Nét cà phê Hà Nội

Mỗi sáng được nhâm nhi một tách cà phê đã trở thành một nét "văn hóa cafe" của người Hà Nội.

Ngoài những quán cà phê sang trọng mang phong cách hiện đại thì những nơi bình dị như cà phê Lâm, Đinh, Dĩ, Giảng… cũng là một địa chỉ thân thuộc với ai nghiền cà phê. Bước chân vào những không gian này, bạn sẽ quên hết sự ồn ào, vội vã của phố phường.

Quán cà phê Đinh không biển hiệu, không đèn nhấp nháy hào nhoáng. Đi qua một con ngõ nhỏ, lên chiếc cầu thang cũ kỹ ngả màu theo thời gian, bạn như bước vào một không gian cổ kính đặc trưng của các căn nhà ở khu phố cổ Hà Nội. Nội thất và trang trí trong quán đều rất đơn giản, không cầu kỳ về màu sắc.

Điều dễ nhận thấy nhất khi đến quán là 2 bức ảnh trên tường chụp một thiếu nữ, đó là hình ảnh của bà Bích thời còn trẻ – chủ quán cafe Đinh. Ra đời hơn 20 năm, mọi thứ trong quán hầu như vẫn không thay đổi, lúc nào cũng đông khách. Bà Bích cười bảo, đơn giản bà muốn tạo sự gần gũi, đồng cảm với khách của mình: “Thực ra, không phải tôi chọn khách mà khách chọn tôi. Ban đầu rất nhiều đối tượng, dần dần chỉ có học sinh, sinh viên lên đây. Có thể do phong cách hợp nhau, cùng thích nghe nhạc. Tôi coi các cháu như bạn, tuy ít tuổi nhưng nhiều bạn nói “bà Bích là người bạn của cháu”.

Chính sự tin cậy đó mà bà Bích giao quán cho khách. Khách tự pha chế đồ uống rồi trả tiền vào hộp. Điều này đã tạo ra một nét riêng cho cà phê Đinh. Chị Đỗ Xuân, nhân viên Ngân hàng, thường xuyên đến quán và chỉ uống cà phê đen đá, nơi này đã trở thành địa chỉ quen thuộc và gắn nhiều kỷ niệm với chị: “Tự phục vụ cũng là cách tạo nét riêng cho quán. Điều tôi thấy khác những nơi khác là tất cả mọi thứ không thay đổi. Từ cách phục vụ đến bàn ghế, con người. Ở đây như một gia đình”. 

Còn khi đến với cà phê “Cuối ngõ” nằm khuất sâu trong ngách 78 ngõ 68 (Cầu Giấy) chúng ta lại có một cảm nhận khác. Quán được bài trí giản dị, chất chứa những bản tình ca nhẹ nhàng, da diết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trên mỗi chiếc bàn tre mộc mạc luôn có một bình hoa tươi. Những bức tranh về Trịnh, những nhân vật một thời đi qua cuộc đời ông, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng yêu thương bất tận về tình người, về những triết lý của cuộc sống, tất cả đều có thể tìm thấy ở nơi đây. Mai Anh, một phóng viên trẻ cho biết đây là địa chỉ quen thuộc của cô từ ngày còn là sinh viên. Giờ đã đi làm, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn quay lại đây để thả hồn vào những bản tình ca.

“Đến đây như một sự trở về với thời sinh viên, luôn tạo cho tôi cảm giác gần gũi. Điều đó khiến tôi thỉnh thoảng lại muốn tới đây để được sống lại cảm giác ngày xưa”- Mai Anh tâm sự.

Nếu bạn là người nghiền cà phê và yêu nghệ thuật chắc hẳn sẽ không bỏ qua quán café Lâm trên đường Nguyễn Hữu Huân. Nguyễn Tuân xưa có câu: “Hữu ngạn sông Sein có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có cà phê Lâm” là để dành tặng cái không gian nghệ sĩ ở quán này. Ngồi cà phê Lâm không chỉ để say cái vị khét đặc trưng mà còn để ngắm những bức họa in đậm dấu ấn văn hóa một thời.  Chẳng khó để nhìn ra tranh Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyên Hồng, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... bởi nơi đây từng là “đại bản doanh” của giới văn nghệ sĩ Hà Nội. Bạn Thu Huyền, sinh viên Trường Đại học Mỹ Thuật cho biết, đến Café Lâm không chỉ uống café mà còn để thưởng thức những giá trị nghệ thuật.

Chỉ là những không gian nhỏ bé, bình dị nhưng sức hút của các quán café này rất lớn đối với những ai thích khám phá. Mong rằng, dù thời gian có trôi đi 10 năm, 20 năm nữa thì những café Đinh, Lâm, Dĩ, Giảng, Cuối Ngõ…sẽ không đổi thay. Bởi không gian này đã chứa đựng cả một “nét văn hóa café của người Hà Nội” mà chỉ Hà Nội mới có./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên