Những nữ phóng viên… “tệ nạn”

Hơn 10 năm chuyên viết về các vấn đề xã hội đã tạo cho các nữ nhà báo ở Chương trình phát thanh Diễn đàn Các vấn đề xã hội có những cách nhìn khác về cuộc sống.

Nhân vật trong những bài báo của họ là người nghiện ma túy, gái mại dâm, người nhiễm HIV… những đối tượng mà phần nhiều trong chúng ta đều e ngại khi tiếp xúc. Hơn 10 năm chuyên viết về các vấn đề xã hội đã tạo cho các nữ nhà báo ở Chương trình phát thanh Diễn đàn Các vấn đề xã hội có những cách nhìn khác về cuộc sống.

Nhà báo Mai Dung về công tác ở Đài TNVN từ năm 1984. 10 năm sau, khi chương trình Diễn đàn Các vấn đề xã hội ra đời thì chị là một trong những phóng viên đầu tiên. Năm 2001 chị được giao phụ trách chương trình và cho đến nay, khi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Hệ VOV2, chị vẫn trực tiếp phụ trách chương trình này. Nhà báo Hồng Quyên và Lê Hằng là 2 người gắn bó với chương trình phát thanh Diễn đàn Các vấn đề xã hội từ ngày đầu tiên bước vào nghề báo. Hồng Quyên bắt đầu tham gia vào chương trình từ 1/8/1994, đúng 1 tháng sau khi chương trình được thành lập. Còn Lê Hằng về chương trình từ ngày 1/11/1996. Với họ, việc tham gia chương trình, được tiếp xúc với những thân phận đặc biệt trong xã hội đã giúp họ có những cách nhìn khác về cuộc sống.

Ẩn bên trong cuộc sống chông chênh là thân phận con người... 

Nhà báo Mai Dung

Nhà báo Mai Dung không chia sẻ nhiều về bản thân, chị dành hầu hết thời gian cuộc tiếp xúc với chúng tôi để kể về chương trình, kể về những nữ đồng nghiệp đã đồng cam cộng khổ để xây dựng thương hiệu “Phòng Diễn đàn”. Chị tâm sự: “Khi viết về phòng chống tệ nạn xã hội, đối tượng phản ánh của chương trình nói chung rất đa dạng, từ người nghiện ma túy đến những người hành nghề mại dâm, nhiễm HIV/AIDS, rồi cả những người lang thang cơ nhỡ, trẻ em mồ côi, lao động sớm… ẩn bên trong cuộc sống đầy chông chênh chính là những thân phận con người. Khi viết về họ, tôi giữ lại ấn tượng nhiều hơn về những người phụ nữ. Ở Tuyên Quang, đó là một người mẹ già cong mình trong cái nắng cái gió xứ núi, lầm lũi mang cơm cho con đang cai nghiện; ở Hà Nội, đó là một phụ nữ trẻ nhiễm HIV từ người chồng từng tiêm chích ma tuý… Khi đã có thể trò chuyện với nhau như hai người phụ nữ, tôi mới thực sự hiểu họ có những nỗi khổ riêng, nỗi khổ tưởng như không thể san sẻ. Tôi cảm phục vì họ vẫn cứng cỏi đi tiếp cuộc đời bên người thân, bên những người đồng cảnh ngộ với mình. 

Bạn biết đấy, người làm báo phát thanh không thể ngồi nhà để mô tả về một con người bằng xương bằng thịt, càng không thể tưởng tượng ra âm thanh, hồn vía của một vùng đất mà phải có mặt tại đó. Nếu có chuyến đi nào cùng đồng nghiệp ở các báo khác, phóng viên nhà đài nói chung, phóng viên Diễn đàn Các vấn đề xã hội nói riêng khi nào cũng là người bị tiếng là “chậm chân”, ra khỏi nhà nhân vật sau cùng. Với những người đã từng mắc vào tệ nạn, đã một thời lầm lỗi, những lời bộc bạch với người lạ đâu thể thốt ra chỉ sau ít phút làm quen.

Phòng Diễn đàn Các vấn đề xã hội hiện nay chỉ có 5 người. Đã 15 năm rồi, người luân chuyển công tác, người đi người về, nhưng lúc nào cũng toàn là… nữ. Nói như vậy vì thỉnh thoảng và may mắn, hiếm hoi lắm phòng cũng được ưu ái… 1 phóng viên nam. Biết mình là “thiểu số” hay sao ấy mà anh em nào đã từng ở phòng, từ nhà báo Chu Nhạc, tới Trung Tuyến, Đôn Nam đều rất… ý tứ và “lành lành” hơn cả các nữ phóng viên. Công việc này đối với những phóng viên nam đã là vất vả, đối với chị em lại càng vất vả gấp bội. Chúng tôi cũng phải lo cho con cái, lo cho gia đình nên đôi khi cũng cảm thấy rất rõ trong mình sự mệt mỏi, áp lực của cuộc sống.

Hồng Quyên, Lê Hằng và các bạn phóng viên nữ trong phòng con còn nhỏ sẽ vất vả hơn. Nhưng vượt qua tất cả, đó là lòng say nghề và một điều quan trọng không kém là bên cạnh chúng tôi còn có gia đình. Có lúc thấy vợ ngồi bên máy tính đăm chiêu vì chưa xong chương trình, ông xã mình đã đùa: “Phải lấy vợ ở đài thì mới biết ngày mai ngày kia chương trình phát cái gì vẫn còn đang nằm cả ở tờ giấy kia…”. Các ông chồng của chúng tôi cũng phải quen dần với những chuyến đi xa của vợ, đưa đón con học hành và khi mẹ các con về, cả nhà lại… vui như Tết”.

Hồng Quyên: Phải có sự đồng cảm chân thành!

Nhà báo Hồng Quyên

- Công việc của chị phải tiếp xúc nhiều với những đối tượng đặc biệt, như người nhiễm HIV, mại dâm, ma túy…, thời gian đầu, chị có chút e ngại nào không?

Không một chút nào mới lạ chứ. Có lẽ do mẹ mình (nguyên phóng viên báo Khoa học - Đời sống - PV) sau khi nghỉ hưu, bà làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ sau cai nghiện của phường Nguyễn Trung Trực nên mình quen với việc nhà mình là đại bản doanh của những người nghiện ma túy và nhiễm HIV. Mình lại là người hướng ngoại, thích được đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều người. Đương nhiên, việc tiếp xúc với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khác với mọi người xung quanh đã là điều hấp dẫn cho công việc báo chí rồi.

- Tiếp xúc nhiều với những đối tượng này, cách nhìn của chị đối với họ thay đổi như thế nào so với trước?

Mình được giao theo dõi về công tác phòng chống HIV/AIDS cách đây hơn 10 năm. Ban đầu, do truyền thông của chúng ta vẫn gán HIV là tệ nạn xã hội nên lúc đó mình cũng bị nhầm tưởng như thế. Mình không kỳ thị họ nhưng nói chung là chưa thể có thiện cảm. Một lần, vào năm 1998, mình tiếp xúc với anh Sơn, trưởng nhóm đồng đẳng của những người nhiễm HIV/AIDS ở TP.HCM. Anh ấy bảo với mình là: Nếu người nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới không phải là một người đồng tính và liên tiếp sau đó là những người nghiện ma túy mà là một người bình thường, thì có lẽ xã hội đã không kỳ thị chúng tôi đến thế. Sau một thời gian, giới truyền thông đã thay đổi cách nhìn về họ, và mình cũng nhận ra điều đó. HIV đâu phải chỉ lây nhiễm từ hành vi tiêm chích ma tuý và quan hệ với gái mại dâm. Nhất là khi những người nhiễm HIV mà mình gặp không chỉ là những người nghiện ma túy mà còn là người vợ, và những đứa trẻ, con họ.

- Nhân vật nào chị từng tiếp xúc để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất?

Anh Sơn mình vừa kể là một ví dụ, chính anh ấy đã giúp mình có cách nhìn khác hơn về những người nhiễm HIV/AIDS. Một người nữa mình cũng nhớ mãi. Đó là Hải Yến, sống ở Gia Lâm, Hà Nội. Yến bị nhiễm HIV từ chồng, nhưng đã vượt qua rất nhiều kỳ thị để công khai danh tính. Ban đầu, Yến rất dè dặt khi tiếp xúc với nhà báo, cô chỉ nói về các hoạt động chung chung thôi, chứ không muốn nói về nỗi đau của riêng mình. Mình đã mất cả một ngày đi chợ, nấu ăn cùng cô ấy, mới có được những thông tin về cá nhân của Yến. Mình nghĩ, điều đó giúp cô ấy cảm thấy an lòng hơn khi tâm sự những điều mà cô không muốn kể cho ai. Nếu mình ngại ngần, không thoải mái trong giao tiếp với người nhiễm HIV thì khó mà tiếp cận được họ. Cuối cùng, mình đã có được một chương trình đúng như mình mong muốn.

- Những chuyến đi thực tế như vậy, ảnh hưởng thế nào đến cách nhìn nhận cuộc sống của chị?

Những chuyến đi thực tế đó giúp mình có những thay đổi trong quan niệm, trong cách đánh giá con người, vùng đất. Đi những vùng đất khác nhau, gặp những con người khác nhau sẽ giúp mình thu lượm được những ứng xử khác nhau trong văn hóa, lối sống, giúp mình cởi mở hơn trong những quan niệm, đặc biệt, mình có sự đồng cảm và sẻ chia nhiều hơn.

- Gia đình nói gì về công việc của chị, một công việc đòi hỏi đi nhiều, tiếp xúc nhiều với đủ loại thành phần đặc biệt?

May mắn là gần như cả nhà mình và nhà chồng đều làm báo (Anh Trần Nhật Minh - chồng chị Quyên - hiện là Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài TNVN tại ĐBSCL - PV) nên  mọi người ủng hộ, hỗ trợ mình hết mức trong công việc. Nếu không có điều đó, chắc mình sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng mình nghĩ, quan trọng nhất là mình yêu nghề báo, yêu nghề phát thanh nên những khó khăn kia chỉ là phụ thôi.

Tôi vui vì được gọi là... “Hằng tệ nạn”

Nhà báo Lê Hằng

Kể về thời gian đầu tham gia chương trình, nhà báo Lê Hằng cho biết: Cảm giác lúc đó vừa hào hứng nhưng cũng không ít lo lắng. Lo vì đòi hỏi chất lượng của một chương trình chuyên đề rất cao. Lúc đó, mình mới ra trường, những vấn đề như ma túy, mại dâm, HIV thực sự rất mơ hồ, việc làm thế nào để tiếp cận họ cũng không hề đơn giản và bản thân mình còn rất nhiều e ngại. Bởi lúc đó mình nhìn cuộc sống toàn màu hồng và cứ hỏi tại sao lại có những thành phần như vậy trong xã hội. Nhưng chỉ sau một thời gian làm việc, tiếp xúc với những con người này, cái nhìn của mình về họ đã thay đổi hẳn. Mình nhận ra rằng, đằng sau mỗi đối tượng tệ nạn xã hội đều còn lấp ló những điều nhân, điều thiện. Những nơi mình thường đến là các trung tâm 05, 06, các trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tàn tật. Gặp họ, thương lắm, nhiều khi mấy chị em không ai bảo ai, lại biếu họ chút tiền vì thấy họ khổ quá.

- Chị được gắn với biệt danh “Hằng tệ nạn” từ bao giờ và chị cảm thấy thế nào khi bị gọi như vậy?

Hình như chỉ sau 1 - 2 năm về Đài là mình đã có biệt danh này rồi. Cảm thấy thế nào nhỉ? Cũng thấy vui vui, “thương hiệu” của mình mà. Nhưng bản thân thì không tệ nạn đâu nhé (cười).

- Chị có thể kể về chuyến đi còn ám ảnh chị đến bây giờ?

Năm 2003, mình đến Trung tâm 05, 06 của Thừa Thiên - Huế, vào khu dành riêng cho đối tượng mại dâm đang trong thời gian giáo dục. Điều khiến mình ngạc nhiên và xót xa nhất là không ít chị hành nghề này đã lên chức bà, nhiều chị khèo tay, nhiều chị đã rụng răng quá nửa. Phần lớn các chị đều có nhiều con nhưng không biết bố chúng là ai. Mình hỏi họ, mỗi lần “đi khách” được trả bao nhiêu, một người phụ nữ đang mang bầu 6 tháng và đã có 6 đứa con đang ở trung tâm dành cho trẻ mồ côi, nói chỉ được dăm ba ngàn, thậm chí đổi lấy cái bánh mỳ hoặc gói mỳ tôm. Bản thân con cái của những người phụ nữ này cũng không học hành, lang thang kiếm sống, thậm chí trộm cắp.

Hỏi chị ta lần này có bỏ hẳn công việc đó hay không, chị ta hứa bỏ. Mình cũng thấy vui vui, nhưng chỉ một năm sau quay lại, vẫn gặp những con người ấy, vẫn bị bắt vì những tội ấy. Cuộc đời của họ mãi là một vòng luẩn quẩn. Buổi chiều ra khỏi trung tâm, thấy những đứa trẻ không cha vào thăm mẹ mà thấy buồn lắm. Đó là câu chuyện ám ảnh mình nhất.

- Nếu tự nói về công việc của mình, chị sẽ nói gì?

Một bức tranh nhiều màu sắc, mỗi mảng một tông màu đều cho ta những cảm nhận, những niềm vui, nỗi buồn khác nhau. Cái khó nhất là phải cảm nhận và phản ánh trung thực về bức tranh ấy.

- Được biết chồng chị cũng là nhà báo, công tác xa nhà, con lại còn nhỏ, bản thân chị cũng thường xuyên phải đi thực tế dài ngày, chị đã khắc phục khó khăn đó như thế nào?

Quê nội, ngoại mình đều ở Thanh Hóa. 4 năm đầu mới cưới, chồng mình (phóng viên TTXVN - PV) thường trú xa nhà, thỉnh thoảng mới về, buồn lắm. Sau khi có con, công việc ngập tận cổ, mỗi lần đi công tác xa là cả một vấn đề. Phải bố trí, sắp xếp cả tuần, đợt này “điều” mẹ đẻ ra, đợt sau “làm nũng” mẹ chồng giúp. Có khi phải đem con về tận Thanh Hóa gửi. Mình nhớ mãi một lần, khi con mới tròn tuổi, mình phải gửi về quê để đi công tác 1 tuần liền. Khi gọi điện về nhà, mọi người bảo cháu khóc suốt, mình xót con chảy nước mắt mà không làm gì được. Hôm về nhà, thấy con mặt buồn rười rượi đang ngồi ngoài sân một mình, mình ôm con mà cảm thấy có lỗi với con vô cùng.

- Nghị lực nào đã giúp chị vượt qua những khó khăn, mà đối với một phụ nữ, là vô cùng lớn đó?

Có lẽ mình quá đam mê nghề báo phát thanh. Và tính của mình là khi đã nhận việc gì thì sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất trong khả năng có thể. Một phần không thể thiếu, đó là mình nhận được sự ủng hộ của ông xã. Thêm nữa, điều mà mình cảm thấy may mắn nhất, đó là những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống đều được các anh, chị trong phòng chia sẻ.

Trò chuyện với các nhà báo Hồng Quyên, Lê Hằng, Mai Dung, điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất và cũng là điều khiến tôi khâm phục nhất ở các chị, đó chính là tình yêu nghề mãnh liệt. Chính lòng yêu nghề đó đã giúp các chị có nghị lực để vượt qua những khó khăn rất đời thường nhưng không hề nhỏ đối với một phụ nữ để đi tới tận cùng của công việc. Và cũng chính nó giúp các chị có đủ nghị lực để hy sinh những phút giây được ở bên chồng, con để đến với những con người bất hạnh trong xã hội.

Và trên hết, điều tôi cảm nhận được ở các chị còn là sự đồng cảm, sẻ chia chân thành dành cho những đối tượng vốn lâu nay bị xã hội nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Chính tình cảm đó đã giúp ngòi bút của các chị mềm mại hơn, nhân văn hơn và những bài viết ấm áp tình người hơn./.

Tập thể Chương trình Diễn đàn các vấn đề xã hội năm 2002

“Chương trình Diễn đàn Các vấn đề xã hội ra đời đến nay đã được 15 năm. Hiện nay, trong khung chương trình mới của Hệ VOV2 từ 1/1/2009, Diễn đàn Các vấn đề xã hội có 5 chương trình/tuần phát vào 9h, phát lại 21h, chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội… vẫn chiếm thời lượng đáng kể. Ngay từ những chương trình phát sóng đầu tiên vào năm 1994, chương trình đã xác định hướng đi của mình là không đi sâu vào miêu tả các vụ án để gây tò mò cho thính giả, bởi người nghe phát thanh không phải lúc nào cũng liền mạch, nên dành thời gian để phân tích những hệ lụy của tệ nạn xã hội đối với gia đình, môi trường xã hội, những thân phận con người với những khúc lắng sâu trong cuộc đời của họ, mỗi chương trình vì thế mang đậm ý nghĩa nhân văn hơn” - Nhà báo Mai Dung, Phó giám đốc Hệ VOV2.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên