Kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Tự động hóa là một tiêu chuẩn mới của các xét nghiệm Giải phẫu bệnh. Ngoài ra, quy trình tự động hóa còn được kết hợp với kỹ thuật mới - Silver In Situ Hybridization (SISH).

Hội thảo chuyên đề Tự động hóa và ứng dụng kỹ thuật mới Silver In Situ Hybridization (SISH) trong chẩn đoán và hướng dẫn chọn lựa phác đồ hóa trị ung thư diễn ra vào chiều 13/11 tại TP HCM.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 chỉ sau các bệnh tim mạch. Hằng năm thế giới có trên 6 triệu người mắc bệnh và khoảng 5 triệu người chết vì ung thư.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê tổng thể, nhưng các chuyên gia ước tính mỗi năm phát hiện khoảng 150.000 ca ung thư mới mắc và có 75.000 ca ung thư tử vong. Đáng chú ý, so với 10 năm trước đây, số người mắc mới căn bệnh nan y này hiện đang gia tăng rất nhanh. Chỉ tính riêng đối với nam giới, tỷ lệ mới mắc ung thư ước tính năm 2010 là 181,3/100.000 người, cao hơn nhiều so với năm 2000 là 141,6/100.000 người.

Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị và theo dõi tiên lượng bệnh nhân ung thư, các thầy thuốc chuyên ngành ung bướu rất cần có chẩn đoán chính xác; không những chỉ là chẩn đoán xác định bệnh, mà còn cần biết các đặc điểm chuyên sâu của từng loại ung thư. Chỉ có các xét nghiệm sinh học phân tử trong chuyên ngành Giải phẫu bệnh học mới có thể đáp ứng được những yêu cầu trên.

Tế bào ung thư đại trực tràng có gene EGFR bình thường

Để thực hiện được tốt nhất các xét nghiệm này, ngành giải phẫu bệnh cần ứng dụng các tiến bộ khoa học, hiện đại hóa quy trình kỹ thuật. Do đó, các trang thiết bị tự động hóa đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng. Giáo sư Nguyễn Sào Trung, Trưởng khoa Y - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Với các ưu điểm như rút ngắn thời gian xét nghiệm, cung cấp kết quả chính xác, hệ thống tự động rất hữu ích trong phục vụ cho các xét nghiệm chuyên sâu, giúp cho việc theo dõi tình trạng bệnh sau điều trị được dễ dàng và chính xác hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ nhiễm chéo mẫu bệnh và các sai sót dễ gặp phải trong quy trình nhuộm thủ công”.

Tự động hóa là một tiêu chuẩn mới của các xét nghiệm Giải phẫu bệnh. Ngoài việc chuẩn hóa quy trình chẩn đoán, hệ thống tự động còn cho phép rút ngắn quy trình xét nghiệm chỉ còn 3 giờ, giảm hơn một nửa so với quy trình thủ công, nhờ vậy giúp giảm đáng kể thời gian trả kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, quy trình tự động hóa còn được kết hợp với kỹ thuật mới - Silver In Situ Hybridization (SISH).  Kết quả của xét nghiệm SISH được sử dụng để xác định tình trạng bệnh nhằm cân nhắc sử dụng các liệu pháp điều trị hiệu quả và phù hợp nhất.

Tế bào Ung thư vú có gene HER2 bình thường

Theo Bác sĩ Walk, Giám đốc Y Khoa Tập đoàn Ventana Medical Systems, “Cùng với việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, ngành Giải phẫu bệnh đang hướng đến vai trò bao quát và  cung cấp nhiều hơn nữa thông tin bệnh của khối u biểu hiện ở mức độ từng tế bào riêng biệt”. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp kháng thuốc hoặc quá mẫn cảm với thuốc.

Hơn 100 bác sĩ chuyên khoa ung bướu ở TP HCM đã đến dự hội thảo này. Hội thảo do Roche Diagnostics tổ chức. Ông Rod Ward, Giám Đốc Roche Diagnostics Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết luôn luôn cung cấp các giải pháp chẩn đoán, không chỉ dành cho các phòng xét nghiệm quy mô lớn, mà cả các phòng xét nghiệm vừa và nhỏ, cũng như các công cụ chẩn đoán tại nhà dành cho bệnh nhân nói chung.”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên