Nguy cơ suy giảm chất lượng dân số dân tộc ít người

Sự thụ hưởng các dịch vụ xã hội, nhất là giáo dục, y tế, rất thấp kém khiến cho con người, nguồn nhân lực vùng nông thôn, vùng sâu vẫn trong tình trạng lạc hậu, năng suất thấp.

Nước ta hiện nay có 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người như Si La (Lai Châu) 840 người, Pu Péo (Hà Giang) 705 người, Rơ Măm (Kon Tum) 352 người, Brâu (Kon Tum) 313 người, Ơ Đu (Nghệ An) 301 người…

Các dân tộc này hiện cư trú ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở.

Đối mặt với nghèo đói

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc chưa phát triển và yếu kém. Hiện cả nước còn hàng trăm xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, đó là chưa kể đường chưa đi lại được bốn mùa. Nhiều xã chưa có trạm y tế đạt chuẩn, thiếu trường học... Số hộ nghèo vùng dân tộc hiện nay chiếm phần lớn trong số hộ nghèo cả nước (63,7%) và có tỷ lệ cao ở tất cả các vùng.

Với trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất lạc hậu nên năng suất lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 60% (như dân tộc Si La từ 80 – 90%, dân tộc Ơ Đu 85%, Pu Péo 38%, Brâu 51%)…

Ngoài ra, các dân tộc trên còn đối mặt với tình trạng suy thoái giống nòi. Theo nghiên cứu của Viện Dân tộc học năm 2005-2006, không chỉ các dân tộc dưới 1.000 dân phải đối mặt với nguy cơ này mà một số tộc người miền núi phía Bắc cũng đang có nguy cơ tương tự vì tình trạng hôn nhân cận huyết thống phổ biến (như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru).

Sở dĩ tình trạng nghèo đói, lạc hậu, suy giảm chất lượng dân số vẫn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc ít người, theo TS Đào Duy Khuê - Viện phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, là vì các giải pháp của chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình còn có một số nội dung chưa thích hợp với vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo. Chương trình DS-KHHGĐ và CSSKSS thực tế mới chỉ thành công ở vùng thành thị và vùng nông thôn phát triển. Do vậy, việc triển khai chương trình DS-KHHGĐ ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, mức sinh ở các vùng này cao hơn gấp 1,7-1,9 lần cả nước, trong khi tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai chỉ bằng 60%.

Theo khảo sát, tỷ suất tăng dân số trung bình cả nước năm 1999 là 1,7% trong khi ở một số nhóm dân tộc miền núi tỷ lệ sinh thô còn rất lớn: Cơ Tu (3,1%), Mơ nông (3,2%), Ê đê và Chu Ru (3,3%)... "Tỷ suất sinh cao trong điều kiện kinh tế-xã hội không phù hợp dẫn đến chất lượng dân số suy giảm" - TS Đào Duy Khuê nói.

TS Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho rằng: "Chúng ta cần phải có giải pháp thiết thực để bảo vệ và nâng cao chất lượng dân số ở các tộc người này. Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực này nhưng thực tế đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiệt thòi. Vẫn còn những rào cản về địa lý, kinh tế nên họ chưa tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có những dịch vụ chăm sóc y tế, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình...".

Ngoài các chính sách dân tộc chung mà đồng bào các dân tộc ít người được hưởng như: Quyết định 134, 135, Quyết định 32, 33, chính sách trợ giá cước… Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã phê duyệt 6 dự án Hỗ trợ, phát triển 5 dân tộc thiểu số của 5 tỉnh, với tổng số vốn đầu tư gần 76 tỷ đồng nhằm mục tiêu: Xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; tăng số và chất lượng dân số, nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

Tập trung nâng cao chất lượng dân số

Theo TS Đào Duy Khuê, chúng ta cần xác định rõ danh mục các dân tộc hiện nay có nguy cơ suy giảm về dân số. Trên cơ sở đó khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân và tìm các biện pháp giải quyết. Cần cho phép sinh tối đa 3 con với những dân tộc có số dân dưới 1.000 người. Ngoài qui định về số con, những dân tộc cư trú ở vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo cần được quan tâm hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình hơn nữa. Nhà nước cũng cần có qui hoạch phân bố dân cư sao cho phù hợp để tạo điều kiện cho các dân tộc đều có cơ hội phát triển. Việc di dân tự do dễ phá vỡ sự cân bằng về kinh tế-xã hội. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao dân trí vùng dân tộc ít người; đào tạo cán bộ cấp cơ sở, nâng cao trình độ học vấn, nâng tỷ lệ cán bộ là người dân tộc ít người.

Bên cạnh đó, theo TS Đào Duy Khuê, cần có biện pháp tăng cường thể lực cho thanh thiếu niên dân tộc ít người, giúp họ nâng cao năng lực, thể chất, đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực trong CNH-HĐH. Cũng cần thành lập một "mạng lưới an toàn" về dinh dưỡng để đảm bảo cho trẻ em được tiếp cận các dịch vụ về dinh dưỡng hàng ngày. Đưa vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ về dinh dưỡng hàng ngày. Đưa vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em vào các chính sách và ngân sách quốc gia; cung cấp tốt ơn thông tin và nguồn dinh dưỡng cho các gia đình.

Nhà nước cần có chính sách đặc biệt quan tâm giúp đỡ các em học sinh dân tộc ít người đang có nguy cơ suy giảm dân số, có thể dưới hình thức tài trợ ăn uống ngay tại trường. "Một bữa ăn học đường cân đối cho tất cả trẻ em là sự đầu tư tốt nhất mà chúng ta có thể làm được vì sức khoẻ, sự giáo dục và phát triển xã hội toàn cầu trong tương lai" - TS Đào Duy Khuê nhấn mạnh.

Còn theo TS Đặng Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Dân số học tộc người (Viện Dân tộc học) để nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc ít người thì cần có chính sách ưu tiên như cấp sách vở, bút, mực, các trang thiết bị cần thiết khác cho con em đồng bào; tạo điều kiện để các cháu đi học nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần cải cách chương trình giảng dạy trong nhà trường, đặc biệt là đối với bậc mầm non và tiểu học. Không nhất thiết phải xây dựng một chương trình riêng cho 9 dân tộc có dân số ít mà có thể xây dựng một chương trình chung cho vùng dân tộc và miền núi, trong đó giao quyền quyết định cho các cơ sở giáo dục tỉnh hoặc thành phố quyết định chương trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

GS Khổng Diễn - nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học cũng đưa ra lưu ý, việc ưu tiên đầu tư cho một số dân tộc có dân số ít, có nguy cơ "suy giảm dân số", đời sống khó khăn là một chủ trương đúng nhưng thiếu sự kết hợp giữa vùng và dân tộc. Vì thế, quá trình triển khai và thực hiện đã nảy sinh vấn đề những dân tộc được đầu tư để phát triển muốn tách ra sống thành đơn vị riêng. Điều này ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, mặt khác gây ra tâm lý trông chờ, ỷ lại. "Chính sách dân tộc, dân số phải thật cụ thể, đồng bộ" - GS Khổng Diễn nói.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta chỉ chiếm 14% dân số cả nước, thế nhưng lại cư trú trên một địa bàn rất rộng, gần như toàn bộ phần biên giới trên bộ của quốc gia. Do vậy, vị trí phên giậu cũng như sự phát triển nguồn nhân lực, nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại khu vực này có một ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên