Gia Lai:

Nhiều trẻ em chưa được đăng ký khai sinh

Điều kiện đi lại khó khăn là nguyên nhân khiến người dân không chú ý việc khai sinh cho con

Theo Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, trong năm 2010, số trẻ em khai sinh quá hạn trên địa bàn tỉnh khá cao, chiếm trên một nửa tổng số trẻ toàn tỉnh.

Chị Y Mết, xã Sơn Lang, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lấy chồng đã hơn 7 năm, nhưng không đăng ký kết hôn. Ở tuổi 26, đã có 2 mặt con nhưng Y Mết chưa bao giờ biết đến tờ giấy khai sinh. Chị cho biết: “Sinh ra trong gia đình nghèo, đông con, mình không được đi học. Khi lấy chồng cũng không đăng ký kết hôn. Mình cũng chẳng làm giấy khai sinh cho đứa con nào cả”. Hai đứa con của chị, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ lên 3 vẫn chưa được bố mẹ làm giấy khai sinh. Hôm làm hồ sơ cho đứa lớn đi học lớp 1, vợ chồng Y Mết mới đến UBND xã đăng ký khai sinh cho con.

Tại trụ sở UBND xã Sơn Lang (huyện Kbang), ngoài chị Y Mết, có rất nhiều bậc cha mẹ đi đăng ký khai sinh cho con đã đến tuổi đi học. Xoa đầu đứa con gái, anh Đinh In cười ngượng nghịu: “Năm nay, con gái mình sắp vào lớp 1 rồi, cô giáo bảo phải làm giấy khai sinh, con mình mới được đi học”.

Ông Nguyễn Quốc Điệp - cán bộ hộ tịch xã Sơn Lang - cho biết: “Người dân sinh sống ở các thôn, làng miền núi xa xôi, việc đi lại khó khăn, nên các bậc phụ huynh ít để ý đến việc khai sinh cho con. Chỉ đến khi trẻ bắt đầu đi học, cha mẹ mới đến xã làm giấy khai sinh. Do thiếu hiểu biết, nhiều bậc cha mẹ kê khai các thông tin về ngày, tháng, năm sinh của trẻ không chính xác; không có giấy chứng sinh... gây không ít khó khăn trong công tác cấp giấy khai sinh cho trẻ”.

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 34.948 trẻ em được đăng ký khai sinh. Trong đó, chỉ có 17.282 trường hợp đăng ký đúng hạn (chiếm 49,5%), còn lại là đăng ký quá hạn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn cao là do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký hộ tịch, đến khi có nhu cầu mới tiến hành đăng ký.

Đăng ký khai sinh để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ tư pháp vẫn còn giữ cung cách làm việc quan liêu, không hướng dẫn rõ ràng các thủ tục, giấy tờ..., khiến người dân thấy phức tạp quá nên chán nản, bỏ mặc việc đăng ký khai sinh cho con. Chị Đinh Lan, ở xã Tú An (thị xã An Khê) than: “Để làm giấy khai sinh cho con, mình phải bỏ hai buổi đi rẫy, thế nhưng vẫn chưa gặp được cán bộ. Mất thời gian quá”.

Ông Trần Xuân Hiệp - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai thừa nhận, công tác hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Tư pháp cơ sở trình độ chuyên môn còn hạn chế, số lượng ít, chưa ổn định. Đa số cán bộ tư pháp phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực chuyên môn khác.

Ngoài ra, một số nơi, chính quyền cơ sở còn thiếu coi trọng việc đăng ký, quản lý hộ tịch. “Quyền được cấp giấy khai sinh là quyền thiêng liêng, thiết thân của trẻ em. Đó là cơ sở để trẻ thực hiện nhiều quyền lợi khác như: học hành, khám chữa bệnh...

Do đó, các bậc cha mẹ cần đăng ký khai sinh cho trẻ đúng thời hạn quy định. Về phía chính quyền, cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc đăng ký khai sinh”, ông Trần Xuân Hiệp khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên