Bầu cử tại Pháp: Lịch sử 1981 có lặp lại?

Những vấn đề nào có thể tạo bất ngờ trong vòng 2 của một trong những cuộc bầu cử căng thẳng và gay cấn nhất trong nền cộng hòa thứ 5 của Pháp?

Trước cuộc bầu cử vòng 2, giới phân tích chú ý đến 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất là diễn tiến các cuộc điều tra dư luận trong 2 tuần qua, sau cuộc bầu cử vòng 1 ngày 22/4. Các cuộc điều tra được xem là đáng tin cậy tiến hành 48 giờ đồng hồ trước cuộc bầu cử vòng 2, cho kết quả ủng hộ ứng cử viên Francois Hollande sụt giảm nhẹ, nhưng vẫn khá khả quan, cho rằng ông có thể chiến thắng với tỉ lệ khoảng 52,5- 53,5% số phiếu.

Thứ hai, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu là bao nhiêu ?

Trái với lo ngại, đã có gần 80% trong tổng số 44 triệu cử tri Pháp đi bầu cử trong vòng 1 và đây là một trong những cuộc bầu cử thu hút đông đảo cử tri nhất từ năm 1988. Giới quan sát dự tính sẽ có khoảng 82-83% cử tri đi tham gia vòng 2. Như vậy có thể thấy đa số người Pháp quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống cũng như vận mệnh tương lai của đất nước. Có chăng, chỉ còn một số cử tri còn lưỡng lự, chưa biết sẽ bầu cho ai. Đáng chú ý, theo các nghiên cứu trong khoảng thời gian 2 tuần giữa 2 vòng bầu cử, số cử tri từng bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung Francois Bayrou và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen tuyên bố không muốn thể hiện quan điểm hoặc không muốn đi bỏ phiếu trong vòng 2- đã giảm đều.

Cử tri Pháp ở New York (Mỹ) thực hiện quyền công dân của mình (Ảnh Reutes)
Cử tri Eric nhấn mạnh yêu cầu chú ý đến sự khác biệt giữa « vắng mặt » và bỏ phiếu trắng: «Theo tôi thật không đúng nếu đánh đồng số cử tri bỏ phiếu trắng với những người vắng mặt vì lí do này khác không đi bỏ phiếu. Nhưng người bỏ phiếu trắng đã tiến hành đầy đủ các thủ tục đi bỏ phiếu và cần được chú ý đến quan điểm của họ. Tôi đã bỏ phiếu trắng trong vòng 1 để muốn nói lên thái độ của mình rằng tôi không thấy ai xứng đáng trong các ứng cử viên. Theo tôi cần chú ý đến số phiếu trắng, nêu lại vấn đề có hay không coi đó là một phần ủng hộ cho ai có được số phiếu cao nhất cuối cùng như một dự luật từng đưa ra thảo luận trong Quốc hội Pháp».

Thứ 3, các ứng cử viên bị loại sau vòng 1 sẽ bầu cho ai trong vòng 2 ?

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã tuyên bố hôm 1/5 rằng sẽ bỏ phiếu trắng vào hôm nay. Ứng cử viên của đảng Đấu tranh vì công nhân Nathalie Arthaud đã từ chối cho biết sự lựa chọn của mình và ứng cử viên Nicolas Dupont-Aignan thì mập mờ cho biết sẽ chọn «người ít tệ hơn trong 2 nhân vật vào vòng 2». Còn lại tất cả các ứng cử viên khác bị loại khỏi vòng 1 đều tuyên bố sẽ bầu cho ông Hollande. Không một ứng cử viên nào khẳng định sẽ  bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Dĩ nhiên, đó là tuyên bố của các ứng cử viên, còn các cử tri từng bầu cho họ trong vòng 1, sẽ hành động ra sao, điều đó rất khó dự đoán. Đặc biệt, số cử tri đã bỏ phiếu cho nhân vật của đảng cực hữu Marine Le Pen được đánh giá là không đồng nhất, điểm chung duy nhất giữa họ là muốn bày tỏ thái độ phản đối, phản đối chính phủ và cũng không đồng tình với cánh tả; phản đối toàn bộ hoặc một phần chính sách nào đó.

Thứ 4, khoảng cách giữa kẻ thắng- người thua trong vòng 2 sẽ ra sao ?

Khoảng cách giữa hai ứng cử viên không quá khác biệt, theo các cuộc điều tra. Nên vẫn không loại trừ khả năng đương kim tổng thống Sarkozy có thể giành thắng lợi sít sao. Còn trong trường hợp ông Hollande thắng lợi, thì khoảng cách giữa hai người cũng là điều đáng nói, bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử quốc hội tại Pháp vào giữa tháng 6 tới. Tùy mức độ ủng hộ của cử tri cho các đảng, mà sự phân vai, chia ghế trong quốc hội Pháp sẽ được định đoạt.

Thậm chí nếu tỉ lệ ủng hộ ông Sarkozy quá thấp, có thể Liên minh vì phong trào nhân dân – liên minh vốn đã lỏng lẻo giữa các đảng cánh hữu- có thể sụp đổ và bàn cờ quyền lực trong nội bộ cánh hữu sẽ được sắp xếp lại.

Lịch sử năm 1981 liệu có lặp lại ?

Liệu lịch sử năm 1981 có lặp lại, khi một nhà lãnh đạo cánh tả nối bước cố tổng thống Francois Mitterand lên nắm quyền lực? Đó là câu hỏi mà báo chí và dư luận Pháp liên tục nhắc đến những ngày này và là điều mà những cử tri ủng hộ ông Hollande mong muốn.

Cố Tổng thống Pháp Francois Mitterand (ảnh trái) và ứng cử viên Francois Hollande (ảnh phải)
Chị Catherine- một cử tri có mặt trong cuộc tuần hành hôm 29/4 của phe cánh tả nói: «Tôi đã có mặt trong cuộc mít-ting của đảng Xã hội từ năm 1981, khi đó tôi mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi đi bầu cử. Hôm nay, tôi đến đây để ủng hộ cho ứng cử viên của đảng Xã hội và mong muốn lịch sử lặp lại».

Trong khi cuộc bầu cử chưa bắt đầu, báo chí Pháp so sánh nhiều về khả năng lịch sử sẽ lặp lại với chiến thắng thuộc về cánh tả, sau 17 năm cánh hữu cầm quyền ở Pháp. Đặc biệt khi ứng cử viên Francois Hollande «đi lại những bước chân» của cố Tổng thống Francois Mitterand, khi nhắc lại nhiều tuyên bố lịch sử của ông Mitterand, hay đến lại những địa điểm biểu tượng từng làm xoay chuyển cuộc bầu cử năm 1981, đem lại chiến thắng cho cánh tả.

Có một chi tiết thú vị khiến người ta hiểu rõ vì sao ông Hollande nhớ rất rõ các tuyên bố cũng như những cử chỉ, hành động, các địa điểm từng đi qua của cố Tổng thống Mitterand. Dù bị đánh giá là không xuất sắc như cố Tổng thống Mitterand cả về khả năng lãnh đạo lẫn kinh nghiệm chính trường, nhưng ông Hollande hoàn toàn không khó để tạo một hình ảnh giống với nhà lãnh đạo từng làm nên lịch sử cho cánh tả Pháp. Lý do khá đơn giản là vì ông Hollande từng là người điều hành chiến dịch tranh cử của ông Mitterand năm 1981. Và giờ đây, dường như thời thế đang mỉm cười với ông Hollande!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên