Miền Trung đối phó với lũ

Trong các ngày qua, do mưa lớn nên xuất hiện lũ lớn trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt lũ trên một số sông đã lên mức trên  báo động 3.

>> Lũ đang lên ở các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế

Đến 16 giờ ngày 3/10, mực nước  Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ là 14,56m, trên báo động 3: 1,39m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm là 10,27m, trên báo động 1: 0,83m. Một số sông khác cũng đang ở mức báo động 2 và 3 là Sông La tại Linh Cẩm, sông Gianh tại Mai Hoá, sông Kiến Giang tại Lệ Thuỷ, sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn, sông Bồ tại Phú Ốc và sông Hương tại Kim Long.

Dự báo, đến đêm 3/10 và sáng 4/10, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên, riêng sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và sông Gianh (tại Quảng Bình) lên mức rất cao.

Các sông khác cũng ở mức báo động như: sông La tại Linh Cảm là 5,2m dưới mức báo động 2: 0,3m; sông Gianh tại Mai Hoá: 8,5m, trên mức báo động 3 là 2m; sông Kiến Giang tại Lệ Thuỷ lên mức 2,7m, ở mức báo động 3; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 5,5m ở mức báo động 3; sông Hương tại Huế là 3,5m, ở mức báo động 3 và sông Bồ tại Phú Ốc là 4m, dưới mức báo động 0,5m.

**Mưa lớn chia cắt huyện Minh Hóa – Quảng Bình

Hiện nay ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa lớn. Riêng huyện miền núi Minh Hoá mưa rất to, lượng mưa đo được 2 ngày qua có nơi đạt trên 400 mm, gây ngập lụt cục bộ trên diện rộng.

Các xã Thượng Hoá, Tân Hoá, Hoá Tiến, Hoá Hợp và thị trấn Quy Đạt, nước đã tràn vào nhà dân, có nơi ngập sâu từ 0,5 - 1m.  Trong đó, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các xã Thượng Hoá, Hoá Tiến, Trọng Hoá đã bị ngập sâu trong nước, giao thông bị tắc hoàn toàn. Nước lũ đã làm cô lập toàn bộ 3 bản gồm hơn 140 hộ đồng bào Rục ở xã Thượng Hoá.

Ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Các vùng đồng bào dân tộc được hưởng chế độ theo nghị quyết 30a của Chính phủ, nên gạo, thực phẩm đã sẵn sàng. Chúng tôi chỉ đạo các xã có bà con ở vùng thấp và các khu vực khe suối thì thực hiện di dời. Đặc biệt như xã Tân Hoá là xã sâu nhất đã tổ chức cho bà con chuyển hộ gia đình ở vùng ngập lên cao. Đến nay chưa có thiệt hại về người.”

Huyện Minh Hoá đã cử nhiều đoàn cán bộ về tận các xã vùng ngập lụt giúp dân sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em từ vùng ngập lụt lên các xã vùng cao và triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tuy nhiên, nếu mưa to tiếp tục kéo dài hết đêm nay, 3/10, thì toàn bộ các xã vùng ven sông, ven suối trong huyện Minh Hoá sẽ bị ngập lụt nặng. Mưa lũ cũng đã làm nhiều tuyến đường giao thông trong huyện bị ngập, chia cắt và tắc nghẽn.

** Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương khẩn cấp di dời dân vùng thấp trũng, vùng ven sông, sạt lở vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; Triển khai các biện pháp bảo vệ các công trình giao thông hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang thi công. Đến 17h chiều 3/10 đã có 800 người già trẻ em vùng xung yếu được di dời đến nơi an toàn, tránh lũ.

UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo đến 19h tối 3/10 phải hoàn thành việc di dời 2000 dân vùng ven sông sạt lở, vùng nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn. Tối 3/10, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp, triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ.

** Tại tỉnh Bình Ðịnh hiện có 8.103 tàu, thuyền; trong đó 3.155 tàu thuyền đang đánh bắt hải sản ngoài khơi. Hầu  hết  chủ  tàu,  thuyền đã nhận được liên lạc với đất liền, nắm bắt tình hình của vùng áp thấp nguy hiểm ngoài biển Đông và đang tìm nơi trú ẩn.

UBND tỉnh Bình Ðịnh có công văn khẩn cấp yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn khẩn trương triển khai biện phòng, chống mưa lũ.

**Trước tình hình diễn biến phức tạp của lũ tại miền Trung, chiều 3/10, Ban chỉ đạo phòng chống bão Trung ương -  Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện số 28, gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận và các bộ, ngành: Công thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Tập đoàn điện lực Việt Nam, thông báo:

Trong mấy ngày qua ở các tỉnh Nghệ An đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 2/10/2010 đến 13h ngày 3/10/2010 phổ biến từ 100mm - 200 mm, một số nơi có mưa lớn, như: Chu Lễ (Hà Tĩnh): 269mm, Hoà Duyệt (Hà Tĩnh): 214mm, Đồng Tâm (Quảng Bình): 610mm, Trường Sơn( Quảng Bình): 442mm, Khe Sanh (Quảng Trị): 260mm, Đắc Rông( Quảng Trị): 250mm, Bình Điền (Thừa Thiên Huế): 262mm. Hiện tại, mưa vẫn còn tiếp tục và có xu hướng mở rộng ra Thanh Hoá.

Lũ các sông đang lên, đến 13h ngày 3/10 ở mức báo động 1, báo động 2, dự báo tối và đêm nay, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3, đặc biệt lũ trên các sông Gianh tại Mai Hoá có thể lên trên báo động 3 khoảng 2,0 m. Nhiều hồ chứa nước  đã tích đầy; riền hồ thuỷ điện Hố Hô (Quảng Bình- Hà Tĩnh) mực nước đã tràn qua đỉnh đập hơn 1,0 m.

** Để chủ động các biện pháp phòng chống mưa, lũ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:

1-  Triển khai phương án chống lụt theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát, các khu dân cư, ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người và tài sản.

2- Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

3-Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước của các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối đến công trình. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời.

4-Bộ Công thương chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xử lý đảm bảo an toàn đập thuỷ điện Hồ Hô.

5-Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lũ, nắm vững thông tin và báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên