Liệu có khởi tố vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2

VOV.VN -Nhiều người mong đợi sẽ có một vụ án điểm về thủy điện đủ sức răn đe hàng loạt chủ đầu tư khác, hạn chế những quả “bom nước” treo trên đầu dân.

Trong một cuộc họp chiều 5/8 giữa UBND tỉnh Gia Lai và Bộ Công thương, đã nêu những sai phạm liên quan đến việc đê quai của thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ khiến hàng triệu mét khối nước tích trong lòng hồ ụp xuống hạ lưu, tạo thành một trận lũ quét kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Nguyên nhân đầu tiên được xác định là do chủ đầu tư đã không tuân thủ quy trình, quy định về thiết kế tổ chức thi công và không thực hiện chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ đầu tư đã tiến hành thi công đê quai khi chưa được sự cho phép của tỉnh. Khi phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ và chỉ được phép thi công khi được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện theo đúng các chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.

Bản báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai về sự cố vỡ đê quai thủy điện Ia Krêl 2 cũng nêu lên sai phạm của đơn vị giám sát, đơn vị thi công khi không thực hiện đúng chức năng giám sát và không tuân thủ thiết kế thi công.

Một số sai phạm có bị lãng quên?

Cần nhắc lại, trong kết luận của đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai cuối tháng 6/2013, việc thi công không đúng với thiết kế là nguyên nhân chính dẫn đến vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 năm 2013.

 
Thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ lần hai
Theo bản vẽ thiết kế, toàn bộ phần mái của thân đập phía bên trong lòng hồ có một lớp xi măng chống thấm dày 20cm trên tổng chiều dài khoảng 250m nhưng các đơn vị thi công bỏ qua công đoạn này.

Toàn thân đập đều được làm bằng đất và trồng cỏ. Qua đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục cho xây dựng lại công trình với điều kiện là bỏ đập cũ và phải làm mới hoàn toàn thân đập.

Thế nhưng, không rõ lý do vì sao, vào đầu mùa mưa vừa qua, chủ đầu tư cho thi công một cái gọi là đê quai để bảo vệ phần thân đập đúng ra phải loại bỏ hoàn toàn.

Lo sợ các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai “quên” nguyên nhân cốt lõi dẫn đến vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần một là thi công sai thiết kế dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện - Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương sau khi đi kiểm tra hiện trường thủy điện Ia Krêl 2 đã điểm lại để các sở ngành địa phương lưu ý.

 
Lũ quét do thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ lần hai cuốn trôi cây cối về hạ nguồn
“Qua đi kiểm tra thực tế, nhìn chất lượng công trình, tôi có hỏi thiết kế đập tràn gì, các đồng chí có thông tin là đập tràn bê tông độn đá hộc, nhưng thực tế ở trong lõi đập tràn ấy rất ít bê tông, mà chủ yếu gần như là xếp đá. Cho nên, tôi đánh giá, ngay bản thân công tác quản lý chất lượng trong quá trình xây dựng, ngay ở giai đoạn 1 trước đây bị sự cố thì chưa được quan tâm đầy đủ. Tôi cũng đề nghị, sau này các sở ban ngành của tỉnh Gia Lai kiểm tra đánh giá luôn đợt 1, bởi vì đây là đánh giá toàn bộ sự tuân thủ pháp luật, các quy định về xây dựng cơ bản của chủ đầu tư và của các đơn vị liên quan.” – Ông Đỗ Đức Quân nói.

Chủ đầu tư đưa tính mạng người dân đánh bạc với tử thần?

Với việc chủ đầu tư tiến hành thi công đê quai tạm để bảo vệ thân đập chính, nhiều người, dù không có chuyên môn về thủy điện đã bật cười vì sự ngô nghê này. Bởi họ hiểu một cách đơn giản rằng, cái thân đập chính còn bị vỡ thì cái đê quai làm tạm, làm sao có thể đủ sức chịu đựng với áp lực của hàng triệu mét khối nước.

Nhưng có thật là chủ đầu tư ngô nghê hay họ đã đem tài sản tính mạng của hàng trăm hộ dân phía hạ nguồn “đánh bạc” với tử thần.

Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, hiểu rất rõ về tình hình của chủ đầu tư khi đã hoàn thiện các hạng mục về nhà máy, chỉ còn đợi tích nước phát điện, phân tích: “Họ ẩu là ẩu chỗ đó. Họ sợ khi làm đập chính xong là nước trong hồ cạn đi, xong mùa mưa thì không còn nước để vận hành máy. Khi đập xong thì phải có ít nước trong đó, tức là họ ham là phải tích một phần chứ không muốn cho chảy đi, nhưng do tính toán của họ trật đi. Đó gọi là an gian để lấy nước.”

 
Bộ trưởng Bộ Công thương VŨ Huy Hoàng đã có những chỉ đạo quyết liệt khi làm việc tại Gia Lai

Nếu thật sự, chủ đầu tư đem tài sản, tính mạng của nhân dân “đánh bạc” với tử thần, hẳn phải có lý do giải thích cho sự liều lĩnh đến mức như vậy.

Sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tháng 6/2013, ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo long thừa nhận với phóng viên, công ty đã kiệt quệ về tài chính ngay từ năm 2012, không đủ khả năng để tiếp tục thi công, buộc phải chạy vạy đi vay các ngân hàng.

Đầu mùa mưa vừa qua, khi phát hiện những sai phạm trong thi công, tích nước thủy điện Ia Krêl 2 khi chưa được phép, lại là ông Nguyễn Ngọc Ẩn thừa nhận, chủ đầu tư đã nôn nóng, vội vàng.

Cơ quan quản lý dung túng cho những sai phạm?

Sự nóng vội bất chấp các quy định Nhà nước của chủ đầu tư đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền cơ sở từ cấp xã đến cấp huyện. Theo đó, đã có những kiến nghị gửi lên các cấp, các ngành có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai để ngăn chặn những hành vi sai trái của chủ đầu tư.

Khi những sai phạm của chủ đầu tư được cơ sở báo cáo, UBND tỉnh Gia Lai đã có những chỉ đạo quyết liệt thông qua các công văn số 1687/UBND-CNXD ngày 15/5/2014 và 1830/UBND-CNXD ngày 23/5/2014. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh, mà trực tiếp là Sở Công thương tỉnh đã vào cuộc.

“Khi mà các cơ quan quản lý nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện thì UBND đã chỉ đạo rất quyết liệt. Trong quá trình thi công, các sở: Công thương, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Xây dựng, UBND huyện Đức Cơ đã có 7 lần kiểm tra và quá trình kiểm tra đều có lập biên bản, cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư. Nhưng mà sau khi nhắc nhở rồi, lập biên bản rồi, nhưng mà sau khi đi về rồi thì chủ đầu tư tiếp tục làm.

 
Ông Huỳnh Ngọc Tục – Giám đốc Sở Công thương Gia Lai
Về phía trách nhiệm cảu Sở Công thương, chúng tôi cũng xác định rõ trách nhiệm của mình là không được cương quyết.” - Giám đốc Sở Công thương Gia Lai, ông Huỳnh Ngọc Tục nói.

Có đến 7 lần kiểm tra, lập biên bản nhưng sai phạm đâu vẫn hoàn đó, để rồi xảy ra sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng đến hạ lưu, nhiều người đặt câu hỏi, có phải các cơ quan quản lý không cương quyết hay bất lực hay dung túng cho những hành vi sai phạm của chủ đầu tư? Câu hỏi này cần một lời giải thích rõ ràng của Sở Công thương tỉnh Gia Lai và các cấp có thẩm quyền.

Liệu có thể khởi tố sai phạm?

Mới đây, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc điều tra nguyên nhân vụ vỡ đê quai thủy điện Ia Krêl 2 vào sáng 1/8. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan, có thể phải sử dụng các biện pháp pháp luật nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Mặc dù quy mô của công trình thủy điện này nhỏ, công suất thiết kế chỉ 5,5MW, nhưng khi xảy ra sự cố ít nhiều nó đều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng hạ du. Cho nên, dù quy mô công trình nhỏ nhưng cũng cần được xem xét một cách hết sức cụ thể để đảm bảo việc thực thi pháp luật cho nghiêm túc. Thứ hai, việc xảy ra này cần phải được giải quyết, khắc phục theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những sai phạm trong phát triển thủy điện, nhất là những công trình mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại cho người dân thì cần phải được xử lý một cách hết sức nghiêm túc và khẩn trương, làm bài học cho những chủ đầu tư khác.”

Theo lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhiều người mong đợi sẽ có sự vào cuộc điều tra một cách nghiêm túc của các cơ quan chức năng về vụ vỡ đê quai thủy điện Ia Krêl 2.

Trên hết, với những sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Công nghiệp và thủy điện Bảo Long, nhiều người mong đợi sẽ có một vụ án điểm về thủy điện đủ sức răn đe hàng loạt chủ đầu tư khác, hạn chế những quả “bom nước” treo trên đầu dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, nhiều hộ dân sẽ lâm cảnh đói nghèo
Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, nhiều hộ dân sẽ lâm cảnh đói nghèo

VOV.VN - Hơn 400 ha cây trồng gồm cao su, cà phê, hồ tiêu và hoa màu của gần 200 hộ dân ở phía hạ nguồn bị thiệt hại nặng nề, gần như không thể khôi phục. Thiệt hại ước tính là nhiều tỷ đồng. 

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, nhiều hộ dân sẽ lâm cảnh đói nghèo

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, nhiều hộ dân sẽ lâm cảnh đói nghèo

VOV.VN - Hơn 400 ha cây trồng gồm cao su, cà phê, hồ tiêu và hoa màu của gần 200 hộ dân ở phía hạ nguồn bị thiệt hại nặng nề, gần như không thể khôi phục. Thiệt hại ước tính là nhiều tỷ đồng. 

Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai: Tan hoang sau lũ quét
Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai: Tan hoang sau lũ quét

VOV.VN - Cả một vùng rộng lớn cây trồng, hoa màu dọc theo suối Ia Krêl với chiều dài suốt 10km đã trở nên tan hoang, xơ xác.

Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai: Tan hoang sau lũ quét

Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai: Tan hoang sau lũ quét

VOV.VN - Cả một vùng rộng lớn cây trồng, hoa màu dọc theo suối Ia Krêl với chiều dài suốt 10km đã trở nên tan hoang, xơ xác.

Sự cố tại Thủy điện Ia Krêl 2: Có thể khởi tố sai phạm?
Sự cố tại Thủy điện Ia Krêl 2: Có thể khởi tố sai phạm?

VOV.VN - Theo Bộ Công Thương, sự cố tại Thủy điện Ia Krêl 2 lần này không phải vỡ đập, là vỡ đê quai, nhưng là sự cố nghiêm trọng.

Sự cố tại Thủy điện Ia Krêl 2: Có thể khởi tố sai phạm?

Sự cố tại Thủy điện Ia Krêl 2: Có thể khởi tố sai phạm?

VOV.VN - Theo Bộ Công Thương, sự cố tại Thủy điện Ia Krêl 2 lần này không phải vỡ đập, là vỡ đê quai, nhưng là sự cố nghiêm trọng.

Yêu cầu xử lý vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tại Gia Lai
Yêu cầu xử lý vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tại Gia Lai

VOV.VN -Vụ vỡ đập này một lần nữa dấy lên lo ngại cho an toàn vùng hạ du các thủy điện nhỏ. 

Yêu cầu xử lý vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tại Gia Lai

Yêu cầu xử lý vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tại Gia Lai

VOV.VN -Vụ vỡ đập này một lần nữa dấy lên lo ngại cho an toàn vùng hạ du các thủy điện nhỏ.