Văn hóa di động

Cuộc sống cần thời gian, tốc độ vì thời gian cũng là vật chất. Điện thoại di động rút ngắn thời gian, khoảng cách. Nhưng nói chuyện qua điện thoại cũng là một hành vi văn hóa, có lúc còn là hành vi đạo đức

Tại hành lang bệnh viện: Bệnh nhân quá đông, phải ngồi chờ ở 2 bên hành lang hẹp. Tất cả im lặng. Tất cả căng thẳng. Chợt có tiếng chuông điện thoại di động. Tất cả đều nhìn theo hướng tiếng chuông. Người phụ nữ rút từ túi quần bò chật níc chiếc điện thoại và bắt đầu: “Alô... Nói to lên, ở đây sóng kém nghe không rõ... Đang ở bệnh viện. Đang chờ đến lượt...”. Người phụ nữ nói oang oang. Cả dãy hành lang như bật dậy. Có những nét mặt khó chịu. Có người bệnh đang ngủ gà gật choàng mở mắt.

Trên xe buýt: Nội quy trên xe buýt ghi: Nhường chỗ cho người lớn tuổi, không nói chuyện ồn ào... Xe đang chạy. Trên xe có tiếng điện thoại di động, chuông được cài bằng một bản nhạc đang được ưa chuộng: “Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao...”, một thanh niên oang oang: “Tao đây. Bọn mày đang ở đâu...?. Nũ khốn, ông mày đến dần cho bây giờ đấy...”. Cậu ta nói, hét to, văng tục. Một người đàn ông đứng tuổi lên tiếng: “Này cháu ơi, cháu nói bé thôi, đừng hét lên thế”. Mồm vẫn nói, mắt nhìn xéo sang ông già, cậu ta nói nốt câu rồi gạt máy xẹt một cái, quát: “Lói to thì nàm sao? Ông ngứa mồm à?” - “Sao cháu lại ăn nói thế?” - “Lày, lói cho vuông đi, ai nà cháu ông?”, rồi sấn sổ xông về phía ông già gây gổ...

Di động ngày càng được nhiều người dùng. Với máy rẻ, khuyến mại hòa mạng, khuyến mại thẻ, nên ngày càng nhiều người dùng. Trước kia, chỉ những doanh nghiệp, những người hay đi xa, nhiều công việc mới dùng. Bây giờ ai cũng dùng. Xe ôm để đưa đón khách quen. Người đi lau nhà, người đi mua đồng nát, người bán hàng rong, cả trẻ em đi học thêm, người già khi đi chơi…

Cuộc sống cần thời gian, tốc độ vì thời gian cũng là vật chất. Điện thoại di động rút ngắn thời gian, khoảng cách. Nhưng nói chuyện qua điện thoại cũng là một hành vi văn hóa, có lúc còn là hành vi đạo đức. Cứ có điện thoại là cứ nói, tự nhiên nói như ở chỗ không người. Tài xế taxi đang chở khách, bốc điện thoại nói quên cả khách. Người đi xe máy vừa phóng vừa nói ầm ĩ đua với tiếng động trên đường... Nếu ai có ý kiến, thì có khi chuốc thêm sự bực mình, thậm chí vạ lây.

Cái đáng sợ là từ lâu, trước những chuyện ngang tai chướng mắt, trước những cái xấu, cái ác con người đôi khi im lặng. Người ta tránh theo tâm lý “thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Vả lại người ta coi là “chuyện vặt”, đâu có phải chuyện đạo đức, pháp luật, đâu có ảnh hưởng gì lớn lao mà phải can thiệp?!. Chuyện bực mình dẫu nhỏ nhưng luôn diễn ra, đi đâu gặp cũng làm tăng thêm khó chịu, tăng thêm mệt mỏi. Nếu từ gia đình đến xã hội, ở đâu cũng một bầu không khí yên bình, thân thiện, con người sống tế nhị, văn minh trong cử chỉ, hành động và lời nói, lối sống thì hay biết mấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên