Nhọc nhằn nghề bán bánh mì ở bến xe

Rong ruổi khắp các bến xe là hình ảnh những phụ nữ bán bánh mì. Họ từ khắp các vùng quê lên Hà Nội, trên đôi vai gầy nặng gánh mưu sinh.

Những người “dãi dầu mưa nắng”

Xen lẫn tiếng còi, tiếng động cơ nổ, tiếng ồn ã ở bến xe luôn đông đúc là tiếng rao của những phụ nữ bán bánh mì. “Bác ơi, cô ơi,… mua bánh mì đi? Mua về làm quà”. Những tiếng rao ấy như những thanh âm của cuộc sống, bé nhỏ nhưng đầy nội lực, chất chứa bao cố gắng và cả niềm hy vọng.

Công việc của những phụ nữ bán bánh mì ở bến xe luôn bắt đầu từ tảng sáng và chỉ kết thúc khi các bến xe không còn khách. Cả năm, họ chỉ đoàn tụ với gia đình được mấy ngày Tết ngắn ngủi. Còn lại bao nhiêu ngày là bấy nhiêu vất vả, bươn trải.

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của bác Hậu

Tay xách túi bánh mì vừa lấy ở lò, bác Hậu, quê ở Hưng Yên như bị lẩn khuất bởi đám đông người qua lại, bởi sự nồng nặc đến khó thở của xăng xe, khói thuốc…

Trưa! Trời nắng như đổ lửa. Chiếc nón lá dường như không thể ngăn được nắng. Bác Hậu vừa mời khách, tay lau vội những giọt mồ hôi chảy thành từng dòng trên trán. Chuẩn bị đón tuổi 50 nhưng trông bác như già hơn cả chục tuổi. Bác than thở: “Bán bánh mì vất vả lắm cô ơi! Chẳng bao giờ tôi dám mơ một giấc ngủ trưa. Còn đêm đến thì cũng phải 11-12 giờ đêm mới được ngả lưng. Mà chưa kịp mơ đã phải dậy rồi. Dậy sớm thì sáng mới có bánh để bán. Mỗi chiếc bù đi bù lại cũng lãi được 200-300 đồng. Ngày nào đông khách thì cũng kiếm được 50.000-60.000 đồng. Nhưng dạo này trời nắng lắm, bán chẳng ăn thua”.

Vất vả là vậy nhưng nhìn quanh bến xe, tôi vẫn thấy những cụ bà ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn đi bán bánh mì. Lẽ ra, ở cái tuổi xế bóng chiều tà này, họ phải được đoàn tụ cùng con cháu an dưỡng tuổi già. Nhưng dòng đời xô đẩy, các bà vẫn phải hàng ngày cắp thúng bánh mì lặng lẽ mưu sinh.

Dáng người nhỏ bé, khắc khổ như nếm đủ cay đắng cuộc đời, bà Qúy xách mấy túi bánh trên tay, bước từng bước nặng nhọc. Nhìn bà mời khách, tôi thấy sao mà chạnh lòng. Mua giúp bà vài chiếc bánh mì, tôi có cơ hội trò chuyện và hiểu hơn về nỗi vất vả của nghề này.

Trơi nắng như thử sức chịu đựng của con người, nhưng bà Qúy nói: “Nắng còn hơn mưa. Trời mưa mà còn thêm lạnh nữa thì thân già như chúng tôi ê ẩm suốt ngày. Nhiều khi đi được một vòng bến xe là lại phải ngồi nghỉ”.

Khi tôi vô tình hỏi bà sao ở tuổi này bà vẫn còn đi bán bánh? Gương mặt bà bỗng trở nên ưu tư, những giọt nước mắt lăn dài từ đôi mắt đã mờ đục vì năm tháng. Tôi chợt nhận ra mình đã vô tâm chạm vào nỗi đau cuộc đời bà. Bà cất giọng đầy ưu buồn xa xăm: “Nhà tôi xa lắm, tận Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhà có 2 đứa con mà đứa nào cũng nghèo cả. Tôi đến bến xe này bán bánh thấm thoắt cũng đã gần 5 năm. Thân già giờ tự nuôi thân thôi, còn sống ngày nào thì phải làm ngày ấy. Mà giờ già yếu rồi, hễ trở trời là toàn thân đau nhức”…

Tôi lặng người nhìn bóng dáng bà đang dần mờ đi trong mắt. Tôi hiểu rằng, đối với những phận mưu sinh ở bến xe như bà Qúy hay rất nhiều mảnh đời khác thì cái ngày họ được an hưởng tuổi già còn xa lắm!

Thúng bánh mì – “phao cứu sinh” cuộc đời

Đã có lúc tôi tự hỏi, “trần gian có trăm thứ nghề” nhưng tại sao họ lại chọn trở thành những người bán bánh mì bến xe, nắng mưa dãi dầu đều nếm đủ. Nhưng với họ, vất vả không là gì cả! Chỉ cần có việc làm, kiếm được tiền thì dù có cực khổ đến đâu họ cũng cam lòng.

Đến bến xe mưu sinh, mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng nhưng khi gặp và chia sẻ với họ, tôi nhận ra rằng những thúng bánh mì kia chính là phao cứu sinh, là miếng cơm manh áo của cả gia đình họ.

Từ đất Kinh Bắc, chị Nguyễn Thị Quế gia nhập đội bán bánh mì bến xe Gia Lâm đã gần chục năm. Qua tìm hiểu từ những “đồng nghiệp” bán bánh cùng, tôi được biết chị Quế là một trong những người có hoàn cảnh éo le nhất. Học hết lớp 9, chị nghỉ học rồi lấy chồng. Chẳng ngờ, chồng chị lại sa vào con đường cờ bạc, ngày ngày làm bạn với men say rồi đánh đập mẹ con chị.

Không chịu nổi, chị ly hôn, mang hai đứa con thơ về ông bà ngoại rồi khăn gói lên Hà Nội mưu sinh. Cuối cùng, cuộc đời đã đưa chị Quế trở thành thành viên “gia đình” bán bán mì bến xe. Gặp chị lúc trời đã quá trưa, chị mời tôi chiếc bánh mì mà thường ngày đó là cả bữa trưa của chị. Gương mặt rám nắng, những nếp nhăn và những dòng mồ hôi đan quyện như những vệt cát trên xa mạc đầy nắng và gió của cuộc đời chị.

“Tôi cũng đã làm đủ nghề trước khi gắn bó với những chiếc bánh mì này. Tuy vất vả nhưng nếu chăm chỉ, chi tiêu chắt bóp thì cuối tháng cũng có tiền gửi về quê cho ông bà và hai đứa nhỏ. Mà tụi nhỏ học khá lắm. Đợt vừa rồi, chúng nó gọi điện báo với tôi là năm học vừa rồi cả hai chị em đều được giấy khen đấy cô à”, chị Quế nói giọng đầy hạnh phúc.

Bác Hậu, chị Quế và còn rất nhiều những người phụ nữ đang bươn chải trên các bến xe vẫn mang trên vai gánh nặng mưu sinh cho cả gia đình. Họ tha phương để kiếm miếng cơm manh áo, để tìm về ước mơ cho những đứa con hiếu học đến trường.

Thời tiết hôm nay được dự báo sẽ rất nắng… Mới hơn 9 giờ sáng mà nắng đã như đổ tràn cả bến xe, đổ dài lên bóng của những người phụ nữ yếu ớt. Liệu chỉ với chiếc mũ nhỏ che nắng và ăn bánh mì khô thay cơm, họ có đủ sức để bươn trải, để rong ruổi khắp các bến xe mưu sinh kiếm sống?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên