Năm Dần thăm miếu Ông Cọp

Miếu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên…

Địa danh miếu Ông Cọp từ lâu đã được nhiều người biết đến khi đi trên đường thiên lý Bắc-Nam, nằm tại khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Gắn với nhiều truyền thuyết dân gian độc đáo, miếu Ông Cọp đã tồn tại ít nhất 400 năm nay trong quần thể di sản Vịnh Xuân Đài-Thành An Thổ-Chùa Đá Trắng đậm nét nhân văn của một thời mở cõi… Đây cũng là địa chỉ du xuân của nhiều khách thập phương...  

Dung dị tâm linh

Trước khi tận mục miếu Ông Cọp, chúng tôi chỉ biết loáng thoáng rằng ở đó hiện còn vết tích thờ thần Cọp và chắc là nhiều bô lão ở đây vẫn còn lưu giữ các truyền thuyết liên quan.

Dừng chân ở km 1282 tại Bình Thạnh, ghé vào quán cà phê ven đường, thật may mắn khi chúng tôi hỏi thăm thì đúng địa điểm nằm kề miếu Ông Cọp. Chủ quán cà phê là Trần Văn Tủy (thường gọi là Thủy, 40 tuổi) chính là người đang nối tiếp các bậc tiền nhân trông coi ngôi miếu Ông Cọp đang nằm trên phần đất của gia đình. Ban đầu, vợ chồng anh Thủy ngỡ chúng tôi là dân đi cầu… số đề. Khi biết chúng tôi là nhà báo, anh Thủy liền giao việc lại cho vợ, nhiệt tình hướng dẫn tìm hiểu về di tích.   

Miếu ông Cọp nhìn từ Quốc lộ 1A

Miếu Ông Cọp toạ lạc trên thửa đất chừng 200 m2, cách Quốc lộ 1A về phía Tây chỉ vài chục mét, nhìn ra Vịnh Xuân Đài. Miếu đã được tu sửa nhiều lần bằng công của thiện nguyện của người dân địa phương. Ngoài phần mái tole gian tiếp khách lễ, vết tích cổ còn lại là gian điện thờ Cọp Bạch và một tượng cọp đã rêu phong.

Anh Thủy cho biết: Vào tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch) và lập thu (tháng 8 âm lịch), rất nhiều người dân địa phương và khách hành hương về đây dự cúng, khi thì cúng chay, khi thì cúng heo, bò; công việc cúng kính được phân công cho 10 nhóm gia đình trong phường Bình Thạnh lo liệu.

Anh Thủy kể sơ lược cho chúng tôi nghe về truyền thuyết miếu Ông Cọp, rồi dẫn đường chúng tôi đến gặp các vị lão làng để “xác minh cho có đầu có đũa”. Chúng tôi vào xóm Đồng Đò cạnh bến đò Bình Bá tìm gặp cụ Trần Xuân Xanh (tức Bảy Lý, 70 tuổi) và  Nguyễn Thu (80 tuổi). Theo hai lão làng, từ thời xa xưa, phường Xuân Đài bây giờ chỉ là những làng chài hoang sơ ven biển tựa lưng vào dãy núi Mỹ Dự có đặc sản xoài Đá Trắng nổi tiếng, dân ở đây gọi là Xoài Ngự, vì đó là trái cây dùng để tiến Vua mỗi năm.

Tương truyền, thời đó ở vùng này thường xuất hiện những đàn Cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Vào một ngày, bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không thể nào đẻ được. Bí quá, ông Cọp Bạch liền lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Đò vồ lấy bà mụ trong làng, rồi đưa thẳng lên hang của mình. Người trong làng không ai kịp trở tay, chỉ biết thắp nhang vái ông Cọp đừng ăn thịt bà mụ.

Vợ chồng ông Bảy Lý đang kể chuyện Miếu Ông Cọp

Vô cùng hoảng sợ nhưng khi nhìn thấy bà Cọp đang cơn đau sinh nở, bà mụ liền ra tay đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”. Sau đó không lâu, ông Cọp Bạch đã đưa bà mụ nguyên vẹn trở lại nhà và đêm đó còn đặt trước sân nhà bà một con heo rừng để tạ ơn.

Một thời gian sau đó, con đường mưu sinh khiến bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh dưới chân núi Hòn Bù vươn ra vịnh Xuân Đài ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An ngày nay để lập nghiệp. Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối Chạp mỗi năm, người dân Đồng Đò thường nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự qua sông Bình Bá ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ. Cũng từ đó, vùng đất này không hề còn cảnh cọp beo, thú dữ kéo về quậy phá. Cuối đời, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi rồi chết tại vùng Bình Thạnh này. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân cứu vợ con, người dân trong vùng đã xây miếu Ông Cọp để tôn thờ.

Truyền thuyết trên thể hiện niềm tin của dân gian về sự tồn tại của tình nghĩa với con người, lòng chung thủy vợ chồng trong loài vật, mà ở đây là loài cọp vốn mang tiếng là chúa hung dữ. Đây cũng là truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi và được nhiều người truyền tụng vì tính “có lý”, sự nhân văn của một di tích.

Cọp không thích… đánh đề

Theo cụ Bảy Lý, trước khi miếu Ông Cọp hình thành, ở Bình Thạnh có Miếu văn và Miếu võ. Miếu văn sau đó di dời về xã An Thạch, huyện Tuy An ngày nay, còn Miếu võ được đưa về nhập chung với miếu Ông Cọp hiện nay. Từ bao đời nay, nhiều thế hệ thay nhau trông coi và cúng tế miếu ông Cọp vào những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là hai lễ cúng lớn vào dịp tiết thanh minh tháng 3 với lễ vật đồ chay và tiết lập thu tháng 8 với lễ vật heo, gà.

Lão làng đứng ra tế lễ, rồi cùng bà con mang chiếc thuyền ghép bằng bẹ chuối thả xuống sông Bình Bá để tống tiễn những điều xấu và cầu mong phúc đức, tốt lành cho cư dân trong làng. Nhiều người dân ở phường Xuân Đài cho hay, dù miếu ông Cọp rất linh hiển, nhưng không bao giờ đáp ứng những nhu cầu bát nháo, ví như những người đến cầu xin số để đánh đề. Nhiều lái xe cũng dừng chân thắp hương để được hanh thông trên đường. Ông Nguyễn Thu còn cho hay: khu vực quanh miếu Ông Cọp cũng đã có nhiều xe cộ bị lật nhưng thương vong rất ít…

Anh Trần Văn Tủy bên bàn thờ cọp cạnh Miếu

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, cho biết: “Vùng đất Sông Cầu – Phú Yên hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo trong tiến trình mở đất của cha ông. Tiến tới kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011), Bảo tàng Phú Yên đã tiến hành sưu tầm, thống kê các di sản trên địa bàn; riêng các miếu cổ thờ cọp cũng có ở một số nơi nhưng tiêu biểu nhất là Miểu Ông Cọp tại Bình Thạnh”.

Theo bà Hoa, vùng đất Sông Cầu là khu vực đầu tiên ở Phú Yên được ông cha dựng làng lập ấp trong quá trình Nam tiến. Sự xuất hiện miếu Ông Cọp ở đây, cộng với sử sách ghi lại, cho thấy vùng đất này ngày xưa có rất nhiều cọp, những người mở đất đã phải dày công dụng sức cho cuộc chiến đấu và chung sống với thiên nhiên “rừng thiêng, nước độc” để trụ vững và duy trì cuộc sống trên đất trấn biên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên