“Hóa phép” cá trôi Ấn Độ thành cá linh non

Lợi dụng sở thích ăn cá linh non đầu mùa, một số thương lái ở An Giang đã đưa cá trôi Ấn Độ ra thì trường và nói dối là cá linh non.

Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP Long Xuyên, Chi cục Thủy sản An Giang phát hiện nhiều tiểu thương bày bán một loài cá có hình dạng, kích thước giống cá linh non.

Thực chất đây không phải là loài cá linh non bản địa của vùng sông nước Cửu Long mà là giống cá Rohu - một loài trong giống cá trôi của Ấn Độ nhập vào Việt Nam.

Vì hám lợi, nhiều chủ cá đã thu mua loài cá này với giá 70.000 đồng/kg rồi bán cho người tiêu dùng với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg.

“Cá linh non” được bày bán tại các chợ ở TP Long Xuyên mấy ngày qua với giá 150.000 đồng/kg (Ảnh: TN)

Cá trôi Ấn Độ khi còn nhỏ (cỡ đầu đũa) nhìn rất giống cá linh non. Đặc biệt, với người ít nhìn thấy loài cá này rất dễ nhầm. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn có một số đặc điểm để phân biệt hai loại cá này là: cá trôi Ấn Độ có đầu to, mình dẹp, vây kỳ màu xanh, đuôi màu đen, hàng vảy trên sống lưng màu sậm đen. Trong khi cá linh có đầu mình thon tròn, vây kỳ và cả mình đều màu trắng bạc, đuôi trắng trong.

Theo ông Trần Anh Dũng - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cá trôi Ấn Độ được nhập vào Việt Nam từ những năm 80 nhưng do không có giá trị kinh tế vì thịt không ngon, nhiều xương nên ít được thả nuôi ở các tỉnh ĐBSCL. Nay lợi dụng sở thích ăn cá linh non vào đầu mùa nước nổi của người tiêu dùng, một số thương lái đã mua cá Rohu giống để bán lại cho các chủ vựa cá bán ra các chợ.

Còn cá linh non tự nhiên hiện nay ngay cả ở đầu nguồn vẫn chưa khai thác được cho nên có thể khẳng định cá linh non bán ở chợ thực ra chỉ là cá trôi Ấn Độ.

Thông tư của Bộ NN&PTNT quy định sau ngày 31/8 mới được phép khai thác cá linh non. Như vậy, việc mặt hàng này được bán rộng rãi trên thị trường không chỉ ở An Giang mà còn ở một số tỉnh ĐBSCL hiện nay là bất hợp lý, cần được các ngành chức năng kiểm tra, xử lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên