và quá tải ngay trong chế độ vận hành bình thường. Thậm chí, một số quá tải trầm trọng lên tới 159%. Trường hợp quá tải điện xảy ra, hệ thống bảo vệ điện sẽ tự động ngắt hoặc ngành điện phải tiến hành tiết giảm điện bằng cách cắt điện luân phiên. Nguy cơ Hà Nội thiếu điện đang hiện hữu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên