Từ cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ”: Nên xem xét lại cách dùng từ

Từ hiện tượng này, thêm một lần nữa vấn đề ngôn ngữ của giới trẻ đuợc dư luận nhìn nhận và đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau.

Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” của tác giả Thành Phong do Nhã Nam và Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành vừa ra mắt bạn đọc đang tạo nên nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Từ hiện tượng này, thêm một lần nữa vấn đề ngôn ngữ của giới trẻ đuợc dư luận nhìn nhận và đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau. Riêng trong bài viết đề cập vấn đề ngôn ngữ hiện nay của một bộ phận giới trẻ hiện nay, tác giả bài viết này xin bày tỏ ý kiến với đầu đề của cuốn sách: “Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu”.

Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” là tập hợp những lời nói hàng ngày của giới trẻ mang tính giải trí và có kèm theo tranh minh hoạ. Ví dụ trong cuốn sách có những câu như: "Ngất ngây con gà tây", "Phi công trẻ lái máy bay bà già", "Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá", "Tào lao bí đao", "Tự nhiên như cô tiên", "Đói như con chó sói"... Mỗi câu nói như thế đều đi kèm với một tranh vẽ biếm họa do hoạ sĩ Thành Phong thực hiện. Tất nhiên, đối với những câu nói này, có người khen nguời chê. Đó cũng là điều tự nhiên khi cái mới xuất hiện và có tiếng nói của riêng mình.

Bạn Lưu Thị Hồng Ngọc, sinh viên đại học Luật Hà Nội bày tỏ ý kiến: “Giới trẻ bây giờ nói những câu như vậy có cảm giác nói có vần, có âm điệu hơn, thuận miệng hơn chứ về ý nghĩa thì không có gì cả. Nhiều khi nói chuyện vui vui chèn thêm một hai câu vào để nói cho vui chứ không thể sử dụng nó thường xuyên trong cuộc sống của mình”.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là đầu đề của cuốn sách: “Thành ngữ sành điệu”. Mọi nguời dường như chỉ đọc và xem nội dung bên trong mà ít khi để ý đến cụm từ có vị trị khá khiêm tốn trên bìa cuốn sách này. Thành ngữ là gì? Theo từ điển Bách khoa, cách giải thích sẽ là: “Thành ngữ hoặc là những cụm từ mang ngữ nghĩa cố định (phần lớn không tạo thành câu hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp), (không thể thay thế và sửa đổi về mặt ngôn từ) và độc lập riêng rẽ với từ ngữ hay hình ảnh mà thành ngữ sử dụng.

Thành ngữ thường được sử dụng trong việc tạo thành những câu nói hoàn chỉnh”. Còn theo Thuật ngữ ngôn ngữ học, Thành ngữ là cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt trong câu.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi, Trưởng khoa Ngôn ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội): tự ý nghĩa của Thành ngữ phải thoả mãn điều kiện: nó là lời nói cố định có ý nghĩa biểu trưng. Nghĩa biểu trưng ấy theo ngôn ngữ của những người sử dụng bao giờ cũng trong sáng mới đạt đến là Thành ngữ.

Còn những lời nói đuợc tập hợp trong cuốn sách ấy mới chỉ là những lời nói cố định. Nó giống như sản phẩm ban đầu nhưng đã vội cho nó là “Thành ngữ”. Vô tình đã cấp quyền của nó là được mọi nguời chấp nhận. Nhưng thực sự đã đuợc mọi người chấp nhận đâu? Đó là nhận thức sai và hiểu sai về nghĩa của “Thành ngữ”. Cái sai thứ 2 trong cuốn sách đó chính là dùng chữ “Thành ngữ sành điệu”. Tự bản thân từ “sành điệu” ấy đã khuyến khích người ta nên dùng nhiều. Theo tâm lí của nguời Việt Nam, tự chữ “sành điệu” đó đã khuyến khích mọi nguời làm theo.

Lời nói theo thói quen hàng ngày không thể là Thành ngữ. Nó chỉ trở thành Thành ngữ khi nó mang nghĩa tốt đẹp, giáo dục, định hướng và được cả cộng đồng chấp nhận. Vô tình hay hữu ý, cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” đã tạo nên sự hiểu nhầm không đáng có và vô tình cổ xuý cho những gì chưa chắc chắn là tốt đẹp, và áp ngay cái “mác” Thành ngữ từ những câu nói không mang nhiều ý nghĩa của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Những bạn trẻ đó có “đất” để thể hiện cá tính của mình- không ai có thể phủ nhận điều đó, nhưng được chấp nhận hay không thì còn phải để xã hội thẩm định.

Ngôn ngữ là sự phát triển theo quá trình lịch sử, trong đó mỗi bộ phận nguời có sự đóng góp khác nhau, đương nhiên, ngôn ngữ giao tiếp của riêng cả một bộ phận giới trẻ cũng được chấp nhận và tôn trọng trong phạm vi của nó.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi khẳng định: Họ có quyền tạo ra ngôn ngữ riêng của mình. Nhưng họ cũng nên chú ý cái đó chỉ có giới hạn nhất định, nếu như vuợt qua khỏi phạm vi có thể: nếu như nó đúng, hay sẽ đóng cho ngôn ngữ của xã hội. Ngược lại, nó rắc rối làm cho ngôn ngữ của xã hội thiếu trong sáng làm cho ngôn ngữ xã hội thiếu cân bằng.

Xã hội có sử dụng và chấp nhận những lời nói ấy hay không lại tuỳ thuộc vào quá trình phát triển ngôn ngữ và sự định hướng của toàn xã hội. Tuy nhiên, khi một tác phẩm mang tính cổ xuý cho những điều chưa thực sự đúng với ý nghĩa và vai trò của nó sẽ là ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và tư duy cũng như cách sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của giới trẻ. Riêng về cuốn sách này, chúng ta nên trở lại với vấn đề kiểm duyệt và xuất bản để tránh khỏi sự ảnh hưởng không tích cực đối với cả thế hệ trẻ. Những câu đề cập trong cuốn sách không thể là thành ngữ, và nội dung càng không có gì đáng để “sành điệu”.

Bản thân tác giả đã không hiểu, và nhầm lẫn ngay từ cách đặt tựa đề cho một tác phẩm như vậy thì người đọc có quyền nghi ngờ về thẩm mỹ, nền giáo dục và học vấn của chính tác giả. Việc cho xuất bản cuốn sách không chỉ thể hiện sự quá dễ dãi về kiểm duyệt, thẩm định của các cơ quan chức năng, mà còn đặt ra cho dư luận câu hỏi: Phải chăng chúng ta chấp nhận, đồng loã cho sự lệch hướng của một bộ phận giới trẻ?

Việc nhiều bạn trẻ hiện nay không biết viết văn, không tự diễn đạt được ý trước đám đông, mọi người ngày càng ít nói những ngôn từ chuẩn với nhau hơn là hậu quả nhãn tiền, kéo theo đó là những lệch lạc trong suy nghĩ, lời nói dẫn đến sự xuống cấp, suy đồi đạo đức xã hội phải chăng cũng xuất phát từ những sai sót này?. Tre không uốn từ lúc còn măng thì lớn lên sẽ mọc lệch, thà một lần kiên quyết để chúng ta tránh khỏi những hối tiếc về sau này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên