Nghệ An, Hà Tĩnh phòng chống lũ quét và sạt lở

Các địa phương trên huy động đông đảo lực lượng tại chỗ di dời các hộ dân ra khỏi các khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Mặc dù bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên mưa lớn xuất hiện ở vùng miền núi của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. 2 ngày qua, các địa phương đang khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi các khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Riêng Nghệ An mới chỉ di dời 10 trong tổng số 40 hộ trong vùng núi bị sạt lở. 

Sáng 27/9, vết nứt trên núi Pu Căm tại xã Lượng Minh, huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An tiếp tục bị sạt lở và rộng thêm, đe dọa trực tiếp 40 hộ dân bản Xốp Mạt. Vết nứt dài khoảng 1km, rộng gần 0,5m, chạy dài từ đỉnh núi xuống sông Nậm Nơn.

Trụ sở UBND xã Lượng Minh, trường THCS Lượng Minh cũng nằm trong nguy cơ bị sạt đổ xuống sông Nậm Nơn. Trong những ngày tới, nếu trời tiếp tục mưa lớn thì nguy cơ nửa quả núi Pu Căm nứt, đổ xuống lấp dòng sông Nậm Nơn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mực nước các con sông ở miền Trung đang lên rất nhanh (Ảnh: TTO)

Tại huyện Con Cuông, trong đợt mưa lũ trước, những xã như Mậu Đức, Thạch Ngàn, Cam Lâm… đã xảy ra nhiều điểm sạt lở. Đối phó với hoàn lưu bão số 4, đồng thời chủ động phòng chống bão số 5 có thể đổ bộ vào nước ta, huyện Con Cuông tiếp tục chú trọng triển khai biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về bão số 4, kể cả công điện của Trung ương và của tỉnh, trong khi huyện đang khắc phục hậu quả đợt mưa lũ trước, chúng tôi đã ban hành công văn chỉ đạo các xã tiếp tục phương án phòng chống bão. Xác định vùng trọng điểm xảy ra lũ quét, ngập úng, chúng tôi phải dùng lực lượng 4 tại chỗ, đặc biệt huy động lực lượng công an, quân đội, biên phòng trực tiếp ứng cứu khi có lũ, sạt lở xảy ra”.

Ngày 26/9, hơn 100 đoàn viên, thanh niên huyện Đoàn Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh tham gia tổ chức giằng néo nhà cửa và di dời tài sản cho các hộ neo đơn, gia đình chính sách, các hộ gia đình dọc sông, suối có nguy cơ sạt lở cao. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Vũ Quang cũng đã bố trí lực lượng hướng dẫn và cảnh báo phương tiện hoạt động tại các bến đò; nghiêm cấm tình trạng vớt củi trên sông, suối khi lũ về.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Vũ Quang nói: “Hầu như xã nào cũng có vùng có nguy cơ sạt lở đất, trong đó có các xã như Hương Minh, Hương Thọ, Sơn Điền, Hương Quang. Do là địa bàn huyện miền núi nên các hộ dân sống ven núi, ven suối rất lớn. Chúng tôi đã phân công cán bộ xuống vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở thông báo và hướng dẫn nhân dân di chuyển và chằng chống nhà cửa, đặc biệt giúp đỡ những gia đình neo đơn”.

** Hà Tĩnh: Nhân dân gặt lúa chạy bão

Chủ động đối phó mưa lớn hoàn lưu sau bão số 4 và bão số 5 sắp tới, ngày 26 và 27/9, từ miền núi tới miền biển tỉnh Hà Tĩnh, 1.600 cán bộ chiến sĩ, công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên và học sinh xuống các địa phương giúp dân thu hoạch lúa hè thu chạy đua với mưa bão đang đến gần.

Lúa bị ngâm nước lâu ngày nên đã mọc mầm (Ảnh: nghean24h)

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được 16.700 ha lúa hè thu, trong tổng số gần 41.190 ha. Trời mưa to nên các địa phương đều bám sát đồng ruộng, thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn gìa đồng”. Đến sáng 27/9, nhiều huyện tại Hà Tĩnh cơ bản đã gặt xong.

Tại huyện Hương Sơn, từ ngày 25/9, huyện đã tổ chức ra quân với sự tham gia tích cực của mọi lực lượng tình nguyện. Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch huyện Hương Sơn cho biết: Toàn huyện có 2.500 ha lúa hè thu, đến nay đã thu hoạch xong 2.300 ha. Riêng trong ngày 26/9, thu hoạch được 400 ha. Sáng 27/9, dù trời tiếp tục mưa, song mọi lực lượng vẫn xuống đồng thu hoạch nốt diện tích còn lại. Chậm nhất là ngày 28/9, Hương Sơn sẽ gặt xong, để chuẩn bị đối phó với cơn bão sắp tới.

Từ ngày 25/9, các lực lượng vũ trang của tỉnh cũng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ ra đồng thu hoạch lúa. Đại tá Nguyễn Đức Tới, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã huy động hơn 500 cán bộ chiến sĩ xuống 11 huyện, thị cùng nông dân thu hoạch lúa. Riêng Trung đoàn 841 cử gần 120 cán bộ, chiến sỹ về phối hợp với nhân dân huyện Cẩm Xuyên bám sát cánh đồng, gặt lúa cho dân và sẵn sàng ứng cứu khi có mưa bão xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên