Nông dân làm gì để bảo vệ mắt?

Những công việc trong ngày mùa thường dễ gây sang chấn cho mắt là: gặt lúa, chằng lúa bằng dây cao su, đập lúa, đặc biệt là tuốt lúa bằng máy bị hạt thóc bắn vào mắt…

Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 80% người dân sinh sống bằng nghề nông. Bởi vậy, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nông dân là vấn đề mà ngành Y tế rất quan tâm. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi xin trao đổi cùng bà con và các bạn một tình trạng thường xảy ra với nhà nông (đặc biệt trong các vụ gặt) khiến các bác sĩ Nhãn khoa luôn trăn trở và lo ngại, đó là: “Chấn thương Mắt trong lao động Nông nghiệp” (CTMNN).

Trong quá trình lao động nông nghiệp, có rất nhiều hoạt động, công việc dễ gây các sang chấn cho mắt (nhãn cầu) thậm chí để lại những hậu quả khôn lường. Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này và cho thấy: CTMNN có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong năm, nhưng thường gặp nhất là vào các vụ thu hoạch lúa. Những công việc dễ gây sang chấn cho mắt trong ngày mùa thường là: gặt lúa, chằng lúa bằng dây cao su, đập lúa, đặc biệt là tuốt lúa bằng máy bị hạt thóc bắn vào mắt, phơi rơm rạ…

Bệnh viện Mắt Trung ương đã nhiều lần tiếp nhận và điều trị cho những nông dân bị chảy máu trong nhãn cầu, thậm chí vỡ nhãn cầu do bật dây cao su hoặc tung móc dây chằng lúa; có người dân đã đến viện với hạt thóc còn nằm trong mắt gây đau đớn và nguy hại nặng nề. Thậm chí có người đi qua máy tuốt lúa cũng bị thóc văng vào mắt phải đi cấp cứu…

Ngoài vụ gặt, nhiều công việc thường ngày của nhà nông cũng có thể gây chấn thương cho mắt nếu không được đề phòng, cẩn trọng. Hàng đầu phải kể đến là: vơ cỏ lúa, bắt sâu, phun thuốc trừ sâu…

Những trò chơi vô bổ của trẻ em nông thôn cũng không kém nguy hiểm, đó là: bắt cò về chơi bị cò mổ mắt (có thể thủng nhãn cầu), chơi khăng bị đập vào mắt, bắn súng cao su, cá đâm, cá quẫy… Như vậy có rất nhiều công việc nhà nông có thể gây nguy hại với con mắt nếu bà con sơ ý, chủ quan và cũng có rất nhiều tác nhân gây tổn hại mắt: phổ biến hàng đầu là hạt thóc, rơm rạ, lá lúa, dây cao su…

Đập lúa, tuốt lúa bằng máy bị hạt thóc bắn vào mắt dễ gây sang chấn cho mắt.

Những tổn thương ban đầu của con mắt thường là trợt xước lớp vỏ bọc nhãn cầu (giác mạc, kết mạc) hoặc tổn thương đụng giập nhãn cầu tuỳ thuộc vào tác nhân và mức độ chấn thương. Các tổn thương trên nếu không được xử lý ban đầu phù hợp hoặc không được khám và điều trị sớm tại các cơ sở Nhãn khoa thường sẽ diễn biến nặng lên, nhanh chóng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm tại mắt như: Viêm loét giác mạc, Viêm mủ nội nhãn (các tác nhân trong môi trường nông nghiệp: hạt thóc, lá lúa, bùn đất… đều rất bẩn, mang theo nhiều vi khuẩn nguy hiểm đặc biệt là: Tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, nấm…). Bởi vậy việc điều trị thường khó khăn, tốn kém, mất thời gian, song hiệu quả không cao, người bệnh thường bị giảm thị lực ở các mức độ khác nhau, thậm chí phải bỏ nhãn cầu.

Qua đây, chắc bà con và các bạn đã nhận thấy những nguy hại của CTMNN cũng như tầm quan trọng của việc xử lý, điều trị bệnh đúng và sớm. Trên thực tế, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị CTMNN không quá nặng lúc đầu, song do phát hiện, xử lý ban đầu, điều trị không đúng đã làm bệnh trầm trọng lên rất nhiều, khiến việc điều trị về sau mặc dù rất tích cực song kết quả thấp kém, phải chấp nhận mù loà ở mắt bị chấn thương.

Xin đưa vài ví dụ về các phương pháp xử lý phản khoa học khi bị CTMNN (hay được bà con sử dụng): Khi bị thóc hoặc bụi bay vào mắt, mọi người bằng mọi cách lấy dị vật ra: day dụi, thậm chí dùng kim, nõn măng tre khều ra… Những việc làm trên vô cùng tai hại bởi nó sẽ gây xước trợt kết, giác mạc nhiều hơn, đẩy dị vật vào sâu hơn, làm tăng khả năng nhiễm khuẩn cho mắt bị chấn thương (thóc, bụi, nõn măng và kim khâu đều không sạch).

Lại nói về thuốc tra mắt, có nhiều bà con thường không đi khám bác sĩ chuyên khoa Mắt mà tự ra quầy thuốc mua thuốc về tra nhỏ hoặc uống. Điều nguy hại ở đây là: những loại thuốc hợp với giá tiền của bà con, được ưa dùng nhiều khi lại chính là các thuốc chống chỉ định với tình trạng bệnh hiện tại. Thường gặp nhất là các loại thuốc tra mắt có chứa cortisone như: Dexacol, Dexaclor, Polydexan… những loại thuốc này thường được mệnh danh là “con dao 2 lưỡi”. Nếu dùng chúng tuỳ tiện, không theo chỉ dẫn, giám sát của Bác sĩ chuyên khoa, tác hại với mắt thật khôn lường (loét thủng Giác mạc, Đục Thể thuỷ tinh, Tăng nhãn áp...).

Từ những vấn đề hết sức thực tế trên đây, chúng tôi xin được đưa ra lời khuyến cáo cùng bà con nông dân và các bạn trước những nguy cơ và hậu quả của CTMNN như sau:

1. Luôn đề phòng, cẩn trọng trong quá trình lao động, sản xuất và các hoạt động vùng nông thôn, đặc biệt trong các vụ gặt: mang kính bảo hộ trong các công đoạn nguy hiểm như: gặt lúa, tuốt lúa… Kiểm tra sự an toàn của phương tiện lao động (dây cao su, tấm chắn quanh đường thóc ra của máy tuốt lúa). Khuyên trẻ em không chơi các trò nguy hiểm (xem cò, chơi khăng, bắn súng nịt…)

2. Nếu không may bị CTMNN, hãy băng che vùng mắt đó và khẩn trương đến ngay tuyến y tế gần nhất, tốt nhất là nơi có Bác sĩ chuyên khoa Mắt để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự lấy dị vật trong mắt, không tự mua thuốc có cortison, hoặc thuốc mỡ về tra. Tiên lượng và kết quả điều trị CTMNN phụ thuộc rất nhiều vào việc người bệnh đến sớm (trước 6 giờ kể từ khi bị CTMNN) và cách thức xử lý ban đầu.

Một mùa gặt mới đang đến, chúng tôi xin chúc bà con luôn dồi dào sức khoẻ, chú ý phòng tránh CTM. Nếu ai đó không may mắc phải xin đừng chủ quan, chậm trễ, hãy tới ngay các cơ sở Nhãn khoa gần nhất để nhận được sự chăm sóc kịp thời, hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên