Hộp bánh 2,8 triệu đồng

Với những hộp bánh đắt tiền kiểu như thế, thì rất dễ khiến trẻ em có cái nhìn khác đi về ý nghĩa của bánh Trung thu. Làm mất đi giá trị, ý nghĩa của bánh Trung thu trong mắt con trẻ là lỗi không thể tha thứ của người lớn.

Tết Trung thu năm nay, các nhà kinh doanh bánh ở Việt Nam lại tiếp tục tung ra thị trường những hộp bánh đắt tiền. Đầu bảng là hộp bánh bạch kim của khách sạn Hilton Hà Nội có giá 2,8 triệu đồng, tiếp sau là bánh của nhà hàng Long Đình có giá 80 USD, của khách sạn Daewoo Hà Nội cũng cỡ 1 triệu đồng. Những con số đó hẳn khiến những người làm công ăn lương như chúng ta trong thời buổi kinh tế chật vật này không khỏi giật mình…

Trung thu là dịp để nhận quà và tặng quà cho trẻ em. Hẳn nhiên là thế. Thế nhưng, với cái giá 2,8 triệu đồng một hộp bánh Trung thu thì hình như lại không phải thế. Ngàn đời nay, dưới ánh trăng vằng vặc, thế giới thần tiên trong đêm phá cỗ Trung thu của trẻ em không hề lung linh huyền ảo bởi những chiếc bánh đắt tiền đến tê lòng người lớn như thế. Người lớn chúng ta đều đã trải qua những đêm Trung thu như thế nên quá hiểu điều đó. Vậy những chiếc bánh đắt tiền được sản xuất ra để làm gì? Không phải nghĩ lâu, trong chúng ta ai cũng có thể trả lời được ngay - Để “giải quyết” quan hệ giữa người lớn với người lớn. Đó là “quan hệ” giữa cấp dưới với cấp trên, giữa bên A với bên B… Và như thế, trẻ con thơ ngây trở thành cái cớ để người lớn mưu đồ.

Về hình thức, biếu nhau hộp bánh trong ngày Tết Trung thu không có gì đáng lên án, mối quan hệ giữa con người với con người luôn cần những hành động như thế để xích lại gần nhau. Nhưng khi nghĩa cử tốt đẹp đó bị biến tướng  thành quà cáp, biếu xén để người lớn trục lợi thì đúng như nhà văn Băng Sơn đã chua xót nói: “Tôi sẽ cảm thấy rất buồn nếu người ta mượn chiếc bánh Trung thu ấy để làm “vỏ bọc” cho một món quà khác mà giá trị tính bằng USD hoặc hơn thế nữa. Điều đó làm méo mó giá trị truyền thống của ngày Tết Thiếu nhi”.

Vâng! Với những hộp bánh đắt tiền kiểu như thế, thì rất dễ khiến trẻ em có cái nhìn khác đi về ý nghĩa của bánh Trung thu. Làm mất đi giá trị, ý nghĩa của bánh Trung thu trong mắt con trẻ là lỗi không thể tha thứ của người lớn. TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Có những loại bánh kẹo người ta dùng quanh năm nhưng bánh Trung thu thì mỗi năm chỉ có một lần, cũng như Tết Nguyên đán có bánh chưng. Thực chất, loại bánh này dành cho trẻ em bởi trên bánh mang nhiều hình thù các con thú ngộ nghĩnh. Đến Tết Trung thu, người ta lại mang bánh ra cho trẻ con phá cỗ, trông trăng, kèm vào nhiều hoạt động khác như rước đèn ông sao, múa sư tử...”.

Hỡi người lớn! Hãy trả lại giá trị vốn có bao đời nay của bánh Trung thu cho trẻ em./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên